Góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân trong mùa mưa bão

Trong thời gian qua, các ngành có liên quan của tỉnh cùng với các địa phương ven biển đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Ngư dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) chuẩn bị vươn khơi.

Nhận thức được sự quan trọng của công tác PCTT&TKCN trong hoạt động khai thác hải sản, nên nhiều chủ tàu đã chủ động đầu tư nâng công suất, mua sắm ngư lưới cụ và lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác xa bờ. Tuy nhiên, trong năm 2020 tàu cá của ngư dân trong tỉnh hoạt động khai thác trên biển đã xảy ra 6 vụ tai nạn làm 5 tàu hư hỏng, 1 tàu cá mất tích, thiệt hại khoảng 3,9 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2021, mặc dù chưa có bão lớn nhưng tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển vẫn gặp sự cố. Đơn cử, như: Ngày 6-3-2021, tàu cá của ông Nguyễn Duy Bảo, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) mang biển hiệu TH-90142-TS khi đang hoạt động tại khu vực Nam Vịnh Bắc bộ (19008”N-107009”E) thì thuyền viên Nguyễn Duy Côi rơi xuống biển, các tàu cá khai thác gần tọa độ đã nỗ lực tìm kiếm nhưng không thấy nạn nhân... Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các nguyên nhân khách quan về thời tiết cực đoan, còn có các nguyên nhân chủ quan của chủ tàu/thuyền trưởng vận hành tàu cá khai thác trong điều kiện sóng, gió nguy hiểm bất thường dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Để tăng cường công tác quản lý tàu cá, bảo đảm an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển và chủ động PCTT&TKCN, góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho ngư dân, UBND các huyện, thị xã và thành phố tích cực chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, phường tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCTT&TKCN, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Nhất là chủ tàu/thuyền trưởng để họ hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và trách nhiệm đối với việc trang bị đầy đủ các thiết bị khi hoạt động trên biển. Tổ chức cho chủ tàu/thuyền trưởng cam kết khi có bão, áp thấp nhiệt đới phải đưa tàu tìm nơi tránh trú an toàn và thông tin về cho gia đình, chính quyền địa phương. Vận động các chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định và bảo đảm thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi tàu cập cảng. Các địa phương có khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được đầu tư xây dựng có phương án quản lý theo quy định; đồng thời phối hợp với các ban quản lý cảng cá hướng dẫn, sắp xếp tàu cá neo đậu bảo đảm an toàn theo hướng dẫn. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn, có phương án cho tàu cá neo đậu, tránh trú tại các khu neo đậu tránh trú bão tự nhiên (các cửa sông, vùng sông, vùng biển, vùng bãi ngang) và hướng dẫn chủ tàu/thuyền trưởng neo đậu thành cụm, nhưng mỗi cụm không quá 3 tàu (khoảng cách mỗi cụm tối thiểu bằng chiều dài lớn nhất 1 thân tàu), có đệm tránh va, thả neo, dù neo, buộc, chằng chéo kiên cố tránh va đập, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của ngư dân. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu cá khi bão đổ bộ vào bờ; yêu cầu các chủ tàu cá neo đậu trong cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão phải tuân thủ quy định phòng, chống cháy nổ; ngắt các nguồn điện trên tàu tránh hiện tượng chập, cháy; tuyệt đối không nấu ăn, thắp hương trên tàu cá khi đang neo đậu. Các cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Hới (TP Sầm Sơn) và Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh của cảng các quy định về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá tránh trú bão an toàn; quy định về trang bị đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trong thời gian tàu cá neo đậu ở khu neo đậu tránh trú bão; cập nhật, phát, thông báo các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới. Xây dựng kế hoạch duy tu, bão dưỡng công trình khu neo đậu tránh trú bão được giao quản lý, sử dụng theo quy định; kiểm tra, trang bị đầy đủ các trang thiết bị (hệ thống truyền thanh, thông tin liên lạc, hệ thống chống va, cọc neo,...) bảo đảm hoạt động, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng phục vụ phòng, chống thiên tai tại cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Yêu cầu chủ tàu/thuyền trưởng đang neo đậu tàu trong khu vực cảng di chuyển vào khu tránh trú bão khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương. Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có bão, áp thấp nhiệt đới và phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nắm bắt kịp thời tình hình tàu cá di chuyển tránh trú trước, trong và sau bão, áp thấp nhiệt đới.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/gop-phan-giam-thieu-thiet-hai-cho-ngu-dan-trong-mua-mua-bao/136017.htm