Góp lúa để nhận lương hưu

Tròn 30 năm, nông dân xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nộp bảo hiểm bằng lúa để nhận lương hưu khi về già. Ban đầu số lúa nộp vào quỹ với mục đích là 'cứu cánh' cho gia đình của người mất đi. Càng về sau, sức mạnh của từng hạt lúa đã tạo được quỹ tiền tỷ cho người dân vay mượn thoát nghèo và hơn hết là 'của để dành' cho những nông dân khi tuổi về già.

Ông Lê Hải Dương, 70 tuổi, người tham mưu cho xã Xuân Thủy việc nhận lương hưu từ góp lúa

Ông Lê Hải Dương, 70 tuổi, người tham mưu cho xã Xuân Thủy việc nhận lương hưu từ góp lúa

Cách nghĩ nhân văn

Cụ Lê Hải Dương (70 tuổi, người làng Mai Hạ, xã Xuân Thủy) ngồi bên hiên nhà ngắm giàn bầu trĩu quả, kể: “Chính sách nộp bảo hiểm từ lúa được tôi tham mưu cho xã từ cuối năm 1989. Năm 1990, Đảng ủy xã đưa thành nghị quyết và bà con xã viên hoàn toàn nhất trí tham gia. Lúc đó là thời buổi kinh tế còn khó khăn, ai cũng ủng hộ vì đóng góp mỗi người 2kg lúa/sào mỗi năm mà lúc già thì nhận được 50kg/năm. Số lúa nhận như vậy là rất nhiều, xay xát xong được 30kg gạo, ăn được cả 3 tháng, thậm chí hơn. 3 tháng không lo đói thời giáp hạt, thật sự như một ước mơ lớn sau lũy tre làng nên nông dân nghe lãnh đạo xã”.

Theo cụ Dương: “Trước khi ra nghị quyết, xã cho họp từng thôn, từng xóm, từng cụm dân cư, ghi nhận từng ý kiến, đạt đồng thuận cao nhất mới triển khai đồng bộ. Cái hay là nhận lương hưu bằng lúa, nhưng phải đả thông cho bà con việc xây dựng chân quỹ đến năm 1995 mới bắt đầu trả lương hưu. Mất 5 năm tạo lực. Dĩ nhiên lúc đó, nắm lúa đi liền khúc ruột, ai cũng sợ tuổi tác cao, qua đời không được nhận lúa. Nhưng trong 5 năm tạo quỹ, gia đình nông dân nào tham gia gặp khó khăn đều được vay mượn từ 5 tạ đến 1 tấn lúa, bán lấy vốn làm ăn; hoặc gia đình nào có người già qua đời đều được quỹ mở kho phát ngay 1 tạ lúa để bán về lo ma chay. Hồi ấy, ma chay ở vùng trũng Lệ Thủy còn nặng nề, việc ăn uống diễn ra trong 3 ngày nên 1 tạ lúa lo được rất nhiều việc, từ thờ cúng đến xóm làng dùng bữa, rồi lo cho đội âm binh khiêng quan tài có sức”.

Ông Võ Chí Ngự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thủy, bộc bạch: “Quỹ hưu bằng lúa rất sát sườn lợi ích người làm ruộng xã nhà. Hồi đó, địa phương có cán bộ làm việc ở huyện, xã về hưu có lương nên tuổi già đỡ lo miếng ăn, còn nông dân tuổi già vẫn cày sâu cuốc bẫm mà giáp hạt vẫn chạy vạy bữa ăn thiệt khổ, nên quỹ hưu từ chính hạt lúa làm ra đã cứu bà con thoát đói thời giáp hạt. Đây là cách nghĩ nhân văn của những bậc tiền bối thời đó”.

Linh hoạt việc góp quỹ

Không chỉ lo cho nông dân đến tuổi xế chiều và người đã khuất chu toàn lúc về chín suối, quỹ hưu của xã Xuân Thủy còn giúp cho hội viên nông dân thoát nghèo.

Cụ bà Nguyễn Thị Sẻ (70 tuổi) nói: Hồi trước nhà tôi nghèo lắm, có 5 đứa con lo ăn bở hơi tai nên không còn tiền mua trâu. May có quỹ lúa này mà tôi vay 1 tấn lúa rồi bán đi, cộng vay thêm chút ít họ hàng, mua được 2 con trâu về cày ruộng nhà, rồi cày ruộng thuê. 2 năm sau, gia đình tôi trả xong nợ, từ đó kinh tế gia đình ổn định, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Từ 1 tấn lúa nghĩa tình của quỹ hưu nông dân xã nhà mà gia đình tôi thoát nghèo. Không có 1 tấn lúa ấy, con cái tôi đâu được như hôm nay.

