'Gồng mình' vượt khó đón khai giảng nơi lũ quét kinh hoàng

Ngày khai giảng năm học mới đã cận kề, thế nhưng ngành Giáo dục xứ Thanh đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, ở hai huyện Quan Sơn, Mường Lát - nơi vừa phải gánh chịu hậu quả thiên tai lịch sử, cả cô và trò đang phải 'gồng mình lên' cho kịp ngày khai trường.

Em Nguyễn Thị Dược cùng người thân đi nhận quà hỗ trợ

Em Nguyễn Thị Dược cùng người thân đi nhận quà hỗ trợ

Những phút giây sinh tử

Trận lũ quét kinh hoàng tràn qua bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) vào ngày 3/8 vừa qua đã cuốn trôi tất cả. Chỉ trong vài chục phút đồng hồ, dòng lũ dữ cuốn đi hơn chục con người với hơn 20 nóc nhà.

Ở cái bản nghèo với hơn 70 hộ dân và trên 300 nhân khẩu thì việc mất người, nhà cửa, tài sản đồ đạc bị lũ cuốn trôi cũng đồng nghĩa với những đồ dùng của học sinh ở bản chẳng thể nào giữ được! Không những thế, hai khu trường học từng được xây dựng kiên cố để hàng ngày đón 71 học sinh bậc tiểu học và hơn 50 cháu mầm non đến lớp cũng bị trận “đại hồng thủy” xô sập, tan tành. Nhiều học sinh lâm vào cảnh không còn quần áo, sách vở, đồ dùng học tập.

Sau khi nước tràn qua một ngày (4/8), chúng tôi vượt sông Luồng, cắt rừng đi bộ vào Sa Ná. Gặp tôi ở đầu bản, em Nguyễn Thị Dược, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Na Mèo, khóc thút thít khi nghe hỏi đến chuyện học hành: “Nhà cháu không còn gì cả! Lũ cuốn hết sạch rồi! Cháu cũng không có sách, vở hay đồ dùng học tập để chuẩn bị đi khai giảng năm học mới nữa”.

Còn em Ngân Việt Hùng (14 tuổi), cũng ở Sa Ná, năm nay vào lớp 9, Trường THCS Na Mèo, thẫn thờ kể: “Hôm nước lũ đổ về, nhà cháu bị cuốn trôi hết. May mà lúc đó bố, mẹ, cháu và em trai nhanh chân chạy lên đồi thoát thân. Đến khi nước rút xuống, mọi người trở về thì ngôi nhà cũng chả còn, bao nhiều đồ đạc, tài sản trong nhà cháu mất hết. Cháu cũng không còn sách vở để đi học nữa. Bây giờ, bố mẹ và anh em cháu đang phải ở nhờ nhà ông, bà ngoại”.

Điểm trường Tiểu học tại bản Son sau khi lũ tràn qua

Đáng thương hơn Nguyễn Thị Dược và Ngân Văn Hùng là trường hợp của em Ngân Công Việt (10 tuổi), học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Na Mèo, nhà cũng ở Sa Ná, đã may mắn thoát chết một cách kỳ diệu giữa dòng nước xiết. Gặp chúng tôi, Việt đang chít khăn tang cho ông bà nội của mình và đi ra đầu bản để tiếp nhận quà cứu trợ. Nhìn khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt buồn rười rượi của Việt khiến tôi không dám hỏi chuyện nhiều. Mãi đến lúc thầy giáo Chung Trường Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo an ủi, động viên, Việt mới ngồi kể lại giây phút kinh hoàng ấy.

Theo lời em kể, sáng ngày 3/8, Việt đang ngồi trên gác nhà sàn thì lũ ập đến cuốn trôi cả ngôi nhà. Trong lúc hoảng loạn, vật lộn giành giật sự sống, Việt may mắn ôm được một thanh gỗ từ nhà sàn trôi ra. Thế nhưng, do nước lũ chảy xiết, va đập mạnh nên vừa trôi được một đoạn, Việt bật khỏi thanh gỗ nhà sàn và bị dòng nước tiếp tục đẩy đi.

