Gồng mình vượt lũ

Nhiều nơi ở miền Trung chìm trong lũ lụt, mực nước dâng cao khiến người dân và chính quyền địa phương đang gồng mình chống chọi thiên tai.

Nước lũ vẫn mênh mông, bao vây các khu dân cư tại TT-Huế

Nước lũ vẫn mênh mông, bao vây các khu dân cư tại TT-Huế

Ngồi giữa lũ mà như ngồi trên lửa

Bốn ngày nay, cả gia đình ông Nguyễn Đức Lai, sinh sống ở vùng trũng nguy hiểm ven sông Như Ý thuộc phường An Đông, TP Huế, như ngồi trên lửa. Cả nhà suốt mấy hôm đánh vật với con nước lũ ngày một dâng cao để bảo vệ những tạ thóc tích lũy được, lại vừa canh những đàn heo, đàn gà khỏi sổng ra giữa lũ. “Nước cứ dâng cao chứ không hạ. Mấy bữa nay chưa đêm nào tui chợp được mắt. Nghe tiếng nước réo chảy, tiếng heo kêu là giật thót cả người, lại nháo nhào lao xuống nước. Tui đã dời đàn heo lên chỗ cao đến 3 lần rồi. Đêm nay, nước lũ mà lên thêm nữa thì không biết phải làm thế nào. Cả nhà tui giờ ngồi giữa nước lũ mà cứ như ngồi trên lửa “, ông Lai nói.

Bên kia sông Như Ý là xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy). Cứ lũ về, dân nơi đây lại mất ăn mất ngủ vì lo thóc lúa bị ngập, gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. “Cũng may, hôm rồi tui bán bớt đàn lợn. Riêng mấy chục con gà, con vịt đành đưa nó vào phòng khách, phòng ngủ nhốt tạm cùng những bao lúa gặt vụ hè thu vừa rồi. Lũ mà lên thêm nữa thì coi như trắng tay”, bà Trần Thị Bé lo lắng.

Dân Phong Điền, TT-Huế, leo mái nhà nhận cứu trợ lũ lụt từ lực lượng vũ trang, chính quyền

Những nông dân như ông Lai, bà Bé cố đánh vật với mưa lũ khốc liệt để giành lại những hạt thóc, con gà, con heo từng được chăm bẵm qua bao ngày để dự phòng cho cái ăn buổi gió mưa khó khăn... là tình cảnh chung của nhiều gia đình nông dân vùng sâu, vùng trũng, vùng khó khăn tại TT-Huế hiện nay.

Anh Trần Công, người xã Điền Môn (huyện Phong Điền) cho biết, cả nhà mấy hôm nay bị lũ “cách ly” không đi đâu được, cuộc sống bị cô lập giữa những ốc đảo với nước lớn mênh mông bao vây. Lâu lắm rồi, vùng này mới rơi vào tình cảnh đáng sợ như vậy. "Giờ tui chỉ mong lũ sớm qua để cuộc sống trở lại bình thường. Nước ngâm quá nhiều ngày, người dân gần như kiệt sức với mưa lũ rồi", anh Công cho biết.

Trong trận lũ kéo dài, huyện Phong Điền là nơi có nhiều vùng bị ngập lụt, với 14/16 xã, thị trấn. Ở những vùng bị lũ cô lập, lực lượng chức năng tìm mọi cách để kết nối, liên lạc và tiếp cận, nhằm bảo đảm không để dân bị đói.

Ông Hoàng Công Thông, một trong những gia đình ở vùng bị lũ cô lập thuộc Phong Điền vừa được lực lượng chức năng tiếp cận cứu trợ, đã bật khóc: “Nước lũ lên quá nhanh, lại kéo dài ngày gây chia cắt đường sá, bao vây xóm làng, lương thực gia đình chuẩn bị không nhiều, có khả năng đứt bữa. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của lực lượng công an, chính quyền về cái ăn, gia đình không biết làm thế nào để cầm cự qua trận lũ lớn chưa biết đến khi nào chịu chấm dứt này".Chiều 11/10, những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế cũng đã được chuyển về “rốn lũ” Phong Điền.

Nhiều nơi mất điện

Ngày 11/10, mưa vẫn không ngớt, gió rít từng hồi. Bà Trần Thị Trang (68 tuổi, ở thôn Đà Long, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đăm đăm nhìn dòng nước lũ lúc này đã ngập hơn nửa ngôi nhà. Từ hôm qua, khi nước lũ dâng nhanh, tràn vào nhà bà Trang cùng các con dọn vội đồ lên cao rồi mỗi người một nơi kiếm chỗ cao để tá túc. Già không chạy được xa, bà Trang sang nhà đối diện ở nhờ. Mưa trút không ngừng, nước lũ ngày càng dâng cao lòng bà lại như lửa đốt. “Không biết đến khi nào nước mới thôi dâng, cứ như thế này nó ngập lút nhà” - bà thở dài.

