Google Play Services là gì mà gây tốn pin thiết bị

Theo How To Geek, nếu từng quan sát màn hình của trình cài đặt pin trên thiết bị Android, có thể bạn nhìn thấy 'Google Play Services' được liệt kê ở đây.

Google Play Services không hẳn là một ứng dụng mà là một gói bao gồm tất cả dịch vụ của Google. Trên các phiên bản Android cũ (Android 7.0 Nougat hoặc cũ hơn), bạn có thể thấy chính xác các dịch vụ của Google Services khi chạm vào. Dưới đây là những gì hiển thị trên thiết bị chạy Android 7.1.1.

- Google Account Manager giúp xử lý đồng bộ hóa cho dữ liệu của tài khoản Google, bao gồm email và các vấn đề có liên quan khác.

- Google Services Framework xử lý các kết nối tới Google, bao gồm các dịch vụ đám mây, ví dụ như tin nhắn.

- Google Backup Transport cho phép các ứng dụng Android sao lưu dữ liệu của chúng lên máy chủ của Google. Khi bạn thực hiện việc khôi phục cài đặt gốc rên thiết bị Android hoặc thiết lập lại mật khẩu mới, bạn có thể khôi phục dữ liệu của ứng dụng thông qua Google Backup Transport.

- Google Play Services là dịch vụ các ứng dụng Android có thể sử dụng, bao gồm cả dịch vụ định vị và đây là một trong những nguyên nhân chính gây cạn kiệt nguồn pin của thiết bị. "Google Play Services" thực sự có thể được cập nhật ngay cả khi không có bản cập nhật của hệ điều hành.

Theo cách này, Google Play Services là cách Google cung cấp các tính năng mới cho Android mà không cần phải cập nhật toàn bộ hệ điều hành. Ngoài việc mang đến cho người dùng nhiều dịch vụ, Google Play Services cũng được xem là một thành phần tiêu tốn khá nhiều pin của thiết bị.

Kiểm tra việc tiêu hao pin trong thiết bị

Android sẵn sàng cho bạn biết ứng dụng và dịch vụ nào trên hệ thống sử dụng nhiều pin nhất - chỉ cần mở trình đơn Cài đặt (Settings) và nhấp vào Pin (Battery) để xem thông tin này. Tùy thuộc vào phiên bản Android và những thông tin này hiển thị có thể khác biệt đôi chút.

Ví dụ trên phiên bản Android cũ hơn như Marshmallow (Android 6.x) và Nougat (Android 7.x), có thể bạn sẽ thấy mục "Screen" gần đầu trang - đây là lượng pin được sử dụng bởi màn hình của thiết bị và đèn nền của nó. Bạn có thể giảm mức sử dụng pin của màn hình bằng cách giảm độ sáng màn hình hoặc bật màn hình ít hơn.

Trên Android Oreo (Android 8.x), trình đơn pin hiển thị rất khác. Thời lượng pin do màn hình sử dụng hiển thị đầu tiên trong bản danh sách, tiếp theo là các ứng dụng. Cách liệt kê này cho bạn các thông tin chi tiết hơn về khả năng sử dụng pin của các thành phần trong hệ thống của mình.

Các ứng dụng riêng lẻ xuất hiện trong danh sách này, vì vậy bạn có thể biết chính xác mỗi ứng dụng tiêu tốn bao nhiêu % pin. Các ứng dụng bạn sử dụng thường xuyên hơn sẽ xuất hiện ở đầu danh sách.

Làm cách nào để Google Play Services sử dụng ít pin hơn

Các mục riêng biệt trước đây đã được hợp nhất trong "Google Play Services" trên màn hình của mục Pin (Battery). Vì vậy, hiện tại rất khó biết chính xác những dịch vụ nào đang làm cạn kiệt pin của bạn.

Trên thực tế, hầu như chỉ có một dịch vụ trong Google Play Services mà bạn có thể tinh chỉnh để giảm mức tiêu thụ pin, đó là: Địa điểm (Location). Khi ứng dụng muốn vị trí của bạn, nó sẽ yêu cầu Google Play Services và bật GPS. GPS sử dụng khá nhiều năng lượng từ pin.

Để giảm việc sử dụng pin kết hợp với các dịch vụ định vị, điều hướng đến Settings > Location (Settings > Security and Location trên thiết bị chạy Android 8.x) và thay đổi chế độ sang "Battery Saving" (tiết kiệm pin). Hành động ngăn bật phần cứng GPS nhưng đánh đổi lại việc xác định vị trí của ứng dụng sẽ không còn chính xác nữa. Nếu bạn cần theo dõi vị trí chính xác trong tương lai, hãy quay lại màn hình này và bật chế độ "high-accuracy" (độ chính xác cao).

Nhiều ứng dụng khác nhau sử dụng Google Play Services để cập nhật vị trí của bạn. Ứng dụng Google Search thường xuyên truy vấn Google Play Services để có được vị trí của bạn nhằm hiển thị các thông tin như thời tiết chính xác hơn (tương ứng với vị trí).

Nếu Google Play Services vẫn ngốn pin sau khi bạn thiết lập lại mục Location, thủ phạm có thể là tính năng tự động đồng bộ (Auto-sync Data.) Với Android Oreo, hãy điều hướng đến Settings > User & Accounts và tắt Automatically Sync Data ở cuối màn hình. Cần lưu ý rằng Android sẽ ngừng tự động đồng bộ hóa dữ liệu ở chế độ nền với tùy chọn này. Ví dụ: bạn sẽ không được thông báo về các email mới trong tài khoản Gmail của mình. Bạn sẽ phải mở ứng dụng Gmail và thực hiện đồng bộ hóa thủ công để cập nhật dữ liệu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tùy chọn này giúp bạn tiết kiệm được một phần năng lượng đáng kể khi thiết bị hoạt động.

Google Services không phải là nguồn chính gây hao pin cho thiết bị của bạn. Nếu sau khi thực hiện những tinh chỉnh trên mà pin vẫn tiếp tục sụt nhanh thì có thể lỗi đến từ phiên bản Android bạn đang sử dụng.

Bạn có thể khắc phục sự cố bằng cách thực hiện khôi phục cài đặt gốc cho thiết bị Android. Truy cập vào Settings > Backup & reset > Factory data reset (trên Oreo, bạn vào Settings > System > Reset > Factory Data Reset). Tất cả dữ liệu trên điện thoại Android của bạn bị xóa, cần tạo bản sao lưu trực tuyến để lấy lại khi cần thiết.

Theo VnReview

Nguồn Ngôi Sao: https://ngoisao.net/tin-tuc/dan-choi/google-play-services-la-gi-ma-gay-ton-pin-thiet-bi-3715990.html