Góp phần định hướng chuẩn mực văn hóa

Trong nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập quốc tế ở mức toàn diện như hiện nay, đi kèm đó là những giá trị văn hóa cũng đang bị đảo lộn. Bên cạnh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, những xu hướng văn hóa mới, cách nhìn mới đã góp phần làm chệch chuẩn mực văn hóa. Với vai trò của mình, báo chí đã, đang và sẽ tích cực vào cuộc để định hướng lại chuẩn mực văn hóa, góp phần làm cho xã hội trở nên nhân văn hơn, quan hệ giữa người và người trở nên nhân ái hơn…

Bắt đầu từ văn hóa ứng xử

Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn hóa Hà Nội hội tụ kết tinh, tinh túy văn hóa của mọi miền đất nước. Văn hóa Hà Nội với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Xưa các cụ từng nói: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ, hành động, lời ăn tiếng nói... của mỗi người trong các mối quan hệ khác nhau.

Ảnh minh họa: P.B

Ảnh minh họa: P.B

Nó có thể tác động rất mạnh mẽ tới các mối quan hệ đó, làm cho tốt đẹp hơn hoặc xấu đi nhanh chóng. Giống như người ta vẫn thường thấy, một nụ cười lịch sự kèm theo lời xin lỗi khi xảy ra va chạm giao thông có thể giúp chúng ta dễ dàng bỏ qua cho nhau. Nhưng một cái cười đểu, một cái nhìn đểu nhau giữa những người không quen biết trên đường phố cũng có thể làm xảy ra những vụ án mạng.

Về cơ bản đa phần người dân Thủ đô vẫn giữ được truyền thống thanh lịch của người Tràng An, của người dân đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, không thể phủ nhận không ít người có những hành vi vô ý thức diễn ra hàng ngày ở mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Khi ra đường, chúng ta phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm khi những người tham gia giao thông cố tình đi lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu…

Ở những nơi công cộng khác như các bến tàu xe, nhà ga, công viên, hành lang bệnh viện và nhiều nơi khác, hình ảnh người hút thuốc lá trước biển “cấm hút thuốc” không phải hiếm. Sau các ngày lễ lớn, nhiều tuyến phố và các công trình văn hóa tràn ngập rác thải. Rồi, vì lợi nhuận một số người bán hàng không ngần ngại “chặt chém”, chèo kéo khách, bán cho khách “bún mắng, cháo chửi”… Mặc dù, những hiện tượng này không đại diện cho văn hóa Hà Nội, nhưng cái xấu phơi bày ra trước mắt khiến mọi người rất khó chịu.

Nhận thức được vai trò và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, thành phố Hà Nội đã rất quyết tâm trong việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, như việc ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Sự vào cuộc của truyền thông

Tuy vậy, để 2 Bộ quy tắc ứng xử thực sự đi vào đời sống, vai trò của báo chí rất quan trọng. Báo chí góp một phần không nhỏ để trả lại nét văn hóa ứng xử vốn có của người Hà Nội, hình thành những chuẩn mực ứng xử lành mạnh trong xã hội hiện đại, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bằng cách tuyên truyền, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử, ban hành các Bộ quy tắc ứng xử, nêu những tấm gương điển hình để cái tốt được lan tỏa, cái xấu bị đẩy lùi.

Hội Nhà báo Hà Nội cũng tổ chức giải thưởng báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Hội Nhà báo Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, các buổi tập huấn liên quan đến xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Tháng 12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức cho người dùng mạng xã hội Việt Nam. Đó là những việc làm rất ý nghĩa mà báo chí đã và đang phản ánh.

Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan ngôn luận của LĐLĐ thành phố Hà Nội, cùng với báo chí Thủ đô, báo Lao động Thủ đô đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về Quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và trong các cơ quan hành chính.

Theo đó nhiều chuyên trang trên báo giấy và báo điện tử về chuẩn mực trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã được xây dựng và thực hiện như: Người Hà Nội văn minh, Văn minh đô thị, Hà Nội trên đường phát triển, Nếp sống, Điểm đến…

Các bài viết tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến về 2 Bộ Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng và trong các cơ quan hành chính do UBND Thành phố ban hành; tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa tại các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ quan, các tụ điểm sinh hoạt công cộng và trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, báo cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ lên án những hành vi lệch chuẩn về văn hóa ứng xử trên rất nhiều lĩnh vực như trong giáo dục (giữa thầy với trò, giữa phụ huynh học sinh với nhà trường), trong y tế (hành hung bác sĩ, nạn phong bì trong bệnh viện), ứng xử khi tham gia giao thông, tham gia lễ hội, ứng xử nơi công cộng, ứng xử với khách du lịch, ứng xử trên mạng xã hội… Nhiều vụ việc từ góc độ văn hóa ứng xử, báo đã có cách tiếp cận rất đa diện, đa chiều, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội.

Vừa qua, Hà Nội vinh dự trở thành thành phố được đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Sau những ngày diễn ra hội nghị, ấn tượng để lại trong lòng các nhà lãnh đạo, các phóng viên báo chí và khách quốc tế là sự thân thiện, cởi mở, là lòng hiếu khách của mỗi người dân Thủ đô. Hà Nội cũng đẹp hơn, văn minh hơn trong những ngày diễn ra sự kiện. Có được điều đó cũng một phần nhờ sự vào cuộc của các cơ quan báo chí của Thủ đô và cả nước. Đủ cho thấy sức mạnh của báo chí, truyền thông đối với việc thay đổi nhận thức của chính quyền và người dân với văn hóa ứng xử ra sao.

Có thể nói, công tác tuyên truyền và định hướng của báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhận thức và hành vi của cộng đồng. Trong những chuyến tác nghiệp gần đây, phóng viên đã nhận thấy có sự chuyển biến rõ nét trong ý thức xây dựng lối sống có văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Cụ thể là người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường xung quanh, không xả rác thải bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định. Nhiều tổ dân phố, khu dân cư, làng xóm còn niêm yết những điều nên và không nên làm trong ứng xử ở những nơi công cộng để mọi người tuân thủ. Nhiều nơi còn lập ra những tổ tự quản, tổ tuyên truyền pháp luật cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, nhắc nhở người dân tham gia giao thông an toàn, tránh xảy ra va chạm không đáng có...

Cũng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, tình trạng hống hách, cửa quyền đã không còn ngang nhiên tồn tại ở các cơ quan hành chính, những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân... Rất nhiều người dân Thủ đô giờ đây cảm thấy yên tâm và thoải mái khi đến các cơ quan công quyền để làm việc.

Hiện nay đã có các quy định liên quan đến Văn hóa ứng xử của nhà báo, như 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đều do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Ngoài ra các nhà báo với tư cách là cán bộ nhân viên trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể còn phải tuân thủ những quy định, nội quy về "văn hóa công sở" nơi mình làm việc.

Với tư cách là người truyền tin, người định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội hướng đến những giá trị tiến bộ, văn minh, mỗi khi đăng tải thông tin phục vụ công chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần nêu cao trách nhiệm trong việc lựa chọn chủ đề, cân nhắc nội dung, hình thức thể hiện thông tin, văn phong về văn hóa giải trí làm sao vừa bảo đảm nhu cầu của công chúng, trong đó có công chúng trẻ, vừa góp phần hình thành, xây dựng những giá trị chân- thiện- mỹ để kiến tạo môi trường thông tin lành mạnh, nhân văn, bổ ích, qua đó vun đắp chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gop-phan-dinh-huong-chuan-muc-van-hoa-92755.html