Gồng mình 'vượt bão'

Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử và tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến các nền kinh tế khu vực Trung Đông bị thiệt hại nặng nề. Các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực này chao đảo trong 'tâm bão'. Mặc dù nhiều gói biện pháp kích thích kinh tế đã được đưa ra, song tổn thất khó tránh khỏi bởi 'cú sốc kép'.

Bình luận quốc tế

Những lời kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ cắt giảm sản lượng nhiều hơn đã được đưa ra nhằm níu giữ giá “vàng đen” đang bị trượt dốc xuống mức thấp chưa từng có. Điều đáng lo ngại là cam kết về cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn chưa được thực thi để đưa giá dầu thoát khỏi “kịch bản tồi tệ” hiện nay, trong khi các nền kinh tế vốn phụ thuộc xuất khẩu dầu mỏ bên bờ vực đổ vỡ. A-rập Xê-út, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Trung Đông và hàng đầu thế giới, đang hứng chịu tác động nặng nề của giá dầu xuống đáy. Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương A-rập Xê-út trong tháng 3 vừa qua giảm với tốc độ nhanh nhất trong 20 năm và xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. “Ông vua dầu mỏ” bị rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách chín tỷ USD trong quý đầu năm nay khi mất doanh thu từ dầu mỏ, đảo ngược so với mức thặng dư 7,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Mức giá dầu thấp kỷ lục cùng các biện pháp chống dịch Covid-19 đang hoành hành đã kìm hãm tốc độ và quy mô cải cách kinh tế do Thái tử Salman đưa ra. Theo Cơ quan tiền tệ A-rập Xê-út, tài sản ròng ở nước ngoài của nước này trong tháng 3 giảm xuống còn 464 tỷ USD, mức thấp nhất trong 19 năm qua.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo về sự suy giảm nghiêm trọng của các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh. Năm 2020, kinh tế khu vực này dự báo sẽ chứng kiến suy giảm khoảng 3,3%, mức giảm lớn nhất trong 40 năm qua. “Cú sốc kép” dịch bệnh và giá dầu giảm mạnh khiến kinh tế các nước A-rập ở vùng Vịnh - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, mất nguồn thu khoảng 323 tỷ USD, tương ứng 12% quy mô nền kinh tế. Dự báo, trong năm nay, nợ công của các nước A-rập cũng sẽ tăng 15%, tương ứng 190 tỷ USD, lên 1.460 tỷ USD. Trong khi một số quốc gia vùng Vịnh có thể dựa vào nguồn dự trữ ngoại hối để “giảm sốc” cho nền kinh tế, thì Iraq được cho là sẽ phải chịu cú sốc mạnh nhất khi doanh thu từ dầu thô đóng góp tới 90% nguồn thu ngân sách. Trong dự thảo ngân sách 2020, Iraq dự tính nguồn thu từ dầu mỏ ở mức giá 56 USD/thùng, sẽ được dùng cho các dự án phát triển và chi tiêu công. Tuy nhiên, tình trạng giá dầu “tuột dốc không phanh” như hiện nay buộc Iraq phải tính toán lại. Iraq đang lên kế hoạch cắt giảm mạnh các khoản trợ cấp xã hội vốn là chỗ dựa cho hàng triệu nhân viên chính phủ để giảm gánh nặng ngân sách. Việc cắt giảm các khoản chi tiêu công khiến người dân, vốn đang chật vật bởi nguồn sinh kế bị gián đoạn do các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan, thêm khó khăn hơn và dẫn tới nguy cơ làm gia tăng bất ổn xã hội.

Giá dầu giảm khiến các kế hoạch đầu tư và phát triển tương lai của các nước vấp phải không ít trở ngại. Nguồn dự trữ ngoại hối của Kuwait dự báo sẽ giảm, trong khi Bahrain có thể phải gánh khoản nợ lên tới 105% GDP trong năm 2020 dù nước này đã nhận gói cứu trợ 10 tỷ USD từ các quốc gia láng giềng. Nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất khu vực là A-rập Xê-út dự định cắt giảm 5% chi tiêu công, tương đương 13,3 tỷ USD. Kế hoạch xây dựng thành phố mới và các dự án quy mô lớn của A-rập Xê-út đều sẽ phải hoãn lại khi các doanh nghiệp và hoạt động đầu tư nước ngoài bị suy giảm. Tác động của dịch Covid-19, cùng với giá dầu sụt giảm mạnh cũng gây ảnh hưởng tới Ai Cập, Jordan và Lebanon, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối do công dân lao động ở các nước giàu dầu mỏ tại vùng Vịnh gửi về. Kiều hối đóng góp tới 12,5% GDP cho Lebanon, trong khi tại Ai Cập, mức đóng góp này là 10%.

Các cảnh báo được đưa ra cho nhiều nước ở Trung Đông, trong đó có những quốc gia bị chiến tranh tàn phá, chuẩn bị đối phó nguy cơ “biến động kinh tế - xã hội”. Các nước khu vực này đang phải gồng mình “vượt bão” nhằm giảm những hệ lụy của giá dầu suy giảm và dịch bệnh đối với nền kinh tế. Bởi, nếu không thể kiểm soát và ngăn chặn đà suy thoái, khu vực vốn luôn là “điểm nóng” xung đột có nguy cơ đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng khác nghiêm trọng hơn.

MỸ VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44320802-gong-minh-%E2%80%9Cvuot-bao%E2%80%9D.html