Nước lớn dâng không ngừng, người dân tại An Đông (TP Huế) vật vã “chạy lũ” cho lợn, gà

Hiện, hàng ngàn ngôi nhà của người dân ở Quảng Nam giờ này đã ngập trong nước lũ. Nước dâng cao, điện cúp, nhiều nhà không có chỗ để chế tô mỳ tôm. Chứng kiến cảnh mưa lũ cơ cực, anh Phan Văn Đức (Bí thư Đoàn thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) kêu gọi kêu gọi được 400 ổ bánh mỳ ngọt cứu trợ cho 200 hộ dân đang bị cô lập ở xã Bình An.

Sáng 11/10, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể vợ chồng anh Lê Tự Quốc (26 tuổi) và vợ là Lưu Thị Hoài Sương (23 tuổi, trú thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Trước đó ngày 10/10, vợ chồng anh Quốc đến nhà người thân ở xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) để dự đám cưới. Đầu giờ chiều, hai vợ chồng anh đi xe máy trở về nhà. Khi đi qua đoạn đường thuộc địa phận xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc), nước đã ngập sâu. Lo lắng con nhỏ 1 tuổi còn ở nhà nên vợ chồng anh lội bộ về nhà nhưng dòng nước lũ chảy xiết đã cuốn trôi cả hai người.

Mưa lũ cũng cuốn trôi ông Huỳnh Tấn L. (61 tuổi, trú ở TP. Đà Nẵng) trong lúc chèo ghe để trở về thăm nhà ba mẹ tại khối phó Phú Sơn, phường An Phú, TP. Tam Kỳ. Lực lượng chức năng vớt được thi thể nạn nhân sáng ngày 11/10 và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Ngập trở lại do nước sông dâng cao

Tại huyện Hòa Vang, theo ghi nhận của phóng viên, có 10/11 xã với 67 thôn, 4.597 hộ dân bị ngập lũ. Nhiều khu vực dân cư có nơi ngập hơn 1m, nhiều khu vực bị chia cắt, người dân phải di chuyển bằng bè, thuyền.

Tại thôn Hương Lam (xã Hòa Khương) nước ngập sâu khiến việc đi lại của mọi người gặp khó khăn. Tài sản có giá trị được mọi người di chuyển lên khu vực cao để tránh hư hỏng. Một số gia đình có con nhỏ và người già yếu được sơ tán đến nơi an toàn.

Ghi nhận tại sông Túy Loan chiều 11/10, mực nước sông đã lên cao ngấp nghé bờ, dọc đường ĐT 604, nhiều khu vực đã mấp mé ngập nước trở lại. Theo đại diện UBND xã Hòa Phong, ngày 10/10, mực nước sông có giảm nhẹ do mưa ngớt, nhiều khu vực nước đã rút. “Tuy nhiên, đến chiều 11/10, mực nước sông lại dâng cao khiến cho nhiều khu vực tái ngập. Hiện, trên địa bàn xã có 9/13 thôn bị ngập, 3.000 hộ dân bị cô lập, trong đó 1.000 hộ ngập sâu”, vị này cho biết.

Sáng qua, 8/9 thuyền viên và ngư dân mắc kẹt trên tàu Vietship 01 ở Quảng Trị đã được các lực lượng Quân đội cứu hộ vào đất liền an toàn, trừ một người được xác định mất tích. Trước đó, trong khi thực hiện nạo vét ở khu vực cảng Cửa Việt, tàu Vietship 01 bị sóng to kết hợp gió mạnh đánh ra khu vực cửa biển, bị mắc cạn và bị chìm một phần ở khu vực cách bờ biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong khoảng 500m.

NGUYỄN MINH

Liên tiếp bão, không khí lạnh

Trong khoảng 10 ngày tới, liên tiếp 2 đợt không khí lạnh, 2 bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Thiên tai dự báo phức tạp và khó lường.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay, trên vùng biển phía đông bắc Biển Đông xuất hiện một áp thấp nhiệt đới. Cơn áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển hướng về vịnh Bắc Bộ trong ngày 13-14/10.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, quỹ đạo cơn bão/áp thấp nhiệt đới này dự báo có nhiều thay đổi do khoảng 14-15/10, thêm một đợt không khí lạnh tràn xuống nước ta.

Dự báo ngay sau cơn bão/áp thấp nhiệt đới nói trên, khoảng 15-20/10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện thêm một bão/áp thấp nhiệt đới nữa, có thể hình thành ở phía nam Biển Đông, nhiều khả năng đi vào Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Cũng trong thời gian này, dự báo khoảng 19-20/10, nước ta lại đón thêm một đợt không khí lạnh tràn xuống.
Theo ông Lâm, có 3 yếu tố hình thành nên mưa lớn ở miền Trung gồm bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc và địa hình chắn gió của dãy Trường Sơn. Do 3 yếu tố này tiếp tục tồn tại trong những ngày tới nên miền Trung dự báo sẽ đón liên tiếp nhiều đợt mưa lớn diện rộng, thậm chí có khả năng kéo dài đến cuối tháng 10 do dải hội tụ nhiệt đới trên khu vực Trung Bộ vẫn duy trì nhiều ngày tới.

NGUYỄN HOÀI

Nhóm Phóng viên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/gong-minh-vuot-lu-1733795.tpo