Cụ Lê Hải Dương cho biết thêm: Hàng ngàn lượt hội viên nông dân xã được vay vốn. Tính theo vật giá những năm gần đây thì mỗi hộ vay 5-50 triệu đồng. Hàng loạt mô hình nông dân làm ăn khá giỏi, giàu lên, thoát nghèo cũng từ quỹ này. Như con trai, con rể tôi vay 50 triệu đồng của quỹ, rồi mượn thêm nên mỗi đứa mua một cái máy gặt đập liên hợp về vừa gặt ruộng nhà, vừa gặt thuê cho nông dân mà cuộc sống ấm no.

Vừa kể chuyện, vừa chỉ rất nhiều căn nhà 2 tầng xung quanh nhà mình, cụ Dương rành rọt: “Thôn Mai Hạ hiện có trên 45% số hộ dân có nhà 2 tầng, đa số là nông dân từng vay mượn quỹ hưu từ lúa. Từ đó, kinh qua đủ nghề từ làm ruộng, buôn bán gạo, đến kinh doanh dịch vụ mà cất được nhà lầu. Ở vùng chiêm trũng, như vậy là cả thành tích lớn”.

“Để quỹ hưu từ nộp lúa phù hợp với tình hình thực tế, nông dân đã 3 lần tham mưu với lãnh đạo xã sửa đổi bổ sung quy chế quản lý sử dụng quỹ. Đặc biệt, vào năm 2012, bà con nông dân đề nghị không nên góp hiện vật mà nên quy ra mỗi ký lúa giá trị thị trường bao nhiêu thì nông dân bán lúa đến nộp nhằm tránh ẩm mốc mất giá trị. Từ đó, nông dân nộp quỹ hưu bằng tiền và quỹ cho vay cũng bằng tiền mặt với lãi suất thấp hơn tiền lãi vay của quỹ tín dụng địa phương, khiến bà con hội viên càng thêm phấn khởi”, ông Võ Chí Ngự nói.

Ông Ngự lần giở số liệu từ năm 1995 rồi nhẩm tính, tổng hội viên nông dân xã năm nay là 2.207 người, trong đó, trung bình mỗi năm có 641 người hưởng lương hưu từ quỹ. 25 năm qua đã có 16.025 lượt người nhận lương hưu với gần 5 tỷ đồng. Năm 2019, có 23 người qua đời được hỗ trợ hơn 13 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng ở vùng đồng quê chiêm trũng, nó có ý nghĩa an sinh xã hội lớn.

Ông Ngư kể tiếp: Quỹ hưu trí của nông dân xã hiện có hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó cho 121 hội viên vay hơn 1,3 tỷ đồng, cho các hợp tác xã vay 340 triệu đồng, các ban quản lý quỹ có hơn 136 triệu đồng, gửi tại quỹ tín dụng xã hơn 1,4 tỷ đồng. Tiền lãi hàng năm nhận về đều phục vụ chi trả hưu và cho nông dân vay lại. Dù số lượng hội viên hưởng lương hưu nam là 65 người, nữ là 60 người, khá đông, nhưng hàng năm vẫn dư bổ sung quỹ từ 100-150 triệu đồng, nên không hụt chân quỹ. Mọi thứ đều được căn ke tính toán hợp lý. 30 năm qua không có bất cứ hội viên nào xin ra khỏi quỹ.

Ông Đăng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, đánh giá: “Quỹ hưu trí nộp từ lúa của bà con nông dân xã Xuân Thủy là một sáng kiến về an sinh xã hội, không chỉ trực tiếp với người nông dân mà còn có ý nghĩa rất đáng kể để chăm lo cho con em của họ được học hành, việc làm, có cơ hội phát triển và góp phần xây dựng quê hương. Sáng kiến ấy đã có 30 năm, đủ để kiểm chứng là một hình thức hưởng lương hưu thiết thực, tạo động lực xây dựng nông thôn ngày càng đi lên”.

Xuân Thủy đang bừng lên không khí xây dựng nông thôn mới, và xã vùng chiêm trũng có 511ha lúa này đã có hơn 1.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ nghèo không quá 3%. Những hội viên tham gia quỹ có cuộc sống an nhàn hơn khi tuổi về già mà không phải ráng sức cày cuốc để tìm cái ăn hàng ngày.

MINH PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gop-lua-de-nhan-luong-huu-647453.html