Google có nhóm phát triển riêng cho từng thị trường ở châu Á

Google đang chuẩn bị thành lập các nhóm phát triển cho từng thị trường châu Á khi gã khổng lồ về công nghệ của Mỹ tìm cách điều chỉnh các dịch vụ của họ tương thích với các nền văn hóa và thói quen ở các nước khác nhau.

Google cũng đang cạnh tranh với TikTok với sản phẩm “YouTube short”. Nhưng đồng thời gã khổng lồ cũng gặp phải những thách thức về bảo mật quyền riêng tư và cả các lệnh chống độc quyền và rà soát thuế chặt chẽ của nhiều nước trên thế giới.

Từ tháng 3-2022, Google và các tập đoàn công nghệ đa quốc gia được cơ quan quản lý Nhật Bản phải tiến trình đăng ký cả công ty mẹ ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Từ tháng 3-2022, Google và các tập đoàn công nghệ đa quốc gia được cơ quan quản lý Nhật Bản phải tiến trình đăng ký cả công ty mẹ ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Thích hợp với từng thị trường, độ tuổi người dùng

“Các sản phẩm được phát triển cho thị trường Mỹ không thể chỉ đơn là được dịch và giới thiệu sang các nền văn hóa khác. Để thành công tại địa phương, chúng tôi phải đầu tư cho quá trình thấu hiểu văn hóa địa phương ở Đông Nam Á và các khu vực khác có lượng người dùng Internet gia tăng nhanh chóng”, Phó chủ tịch cấp cao Prabhakar Raghavan nói với Nikkei Asia. Ông cũng là người phụ trách mảng tìm kiếm và quảng cáo của Google.

Gã khổng lồ đã có nhóm phát triển địa phương tại Nhật Bản. Nhóm này đang làm việc để cải tiến các dịch vụ tìm kiếm cho phù hợp với người dùng Nhật Bản. Ông Raghavan cho biết một trong những trọng tâm của nhóm là đưa ra nhiều gợi ý tìm kiếm hơn ở các quốc gia khác. “Vì ở Nhật Bản, mọi người nhập các từ khóa tìm kiếm hay truy vấn rất ngắn gọn”, ông nói.

Google cũng có một nhóm ở Ấn Độ. Nhưng trái với Nhật Bản, theo Raghavan, 1/3 các tìm kiếm hay truy vấn lại là các câu nói và nói chung là những câu dài dòng. “Điều rất quan trọng là độ chính xác trong nghe hiểu giọng nói được đòi hỏi rất cao. Nhận diện giọng nói của 20 ngôn ngữ khác nhau ở Ấn Độ trở thành ưu tiên của Google”, Raghavan giải thích.

Ông nói rằng Google đặt mục tiêu thành lập các nhóm phát triển tập trung vào địa phương tương tự ở khu vực Đông Nam Á và các quốc gia khác sau khi nhận ra rằng “ở một số quốc gia nhất định, bạn phải có các nhóm phát triển địa phương am hiểu văn hóa và xã hội địa phương”.

Theo Google và các nguồn khác, số người dùng Internet hiện chiếm đến 75% dân số Đông Nam Á trong năm 2021 và đang tăng lên nhanh chóng. Chỉ riêng năm ngoái đã có thêm 40 triệu người.

Thu nhập ròng của Alphabet, hãng mẹ của Google, đã giảm 14% so với một năm trước đó xuống còn 16 tỉ đô la trong quí 2 vừa rồi. Tập đoàn giải thích nguyên do: Sự tăng trưởng của mảng kinh doanh quảng cáo – vốn là trụ cột – đã chậm lại trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng tăng.

“Hãy nhìn vào các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. Đây là những nước có có dân số cực kỳ trẻ và hầu như tất cả những người sử dụng Internet mới trên thế giới đều đến từ nhóm nước này. Chúng tôi thừa nhận rằng việc phục vụ những người dùng Internet mới, trẻ tuổi luôn luôn là một vấn đề khó khăn. Trong những năm qua, chúng tôi đã giải quyết và bắt kịp với xu hướng”, Phó chủ tịch Google nhận định.

Google cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đối thủ bên ngoài nước Mỹ như ByteDance của Trung Quốc vốn đang tăng cường sự hiện diện của mình khi có “vũ khí” mới trong tay – ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok đang thu hút người dùng trên khắp thế giới.