Ám ảnh tôi còn là những ánh mắt thẫn thờ, ngơ ngác của người dân nơi đây trước những mất mát, đau thương đến tột cùng. Chị Vi Thị Hoa, mẹ của Việt, dường như vẫn chưa hết bàng hoàng, nói trong nghẹn ngào: “Cũng không ai ngờ được bác ạ… Sau khi nước dâng cao lần đầu, tràn vào nhà và rút xuống, bà con dân bản đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa thì dòng nước từ trên thượng nguồn ầm ầm đổ về.

Nước lũ cuốn theo vô số cây cổ thụ, bùn đất ào ào ập đến khiến người dân không kịp trở tay. Con trai tôi đã không kịp thoát ra ngoài. Toàn bộ ngôi nhà bị nước cuốn phăng, trong đó có bố, mẹ và con trai mình, tôi chỉ biết gào thét trong bất lực. Nếu không có mọi người kịp thời can ngăn, giữ lại thì tôi đã lao ra để cứu con rồi. Bởi tôi nghĩ, chắc chắn mình đã mất con, mất tất cả… Đến lúc nhận tin cháu Việt được người dân bản Bo Hiềng cứu sống, mà tôi cứ ngỡ như mình đang mơ vậy!”.

Thế nhưng, vừa nói xong, giọng chị Hoa lại chùng xuống, vì niềm vui của người phụ nữ này đã không trọn vẹn khi ông, bà nội của Việt là ông Ngân Văn Kiêm (48 tuổi), bà Vi Thị Ọi (46 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Bao ngày qua, gia đình chị vẫn đang cùng các lực lượng chức năng, bà con dân bản nỗ lực tìm kiếm…

Em Ngân Công Việt - học sinh lớp 4, thoát chết kỳ diệu trong dòng lũ

Khắc phục mọi khó khăn để học sinh khai giảng

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 hồi đầu tháng 8 vừa qua gây nên trận lũ lịch sử khiến bản Sa Ná, xã Na Mèo gần như bị xóa sổ. Không chỉ riêng huyện Quan Sơn, mà huyện vùng cao, biên giới Mường Lát cũng phải gánh chịu hậu quả do đợt thiên tai ấy. Trong đó, ngành Giáo dục của hai huyện này bị thiệt hại nặng nề cả về người và cơ sở vật chất trường học.

Thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho thấy, đợt mưa lũ đã khiến hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất của nhiều trường học bị hư hại nặng nề. Đặc biệt, trận lũ tràn qua bản Sa Ná cũng đã cướp đi sinh mạng của hai em Hà Văn Quỳnh (học sinh lớp 4), Hà Văn Chấn (học sinh lớp 2) - Trường Tiểu học Na Mèo và em Thao Anh Xuân, ở bản Mùa Xuân, là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Sơn Thủy (xã Sơn Thủy - Quan Sơn) cũng bị nước cuốn trôi mất tích.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Đình Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, cho hay: Trận mưa lũ vừa qua khiến hệ thống cơ sở vật chất một số trường học trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng. Trong đó, khu trường bản Son bị lũ cuốn toàn bộ, gồm: 4 phòng học xây cấp 4; 80 bộ bàn ghế học sinh, 5 bộ bàn ghế giáo viên, 6 bảng chống lóa; 1 nhà ở giáo viên (3 gian bằng gỗ gồm có 1 phòng chờ của giáo viên và 2 phòng ở), tivi, máy vi tính, máy in, máy lọc nước, sách giáo khoa, tài liệu, trang thiết bị dạy học và giường tủ, đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh của giáo viên, học sinh.

Còn tại điểm trường Mầm non Sa Ná, sau khi lũ tràn qua đã bị nứt và thấm dột, không còn khả năng sử dụng trong năm học mới... Ước tính ban đầu, tổng thiệt hại từ các nhà trường trên địa bàn huyện lên tới gần chục tỷ đồng.

