Góp phần giải bài toán kinh tế và môi trường

Hà Nội được biết đến như một địa phương tiên phong phát triển đàn bò siêu thịt, đàn bò sữa chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao. Sự nhạy bén trước nhu cầu thị trường và mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi này của nhiều hộ gia đình từ đó mở ra sự kỳ vọng vào một thương hiệu thịt bò, các loại sữa bò chất lượng cao ngay tại Thủ đô.

Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình chăn nuôi khép kín

Trước kia thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng chỉ có tầm 15 hộ chăn nuôi bò sữa nhưng tới thời điểm hiện tại số lượng đã tăng lên gần 40 hộ. Thu nhập từ việc chăn nuôi bò sữa đã tạo động lực cho những hộ dân nơi đây phát triển mô hình với quy mô, số lượng đàn bò ngày một lớn. Tiêu biểu hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hùng hiện đang sở hữu đàn bò sữa lên tới 20 con.

Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đưa lại thu nhập ổn định

Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đưa lại thu nhập ổn định

Nói về con đường gắn bó với việc chăn nuôi bò sữa, ông Hùng chia sẻ: Trước đây nhà ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, hầu như chỉ có vợ ông làm còn ông đi chạy xe tải, nhận thấy tiềm năng từ việc chăn nuôi bò sữa nên ông đã quyết định từ bỏ công việc lái xe, cùng vợ phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa. Vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi nên chỉ sau 6 năm đàn bò của ông đã lên tới 22 con bò sữa với 10 con đang trong thời gian cho sữa.

Cũng là một trong số những hộ gia đình gắn bó với chăn nuôi bò sữa nhiều năm, ông Hoàng Đình Yên (thôn La Thạch) là chủ của trang trại chăn nuôi bò và lợn với hơn 15 con bò sữa và gần trăm con lợn.

Chăn nuôi bò sữa đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình ở xã Phù Đổng huyện Gia Lâm

Nhớ lại thời điểm ban đầu khi quyết định bước ra từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lên làm trang trại với quy mô lớn, gia đình ông Yên lúc đó chỉ có 3 con bò sữa đang trong thời gian sinh sản, nhiều khó khăn như vốn, kinh nghiệm chăm sóc… khiến ông lúng túng nhưng quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp cùng sự động viên kịp thời từ gia đình đã tiếp thêm động lực để ông tạo dựng được mô hình chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn, có sự đầu tư bài bản.

Với niềm tin vào việc làm giàu từ bò sữa, ông Yên đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, đến nay gia đình ông có 7/15 con bò đã cho lấy sữa. Mỗi ngày gia đình ông thu về trên 20 lít sữa/con, với đơn giá sữa ổn định từ 11-13 nghìn đồng/lít. Với sản lượng sữa ổn định, mỗi ngày gia đình ông thu hơn 1 triệu đồng từ việc bán sữa cho các nhà máy. Tính trung bình mỗi tháng 2 vợ chồng ông Yên thu nhập gần 20 triệu từ nguồn sữa bò và bò sữa giống.

Không chỉ riêng ở xã Phương Đình, huyện Đan Phương, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm trước kia vốn nổi tiếng là vùng trồng dâu nuôi tằm, bước vào thời kinh tế thị trường, nghề tằm không còn đem lại hiệu quả kinh tế, số lượng người dân trên địa bàn xã bám nghề không còn nhiều. Nhiều năm qua, người dân Phù Đổng đã tạo lập cuộc sống mới ngay trên chính quê hương mình, làm giàu bằng việc phát triển chăn nuôi bò sữa.

Nghề chăn nuôi bò sữa bắt đầu manh nha ở Phù Đồng từ năm 90 của thế kỷ trước, nhưng phải nhiều năm sau, chăn nuôi bò sữa nơi đây mới có những bước phát triển xứng tầm về cả quy mô và hiệu quả, đưa Phù Đổng trở thành một trong những nơi thu mua sữa lớn khu vực phía Bắc. Đàn bò xã Phù Đổng chủ yếu có nguồn gốc từ giống bò của Hà Lan, đã lai tạo qua 5 - 6 lần nhưng chất lượng bò giống và sữa vẫn tốt, số lượng sữa vắt trung bình 20 kg/con/ngày.

