Góp phần bảo đảm công bằng trong giáo dục

Một thông tin đáng ghi nhận trong những ngày đầu năm học 2020-2021 là lần đầu tiên, các trường tiểu học và trung học cơ sở (THCS) ở TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) thực hiện chia lớp bằng phần mềm máy tính và bốc thăm giáo viên ngẫu nhiên đối với lớp 1 và lớp 6. Công việc này được thực hiện vào ngày đầu tháng 9, trước khi các trường chính thức bước vào tuần học đầu tiên của năm học mới.

Theo đó, để chuẩn bị cho việc bốc thăm giáo viên chủ nhiệm, các trường đã thực hiện chia lớp ngẫu nhiên bằng phần mềm máy tính, bảo đảm cân bằng sĩ số lớp xếp theo vần alphabet (a, b,c) và tỷ lệ học sinh nam, nữ. Trong thời điểm bốc thăm giáo viên chủ nhiệm có sự chứng kiến trực tiếp của lãnh đạo phòng giáo dục thành phố, chính quyền cơ sở (xã, phường), đại diện ban giáo hiệu và công đoàn nhà trường, thanh tra nhân dân, đại diện hội cha mẹ học sinh của các lớp 1 và lớp 6.

Có thể khẳng định, việc các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP Hải Dương tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên giáo viên các lớp đầu cấp, không chỉ khắc phục tình trạng chọn lớp, chọn thầy cô; mà còn góp phần bảo đảm khách quan, công bằng cho các em học sinh và phụ huynh. Mặt khác, thông qua việc làm này, các nhà giáo đều có cơ hội như nhau về việc cống hiến, phát huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh.

Lâu nay, một vấn đề xảy ra khá phổ biến ở nhiều cơ sở giáo dục, là tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy giáo viên” ở các lớp đầu cấp bậc tiểu học và THCS. Vì muốn “trường tốt, lớp hay, thầy giỏi” mà nhiều phụ huynh đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để lo cho con em mình theo học các lớp 1, lớp 6 được gọi là “chất lượng cao”. Các gia đình có điều kiện kinh tế thì đua nhau “chạy” cho con em mình có một suất học ở các lớp được ưu tiên cả về giáo viên và cơ sở vật chất (dư luận vẫn xì xào gọi là lớp “con nhà giàu”, “lớp con quan chức”). Trong khi đó, các lớp còn lại chủ yếu là con em gia đình người lao động. Ngay ở bậc tiểu học, THCS mà xảy ra hai thái cực lớp học như vậy đã tạo ra “hố khoảng cách” bất công trong giáo dục.

Mọi trẻ em khi đến tuổi đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường, đến lớp là quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Bảo đảm công bằng trong giáo dục vừa là một giá trị căn bản để góp phần thực hiện công bằng xã hội, vừa là một trong những giá trị cốt lõi để khẳng định bản chất tiến bộ, ưu việt của nền giáo dục XHCN ở Việt Nam.

Vì vậy, bất cứ việc làm, giải pháp, mô hình, sáng kiến nào đều hướng tới góp phần thực hiện và bảo đảm công bằng trong giáo dục-ví như việc chia lớp bằng phần mềm máy tính và bốc thăm giáo viên ngẫu nhiên đối với lớp đầu cấp tiểu học và THCS ở TP Hải Dương-cũng là điều đáng khuyến khích.

BẢO NHƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/gop-phan-bao-dam-cong-bang-trong-giao-duc-635086