“Không có gì phải bàn cãi khi giới trẻ đặc biệt theo dõi các video dạng ngắn”, Raghavan thừa nhận sự thành công của TikTok. Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi có ‘YouTube short’ tương đối thành công và đang phát triển. Ở nhiều thị trường châu Á – Thái Bình Dương, các clip ngắn trên YouTube đang trở nên rất phổ biến”.

Raghavan cho biết nhiều người sử dụng dịch vụ tìm kiếm của Google để kiểm tra thông tin được chia sẻ thông qua các video dạng ngắn. Ông nhấn mạnh rằng dịch vụ này đang được “yêu thích mạnh mẽ”.

“Ở những thị trường nhất định, chúng tôi phải có các nhóm phát triển địa phương thực hiện nghiên cứu và phát triển các công cụ, sản phẩm thích hợp với văn hóa và xã hội nơi đó”, Phó chủ tịch cấp cao Prabhakar Raghavan của Google, nói. Ảnh: Getty Images

Đương đầu với quyền riêng tư và kiểm soát ở các nước

Khi được hỏi về các biện pháp của Google nhằm giải quyết các quy định ngày càng chặt chẽ hơn về bảo vệ quyền riêng tư trên khắp thế giới, Raghavan nói: “Cách tốt nhất để đảm bảo quyền riêng tư của người dùng trong khi vẫn có quảng cáo phù hợp là một kỹ thuật mà chúng tôi đã phát triển, sử dụng ý tưởng từ trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Đến nay, theo Raghavan, Google đã cá nhân hóa quảng cáo tùy theo những tìm kiếm của mỗi người dùng. Tập đoàn đang có kế hoạch thay đổi chiến lược đó “trong một vài quí tới nhằm phân phối quảng cáo theo các nhóm đông vài trăm người dùng nhưng có cùng thuộc tính.

Đối với quyền riêng tư và bảo mật, Phó chủ tịch Google nói rằng: “Ngay cả Google cũng không nên biết bạn là thành viên của nhóm nào theo hệ thống mới được lên kế hoạch. AI sẽ được sử dụng để duy trì các tác động quảng cáo hiệu quả cao. Google đang có kế hoạch thử nghiệm ban đầu với một số đối tác. Chúng tôi cũng đang thảo luận với các chính phủ để đảm bảo rằng họ hài lòng với quyền riêng tư và mua bán tin tức với các trang hay nơi xuất bản”.

Các cơ quan chống độc quyền của nhiều nước đang tăng cường giám sát và tìm cách thu thuế các gã khổng lồ công nghệ. Cuối tháng 7-2022, Google, Meta, Microsoft, Twitter cùng nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia khác phải đăng ký tổng hành danh trong chiến dịch chống độc quyền của nhà chức trách Nhật Bản. Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand và Úc cũng đang chuẩn bị các bước tương tự.

Nhưng Raghavan cho rằng công cụ Google search giống như một người chơi hay công ty tham gia “sàn giao dịch ý định”. Ông giải thích: “Rất nhiều ý định đang được đáp ứng bởi các dịch vụ như TikTok và Instagram. Đây là một phần của bức tranh lớn hơn mà người dùng tương tác với thông tin. Chúng tôi chỉ là một người chơi, một phần của thị trường”.

Ông cũng bày tỏ sự lo ngại về các khác biệt hay rủi ro địa chính trị khi các nước nỗ lực kiểm soát thông tin trực tuyến. Có nhiều nơi muốn khẳng định quyền kiểm duyệt, giám sát và chủ quyền của nhà nước đối với quyền truy cập dữ liệu của công dân.

Google đã tiếp tục cung cấp các dịch vụ của mình, bao gồm cả tìm kiếm và YouTube, ở cả Nga và Ukraine sau khi cuộc xung đột bùng nổ. “Tôi tin rằng tất cả mọi người, cho dù họ ở Nhật Bản hay Trung Quốc hay Mỹ, đều được phục vụ tốt hơn thông qua thông tin truy cập mở”, Raghavan nhấn mạnh và nói rằng không nên có sự phân hóa trên Internet như hai bên đối đầu trong chiến tranh.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/google-co-nhom-phat-trien-rieng-cho-tung-thi-truong-o-chau-a/