Thầy giáo Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo đang gom những gì còn sót lại ở điểm trường bản Son

Cũng theo ông Xuân, để có cơ sở vật chất cho việc dạy và học ở những điểm trường bị hư hại, Phòng GD&ĐT huyện đã làm văn bản đề nghị cấp trên hỗ trợ đầu tư kinh phí để xây mới 5 phòng học, 3 phòng nhà ở giáo viên và các công trình phụ trợ; cấp trang thiết bị, bàn ghế và đồ dùng dạy học ở điểm trường khu Son. Xây mới 4 phòng học, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, cung cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường khu Chè (xã Trung Tiến). Xây mới 5 phòng học, 2 phòng nhà ở giáo viên, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, cung cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường khu Sa Ná...

Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Công trình có vốn đầu tư gần 400 triệu đồng, với quy mô 4 phòng học được dựng bằng khung sắt, vách ngăn và lợp mái tôn. Sau khi dựng khung, vách, lợp xong mái tôn, các phòng học sẽ được trang bị hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát cho học sinh yên tâm học tập.

Hiện nay, nhà thầu đang khẩn trương thi công và hoàn thiện để bàn giao cho nhà trường trong thời gian sớm nhất. “Sau khi các phòng học được đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ đưa bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập do các nhà hảo tâm tài trợ vào phục vụ việc học tập của các em. Về lâu dài, hai điểm trường mới cho học sinh tiểu học và mầm non của khu Son - Sa Ná sẽ được huyện xây dựng kiên cố ở khu tái định cư thuộc đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 800m” - ông Đạt cho biết thêm.

Trong khi đó, dù không bị thiệt hại nhiều về người như Quan Sơn, nhưng mưa lũ ở huyện Mường Lát đã khiến 9 trường học bị ảnh hưởng nặng nề (1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS).

Tại Trường Tiểu học Mường Chanh, xã Mường Chanh (Mường Lát), từ hôm tựu trường (ngày 19/8) đến nay, các thầy, cô giáo của nhà trường đã tập trung tu sửa bàn ghế cho học sinh và giáo viên, do mưa lũ phá hủy. Thế nhưng, dù đã cố gắng sửa chữa, tận dụng số bàn ghế có thể dùng tạm được, nhưng hiện nhà trường vẫn còn thiếu tới 70 bộ bàn ghế cho các em học sinh, khi bước vào năm học mới. Cũng do thiếu bàn ghế, nên năm học này các em học sinh của trường sẽ phải ngồi ghép từ 3 đến 4 em/bàn, thay vì đúng quy chuẩn là 2 em/bàn. Việc ngồi ghép sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập, tiếp thu kiến thức của các em học sinh.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát - Mai Xuân Giang cho biết: Hai năm nay, các trường học của huyện liên tiếp bị mưa lũ tàn phá nặng nề, làm hư hỏng nhiều bàn ghế học sinh, giáo viên và trang thiết bị dạy học. Hiện nay, toàn huyện còn thiếu tới 470 bộ bàn ghế học sinh, trong đó Trường Tiểu học Mường Chanh thiếu 70 bộ, Trường Tiểu học Pù Nhi thiếu 70 bộ, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 thiếu 30 bộ, Trường Tiểu học Trung Lý 1 thiếu 30 bộ… Do thiếu bàn ghế trầm trọng, nên có tới 940 em học sinh của huyện sẽ phải ngồi ghép khi bước vào năm học mới 2019 - 2020.

“Tuy còn bộn bề khó khăn nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để học sinh được đến trường đúng ngày khai giảng, nhất định không để con, em đồng bào các dân tộc trong huyện thất học”, ông Giang khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/gong-minh-vuot-kho-don-khai-giang-noi-lu-quet-kinh-hoang-4029849-b.html