Google cảnh báo ngừng chia sẻ tin tức tại New Zealand nếu bị ép trả phí nội dung
'Gã khổng lồ công nghệ' Google ngày 10/4 cảnh báo sẽ ngừng chia sẻ liên kết các nội dung tin tức của New Zealand và sẽ rút lại sự ủng hộ đối với các cơ quan truyền thông địa phương, nếu chính phủ nước này thông qua một đạo luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các bài báo được hiển thị trên nền tảng của họ.
Tuyên bố cắt đứt liên kết từ Google đến các trang tin tức của New Zealand được công bố trong một bài đăng trên blog của công ty. Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ New Zealand hồi tháng 7 vừa qua bất ngờ thông báo rằng các nhà lập pháp sẽ thông qua một dự luật buộc các nền tảng công nghệ phải đạt được thỏa thuận chia sẻ doanh thu từ các nội dung tin tức với những cơ quan truyền thông sản xuất nội dung này. Chính phủ do đảng Quốc gia trung hữu lãnh đạo đã phản đối dự luật này vào năm 2023, khi dự luật được chính quyền tiền nhiệm đề xuất.
Tuy nhiên, việc mất hơn 200 việc làm trong ngành báo chí vào đầu năm nay (trong bối cảnh ngành truyền thông New Zealand chỉ có 1.600 phóng viên theo một cuộc điều tra dân số năm 2018 và có lẽ đã tiếp tục giảm thêm sau thời điểm này) đã khiến chính phủ hiện tại phải xem xét lại việc buộc các công ty công nghệ trả tiền cho các nhà xuất bản để hiển thị nội dung của họ. Ngoài ra, dự luật cũng nhằm ngăn chặn dòng chảy doanh thu quảng cáo từ các sản phẩm tin tức của New Zealand chảy ra nước ngoài.
Giám đốc Google tại New Zealand, bà Caroline Rainsford nêu rõ nếu dự luật trên được thông qua, công ty này sẽ thay đổi cách thức tham gia truyền thông tại nước sở tại. Cụ thể, Google "sẽ buộc phải ngừng liên kết với nội dung tin tức trên Google Search, Google News hoặc Discover tại New Zealand và ngừng các thỏa thuận thương mại và hỗ trợ hệ sinh thái hiện tại với các nhà xuất bản tin tức New Zealand”. Bà đồng thời nhấn mạnh Google tại New Zealand đã đóng góp “hàng triệu USD mỗi năm cho gần 50 ấn phẩm tại địa phương”.
Trước đó, Google cũng đã áp dụng chiến lược nói trên đối với Australia và Canada khi hai nước này chuẩn bị ban hành những đạo luật tương tự.
Australia là quốc gia đầu tiên nỗ lực buộc các công ty công nghệ - bao gồm Google và Meta - ngồi vào bàn đàm phán với các cơ quan tin tức thông qua một đạo luật được thông qua vào năm 2021. Ban đầu, các "gã khổng lồ công nghệ" đã ngừng cung cấp tin tức cho người dùng Australia trên nền tảng của họ, nhưng cuối cùng cả hai đều đã thỏa hiệp, đạt được các thỏa thuận trị giá khoảng 200 triệu AUD (137 triệu USD) mỗi năm, trả cho các cơ quan tin tức Australia để sử dụng nội dung của họ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia truyền thông Belinda Barnet tại trường Đại học Swinburne ở Melbourne, Meta đã từ chối gia hạn hợp đồng với các cơ quan tin tức Australia, trong khi Google đang đàm phán lại các thỏa thuận ban đầu của mình.
Khi Canada chuẩn bị thông qua các luật tương tự về việc đàm phán tin tức kỹ thuật số vào năm 2023, Google và Meta lại tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ truyền thông của quốc gia này. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm ngoái, Google cam kết sẽ đóng góp 100 triệu CAD (tương đương 74 triệu USD) điều chỉnh theo lạm phát hằng năm để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất bản tin tức trên toàn quốc.