Google đào tạo miễn phí: Phóng viên không thể tham gia chỉ vì... không biết tiếng Anh

Có đợt Google mời phóng viên (PV) ở các tòa soạn tham gia chương trình đào tạo miễn phí về công nghệ mới, cách làm báo mới. Nhưng có cơ quan báo gặp khó trong việc cử PV đi học, bởi Google yêu cầu PV phải biết tiếng Anh, nhiều PV không thể đáp ứng.

Thiếu tự tin bởi kém Anh ngữ

Nhiều PV hiện nay không sử dụng được tiếng Anh, chưa được đào tạo và tự học bài bản về tiếng Anh, trong khi tiếng Anh đang hết sức cần thiết trong tác nghiệp nghề báo. Theo nhà báo Nguyễn Thái Khang (Trưởng ban ICT new Vietnamnet), đây là vấn đề không chỉ của một vài cơ quan báo: “Xuất phát từ một nguyên nhân nhiều năm trước tiếng Anh trong đào tạo báo chí chỉ được coi như “môn phụ”.

Trong khi, quá trình PV tác nghiệp nhiều lúc, nhiều nơi tiếng Anh lại rất quan trọng. Chẳng hạn, các PV ở mảng công nghệ phải đọc các tài liệu liên quan đến lĩnh vực theo dõi, phải đọc được cái bài báo tiếng Anh viết về công nghệ mới trên thế giới. Nhưng từ trường đào tạo chuyên ngành đến các cơ quan báo trong suốt nhiều năm chưa chú trọng hoặc không có điều kiện đầu tư cho SV báo chí, PV học tiếng Anh bài bản. Những chứng chỉ tiếng Anh chỉ mang tính đối phó”.

 Tác nghiệp ở mọi lĩnh vực PV đều cần đến ngoại ngữ.

Tác nghiệp ở mọi lĩnh vực PV đều cần đến ngoại ngữ.

Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo đã tuyển PV với những đòi hỏi rất chặt chẽ, trong đó có yêu cầu nghiêm túc về khả năng sử dụng tiếng Anh. Bởi tiếng Anh thật sự quan trọng với nghề báo. “Lấy một ví dụ gần gũi nhất, khi các PV tham gia họp báo quốc tế, hay đi công tác nước ngoài, thiệt thòi nhất cho nhiều PV Việt Nam chính là không biết tiếng Anh. Điều này khiến PV e dè, không tự tin, ngại mở rộng giao tiếp, dù về nhận thức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn báo chí của PV Việt Nam không thua kém các PV nước ngoài. Như vậy cũng mất đi nhiều cơ hội tiếp xúc với những thông tin mới”- Nhà báo Thái Khang nêu.

Khi báo mạng song hành cùng với sự phát triển của CNTT, những hạn chế về tiếng Anh của PV là một trong số các yếu tố cản trở đến tác nghiệp của PV. Phần lớn PV báo in, báo mạng không chủ động được về thông tin quốc tế, chủ yếu đọc lại quốc tế bài viết của PV phụ trách nội dung quốc tế. Đặc biệt, các sự kiện cần thông tin có tính chất quốc tế, có nhân vật và chuyên gia nước ngoài ngày càng nhiều, có những PV phải loay hoay với tác nghiệp trong tình huống thông tin có yếu tố nước ngoài.

Có một bất cập đáng suy nghĩ, đó là kể cả khi có tổ chức, doanh nghiệp mời PV theo học các khóa đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn miễn phí hoàn toàn, nhưng PV không biết tiếng Anh nên không thể tham gia. Chẳng hạn, khi Google mời PV ở các tòa soạn tham gia chương trình đào tạo của Google về công nghệ mới, cách làm báo mới. Nhưng có tòa soạn lại rất khó khăn trong việc cử PV đi học, bởi Google yêu cầu PV phải biết tiếng Anh, nhiều PV không thể đáp ứng. Đây là một minh chứng cho rào cản về tiếng Anh đối với PV trong việc nâng cao trình độ, khả năng tác nghiệp.

Ngày càng có nhiều sự kiện quốc tế tại Việt Nam.

Thiếu chiến lược đào tạo

Để thay đổi tình trạng yếu tiếng Anh của PV quả thực rất khó. Giả sử PV có ý thức học tiếng Anh, nhưng học xong không có môi trường sử dụng, không thường xuyên sử dụng, cũng dẫn đến khả năng phản ứng bằng tiếng Anh trong giao tiếp kém đi, khả năng nghe- nói- đọc- viết hạn chế.

“Thông thường các PV hiện nay nói được tiếng Anh, phỏng vấn được bằng tiếng Anh là những người học chuyên ngành ngoại ngữ ở ĐH, may mắn hơn có một số PV trẻ được đào tạo ở nước ngoài, tiếng Anh rất tốt. Còn lại phần lớn PV không sử dụng được tiếng Anh như một công cụ tác nghiệp, thậm chí không nghe- nói được trong giao tiếp thông thường”- Nhà báo Thái Khang phân tích.

Trong khi đó, không ít cơ quan báo mới quan tâm đến việc hỗ trợ, khuyến khích PV học bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ báo chí, chưa chú trọng đến việc đào tạo, đầu tư cho PV học tiếng Anh.

“Các PV không biết tiếng Anh đang đi chậm lại so với thực tiễn phát triển CN 4.0. Nhưng đây là một vấn đề nan giải. Lãnh đạo nhiều cơ quan báo đều biết rất rõ thực trạng này, nhưng chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Thậm chí, có những tòa soạn thấy rằng chưa cần thiết đòi hỏi về trình độ tiếng Anh của PV so với những yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ báo chí” - Nhà báo Thái Khang nhận định - “Để thay đổi gốc rễ vấn đề, có lẽ các cơ sở đào tạo người làm báo cần đổi mới hơn nữa về nội dung yêu cầu môn tiếng Anh, thắt chặt hơn đầu ra đối với SV không đủ tiêu chuẩn về tiếng Anh. Đồng thời, mỗi cơ quan báo cần phải thay đổi tiêu chuẩn tuyển dụng PV mới. Phải đặt yêu cầu trình độ tiếng Anh như một điều kiện bắt buộc. Nếu không PV cứ mãi không đạt chuẩn quốc tế, làm sao đáp ứng được hoạt động báo chí hội nhập, báo chí thời đại 4.0”.

Thanh Tuấn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/google-dao-tao-mien-phi-phong-vien-khong-the-tham-gia-chi-vi-khong-biet-tieng-anh-4012805-v.html