Theo nhiều người dân tại Phù Đổng, nhờ nuôi bò sữa, bộ mặt nông thôn và thu nhập của người dân địa phương tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi lít sữa đạt chất lượng, người nuôi lãi 3.000 - 4.000 đồng. Với tổng đàn khoảng 2.000 con, sản lượng sữa đạt 14 -15 tấn sữa/ngày, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Toan (thôn Phù Đổng 1) hồ hởi chia sẻ về những sự thay đổi về kinh tế mà chăn nuôi bò sữa đã đem lại cho gia đình bà: “Nhà tôi đã làm nghề này được 15 năm, tổng đàn bò cho trung bình khoảng 2 tạ sữa mỗi ngày. Vài năm gần đây giá sữa ổn định hơn và các đơn vị lớn thu mua sữa của bà con đều đặn, đem đến thu nhập cho gia đình tôi khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng chưa trừ chi phí. Từ ngày nuôi bò sữa bộ mặt nông thôn cũng có sự thay đổi, các gia đình cũng trở nên khấm khá hơn”.

Gắn liền phát triển số lượng với bảo vệ môi trường

Khi bộ mặt nông thôn thay đổi, xã Phù Đổng hướng tới thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, cùng với đó là cảnh quan xanh – sạch – đẹp, vấn đề về vệ sinh môi trường đã được giải quyết triệt để, tạo không gian sống lành mạnh cho người dân trong xã.

Chia sẻ về câu chuyện Phù Đổng hôm nay trở thành điểm sáng về công tác gắn phát triển nông nghiệp với bảo vệ môi trường, ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết đây là cả một hành trình, đã từng là bài toán khó của lãnh đạo xã trong suốt một thời gian dài.

Giữa lúc bài toán chất thải chăn nuôi ở địa phương đang chưa có lời giải đáp thì đề xuất mô hình nuôi giun quế từ phân bò của ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Phù Đổng) xuất hiện giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở thành “vấn nạn” nhiều năm của Phù Đổng. Do vậy, khi ông có thể giải quyết được nguồn chất thải từ bò sữa, lãnh đạo xã Phù Đổng và huyện Gia Lâm đã đồng ý cho triển khai.

Được sự “mở đường” của chính quyền xã, ông Hùng bắt tay vào xây dựng nhà xưởng và thu gom phân bò. Khi mô hình mới đi vào hoạt động, để có nguồn thức ăn cho giun quế, mỗi ngày ông Hùng thu gom khoảng 7 - 8 tấn chất thải, thế nhưng ông nói, con số đó vẫn chẳng thấm tháp vào đâu so với tổng lượng chất thải gia súc của xã vẫn ngày đêm bủa vây cuộc sống của người dân trong thời điểm đó.

Sau đó, ông thành lập Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư (HTX Hiệp Thư) để cho mô hình đi vào hoạt động ổn định. Thời gian đầu, HTX chỉ việc thu gom phân bò ở ven đường hoặc các gia đình tự mang đến để xử lý mà không phải trả tiền, nhưng đến nay, HTX phải trả tiền để mua phân bò của các hộ chăn nuôi với giá 2.000 – 3.000 đồng/xô.

Không những thế, HTX còn phát xô có nắp đậy cho các hộ chăn nuôi, sau đó nhờ các hộ chở lên, mỗi tháng HTX chi trả khoảng 10 triệu đồng mua phân bò cho các hộ chăn nuôi khiến nhiều người bất ngờ bởi không nghĩ có thể có thu nhập từ chất thải của gia súc.

Với mô hình của mình, ông Hùng nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của người dân trong vùng. Khi mô hình đi vào ổn định, mỗi ngày lượng chất thải cần dùng lên tới gần 20 tấn, đến nay số lượng phân bò thải ra mỗi ngày không đủ để phục vụ mô hình, thậm chí còn phải nhập thêm phân từ các xã, huyện khác. Sau khoảng 4 năm triển khai, mô hình nuôi giun quế của ông Hùng bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Mô hình càng nhiều ý nghĩa hơn khi đường làng, ngõ xóm ở xã Phù Đổng đều sạch sẽ, không còn bốc mùi như trước.

Tự hào về sự thay đổi tích cực của Phù Đổng đang ngày càng văn minh, sạch đẹp hơn, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh hồ hởi cho biết, hiện nay mô hình nuôi giun quế của HTX Hiệp Thư đang phát huy thành quả, khiến Phù Đổng trở thành nơi “lý tưởng” cho ai muốn vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi bò sữa, góp phần không nhỏ cho việc tôn tạo cảnh quan của xã. Trong tương lai đây vẫn là hướng đi bền vững để diện mạo nông thôn được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

N. Hoa – P. Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gop-phan-giai-bai-toan-kinh-te-va-moi-truong-95004.html