Góp giọt máu đào - Nhen lên hy vọng

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương một lần nữa phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng chung tay góp giọt máu đào, đem lại cơ hội sống cho người bệnh. Thông điệp trên khiến nhiều người băn khoăn xen lẫn lo lắng. Bởi thiếu máu đồng nghĩa với việc người bệnh mất cơ hội điều trị. Nhưng thiếu máu phải chăng do nguồn cung không đủ cầu hay vì một lý do đặc biệt nào đó.

Người bệnh nhóm máu O đang mòn mỏi chờ nguồn máu để điều trị

Điệp khúc…thiếu máu

Máu cũng giống như những thuốc đặc trị khác, được dùng để điều trị cho người mắc các bệnh về máu. Nhưng máu lại đặc biệt hơn thuốc ở chỗ, thuốc có thể chủ động sản xuất còn máu chỉ có con đường duy nhất là truyền từ người này sang người khác. Máu cũng chỉ sản sinh trên cơ thể sống. Bởi vậy, máu phục vụ điều trị và cấp cứu thảm họa ở đâu cũng vậy, phụ thuộc hoàn toàn vào người hiến máu tình nguyện.

Là chế phẩm đặc biệt nên thiếu máu trở thành nỗi sợ của người bệnh lẫn nhân viên y tế. Tuy nhiên, điều đáng buồn, người bệnh và bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu cũng như nhiều bệnh viện khác dường như đã quá quen với việc thiếu máu. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã vài lần ra lời kêu gọihiến máu khẩn cấp. Lúc thì thiếu tất cả nhóm máu và chế phẩm từ máu. Lúc thiếu máu nhóm AB, A hay O.

Lần nay, máu nhóm O rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng. Theo thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trung bình mỗi ngày viện cần xấp xỉ 1.500 đơn vị máy để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện tại Hà Nội và khu vực phía Bắc. Trong số trên, nhu cầu về nhóm máu O chiếm gần một nửa.

Sở dĩ nhóm máu O chiếm tỷ trọng lớn bởi gần 50% dân số Việt Nam có nhóm máu O. Trong khi đó, người bệnh mang nhóm máu khác có thể nhận nhóm máu O và nhóm máu của chính mình thì ngược lại, người mang nhóm máu này chỉ nhận được của chính mình. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về nhóm máu O luôn cao và lượng bệnh nhân cần nhóm máu này để điều trị cũng cao hơn nhóm máu khác.

Được biết, tình trang thiếu máu nhóm O không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn phổ biến ở nhiều nơi. Người bệnh ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bình Định, Lâm Đồng… đều rơi vào cảnh mòn mỏi chờ máu.

Một giọt máu đủ làm ấm lòng người bệnh

Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao tỷ lệ hiến máu tình nguyện ngày một tăng mà vẫn thiếu máu. Và hãy ghé vào bệnh viện một lần để biết máu quan trọng thế nào với người bệnh.

Với những người mắc bệnh về máu, họ có thể không ăn cơm nhưng không thể thiếu máu điều trị. Có máu đồng nghĩa với việc họ được điều trị, được về nhà sớm. Nhưng những giọt máu ấy lại phụ thuộc vào người khác. Do vậy, mỗi người chia sẻ giọt máu của mình là một lần vì người bệnh.

Những ngày qua, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận nhiều người đến hiến máu. Họ có thể là sinh viên, nhân viên văn phòng hay thành viên các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện… Tất cả đều có chung niềm đam mê là hiến máu cứu người.

Trong hai ngày cuối tuần vừa qua có hàng trăm người đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến máu. Mỗi người một nơi nhưng không hẹn trước, họ cùng đến viện để hiến máu sau khi biết tình trạng khan hiếm máu. Điều đáng mừng là gần 80% số người đến hiến có nhóm máu O.

Phần lớn những người hiến máu đều là “người quen” của viện. Có người đã hiến máu trên dưới 10 lần. Có người vận động cả vợ, con cùng đi hiến. Chị Nguyễn Thúy Hòa (nhân viên văn phòng) đến viện vào chiều muộn cho biết: Khi biết viện kêu gọi cộng đồng hiến nhóm máu O, dù đi làm về muộn nhưng tôi cũng cố gắng tranh thủ đi hiến máu. Với chị Hòa, hiến máu để đem lại niềm vui cho mình và sẻ chia bớt khó khăn với người bệnh.

Để thông điệp hiến máu tình nguyện lan tỏa, khoa Vận động và Tổ chức hiến máu (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) cùng gần 500 tình nguyện viên tham gia Chương trình Youth Day 2018. Đây là năm thứ 9 chương trình được tổ chức với mong muốn tiếp nhận được khoảng 2.500 - 3.000 đơn vị máu để phục vụ cho điều trị. Theo ThS Nguyễn Văn Nhữ, Phó Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, việc mất cân bằng nhóm máu trong điều trị diễn ra vào đúng thời điểm sinh viên chưa nhập học hết, các trường chưa tổ chức hiến máu, diễn biến thời tiết mưa bão cũng ảnh hưởng tới hoạt động hiến máu. Chính vì vậy, sự góp sức của các bạn tình nguyện viên sẽ mang lại một lượng máu lớn nhằm phục vụ công tác điều trị cho người bệnh. Đặc biệt là nhóm máu O.

Ngoài kêu gọi người dân đến viện hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng kêu gọi người thân người bệnh, nhân viên y tế tham gia hiến máu. Công đoàn của viện đã phát động toàn thể cán bộ, nhân viên có nhóm máu O tham gia hiến máu, đồng thời tích cực chia sẻ thông tin kêu gọi hiến máu và vận động người thân và bạn bè cùng hiến máu.

Hạnh Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/gop-giot-mau-dao-nhen-len-hy-vong-3945943-b.html