Góp phần duy trì sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng

Đối với ngành Ngân hàng, nhiệm vụ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) còn nhiều thách thức. Xác định kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, từ nay đến năm 2020, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẽ chú trọng nhiều giải pháp trọng tâm nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD; đồng thời, củng cố niềm tin của người dân, nhất là người gửi tiền tại các TCTD.

Ông Vũ Văn Long, Phó Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết: Thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, tổng số phí BHTGVN thu được trong năm 2018 là 6.628,5 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch; Số tiền đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi là 12.291 tỷ đồng, đạt 102,3% kế hoạch; Doanh thu từ hoạt động đầu tư là 2.583,1 tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch; Tổng doanh thu đạt 2.595,1 tỷ đồng, bằng 101,7% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế đạt 121,7 tỷ đồng, bằng 127,5 kế hoạch; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 2,08%, tăng 0,49% so với kế hoạch; Không phát sinh nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán quá hạn… Kết quả trên đã góp phần duy trì sự ổn định, an toàn và thúc đẩy quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD; củng cố niềm tin của người dân, nhất là người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng.

Xác định năm 2019 kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn. Đối với ngành Ngân hàng, nhiệm vụ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt là hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) còn nhiều thách thức. Vì vậy, thời gian tới, BHTGVN sẽ chú trọng vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHTGVN, đặc biệt là các quy định hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu của ngân hàng hỗ trợ, tham gia thẩm định Đề án phục hồi TCTD yếu kém, tăng vốn điều lệ...

Thứ hai, tham gia vào quá trình cơ cấu lại xử lý các TCTD nói chung và hệ thống QTDND nói riêng; Tăng cường vai trò của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt; Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHTGVN nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và thành viên của QTDND; Phát huy vai trò giám sát, cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tập trung nguồn lực để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư, hoàn thành quá trình tổng kết thi hành Luật BHTGVN để nghiên cứu, để xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTGVN phù hợp với tình hình mới, nhằm tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, tiến gần hơn tới thông lệ quốc tế.

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, quy trình, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, từ đó phát huy tốt hơn vai trò của một tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần quan trọng duy trì sự ổn định, an toàn và thúc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Ngô Kiến

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/gop-phan-duy-tri-su-on-dinh-an-toan-cua-he-thong-cac-to-chuc-tin-dung-303236.html