Góp 15 tỉ đồng làm phim về đại thi hào Nguyễn Du

Đại thi hào Nguyễn Du, bộ phim tài liệu nghệ thuật với kinh phí lên đến 15 tỉ đồng vừa chính thức ra mắt khán giả phần 1 mang tên Gia thế và tuổi thơ.

"Làm sao để thế giới hiểu hơn về vĩ nhân Việt Nam, văn hóa Việt Nam, hiểu về một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, người đã đưa Truyện Kiều thành tác phẩm văn học bất hủ"- TS Phạm Xuân Mừng, nguyên giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng là nhà đầu tư cho bộ phim, bày tỏ.

Với mong muốn ấy, cáctác giả kịch bản Phạm Xuân Mừng, Lương Xuân Trường, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức dưới sự chủ biên kịch bản của tác giả Trần Đình Tuấn và đạo diễn Nguyễn Văn Đức đã dành nhiều thời gian, tâm sức thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật "Đại thi hào Nguyễn Du".

Diễn viên Hoàng Phượng đóng vai Trần Thị Tần (mẹ Nguyễn Du)

Diễn viên Hoàng Phượng đóng vai Trần Thị Tần (mẹ Nguyễn Du)

"Đoàn làm phim ai có tiền bỏ tiền, ai có công bỏ công, chung tay góp sức và quyết tâm thực hiện phim theo phương thức xã hội hóa với kinh phí 15 tỉ"- TS Mừng cho biết.

Nói thêm về bộ phim này, đại diện đoàn làm phim cho hay nếu làm phim truyện thì kinh phí bộ phim quá lớn, vì thế các tác giả chọn thể loại tài liệu có yếu tố truyện. Phim được làm theo lối tài liệu quen thuộc khi sử dụng lời bình và các hình ảnh minh họa. Bộ phim gồm 3 phần (Gia thế và tuổi thơ; Phong trần và thơ ca; Truyện Kiều và lan tỏa) mỗi phần 80 phút được chia làm 2 tập.

Diễn viên nhí Doãn Đức Huy đóng vai Nguyễn Du năm lên 6 tuổi.

Hơn 50 diễn viên vào vai tất cả các nhân vật chính yếu như ông tổ họ Nguyễn Nhiêm, ông nội Nguyễn Quỳnh, bố, mẹ, anh trai Nguyễn Nễ, Nguyễn Khản, vợ Đoàn Thị Tộ, anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn, ông bà ngoại, và nhiều nhân vật khác..., ngoài ra còn gần 1.000 diễn viên quần chúng.

Phim được quay tại các huyện ở Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Can Lộc...), tỉnh Bắc Ninh (Đình Bảng, Từ Sơn...), Thái Bình (Quỳnh Phụ, Vũ Thư), Hà Nội, Huế…, tái hiện lại nhiều bối cảnh lịch sử thời Đại thi hào sinh sống. Không chỉ thế, bộ phim cũng đề cập mối tình văn chương của ông với nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Diễn viên Hoàng Linh vào vai Thúy Kiều, nhân vật chính trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Sau 2 năm bấm máy, phần 1 bộ phim mang tên "Gia thế và tuổi thơ’ gồm 2 tập với độ dài khoảng 70 phút đã chính thức ra mắt khán giả. Phần này khắc họa cuộc đời thi sỹ từ khi sinh ra đến khi 15 tuổi, giải thích về quá trình mà Nguyễn Du thừa hưởng truyền thống dòng họ, giáo dục gia đình và văn hóa truyền thống ra sao.

"Theo văn hóa Việt Nam, chính việc giáo dục một cách bài bản trong dòng họ, đặc biệt là các dòng họ lớn, có truyền thống giúp sản sinh ra lớp kế cận tài năng, có tri thức"- nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, biên kịch bộ phim, cho biết.

Cảnh quay Nguyễn Du cùng người hầu vượt sông Lam

Lớn lên trong gia đình nề nếp, gia giáo, có cha là tể tướng triều đình Nguyễn Nghiễm, ông có được sự dạy dỗ giản dị, thường ngày của mẹ cả - bà Đặng Thị Dương và mẹ ruột - bà Trần Thị Tần. Đặc biệt, người mẹ Trần Thị Tần chính là người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thương cảm, xót xa mà ông dành cho người phụ nữ trong các sáng tác sau này, đặc biệt là "Truyện Kiều"

Hai tập phim tạm kết lại khi Nguyễn Du gặp bi kịch đầu tiên. Từ năm 11-14 tuổi, ông chịu liên tiếp 4 lần tang của cha, mẹ đẻ, mẹ cả và anh trai ruột. Người anh cả Nguyễn Khản vốn tài giỏi và được triều đình trọng dụng bỗng vướng phải một vụ án rồi bị bắt giam. Gia đình tan tác do những chính biến lịch sử, phải chấp nhận cảnh ly biệt.

Gần 1.000 diễn viên quần chúng tham gia bộ phim

Ở phần này, phim sử dụng một số cảnh tái tạo, phục dựng từ máy tính nên có phần thiếu thực tế, tuy nhiên đã phần nào giúp khắc họa, lý giải một cách sinh động và hợp lý thời gian đầu đời của đại thi hào.

Về cơ sở xây dựng kịch bản, nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn cho biết nội dung, lời thoại trong phim được lấy từ tư liệu của gia phả, một phần là sáng tạo thêm trên cơ sở tâm thức và đạo lý của gia đình người Việt.

Bộ phim có kinh phí lên đến 15 tỉ đồng

Theo các tác giả bộ phim, vì "Đại thi hào Nguyễn Du" mang tính giáo dục truyền thống cao nên những người làm phim mong muốn nhận được mọi sự hợp tác, giúp đỡ để phim sớm hoàn thành và được phát sóng trên các kênh truyền thông, truyền hình, trở thành tư liệu tham khảo và đến được với đông đảo học sinh sinh viên trong các trường học và công chúng rộng rãi trong cả nước và ở nước ngoài.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/gop-15-ti-dong-lam-phim-ve-dai-thi-hao-nguyen-du-20201208102235515.htm