Gồng mình trong lũ tìm người mất tích

Đến Lai Châu khi cơn 'đại hồng thủy' đã cướp đi 16 sinh mạng, 9 người còn đang mất tích; những hình ảnh hoang tàn, tang thương sau lũ đã ám ảnh chúng tôi. Người dân Lai Châu cho rằng, đây là trận lũ nặng nề nhất trong 50 năm qua, nó làm người ta lo lắng khi nhớ tới thảm họa thiên tai năm 1990 xóa sổ cả thị xã Mường Lay.

Trong đau thương nổi bật hình ảnh giúp dân chạy lũ, ngâm mình trong bùn đất, dầm mưa vượt rừng, lội suối trong cơn "đại hồng thủy" tìm người mất tích của lực lượng cứu nạn, cứu hộ tỉnh Lai Châu.

Băng rừng, vượt đèo cứu nạn

Khi tới Lai Châu, đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND bị "ngăn" lại bởi các điểm sạt lở đang bị chia cắt đường từ huyện vào xã. Thế nhưng, ở những nơi đó, lực lượng cứu hộ cứu nạn đang chống chọi với mưa lớn, đất lở để tìm người mất tích. Tìm hiểu ra mới biết, trong khi giao thông bị chia cắt, lực lượng Công an, quân đội, dân quân địa phương phải tìm cách leo rừng mà vào.

Đến sáng 28-6, chúng tôi nhận được thông tin, đường vào huyện Sìn Hồ đã đi được, nhưng đêm qua đất đá lại một lần nữa dội xuống, phải chờ máy xúc san gạt xong mới thông đường.

Suốt dọc đường đi, chúng tôi không dám tin vào mắt mình. Những quả đồi xa tít tắp, mưa lớn suốt những ngày qua làm trôi sạt đất đá và cây cổ thụ lâu năm giờ chỉ còn trơ lại vệt dài đất đỏ. Tất cả đổ ập xuống nhà dân, khe suối, đường giao thông.

Cứ một đoạn lại có một trận sạt lở. Có nơi, hàng triệu tấn đá trôi sạt xuống lòng đường. Thật may mắn không có người qua lại, nếu không hậu quả thật khôn lường.

Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp khi đến bản Sáng Tùng (xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ) là những lán trại dã chiến của Công an tỉnh Lai Châu dựng lên cho bà con ở tạm.

Mặc bộ sắc phục còn dính nguyên bùn đất, Đại úy Vũ Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lai Châu đang chỉ huy anh em giúp dân vận chuyển đồ đạc ra ngoài lán trại. Anh Hùng là người đã chỉ đạo tổ công tác cứu người lái máy xúc - anh Phạm Văn Sáng rơi xuống vực sâu 100m tại địa bàn xã Pa Tần vào chiều tối 26-6.

Nhớ lại giây phút tưởng mình đã mất mạng đó, anh Sáng nằm trên giường bệnh khó khăn nở nụ cười: "Nếu không có các đồng chí cảnh sát phòng cháy cứu hộ, mạng tôi đã không còn". Bị chấn thương do gãy mất 3 chiếc sương sườn, anh xúc động kể. "Tôi thấy đất lở, liền lái máy xúc quay đầu định chạy, nhưng nhanh quá, đất đá cuốn phăng khiến máy xúc lộn 5 vòng rồi dừng lại. Sườn bị máy xúc va vào đau nhức, rách 2 chỗ, máu chảy.

Tôi nghiến răng chịu đau bò ra khỏi xe, cố bám dây rừng lên 3 mét, nơi có tảng đá lớn, nằm trên đó và lịm đi, không biết gì nữa. 15 phút sau tỉnh dậy tôi thấy có ánh đèn pin loang loáng nhưng không thể cất tiếng gọi.

Đợi mãi không thấy ai đến, người thì lạnh, máu vẫn chảy, tiếng nước chảy rào rào bên tai, tôi biết nguy cơ sạt lở tiếp là rất lớn nên nghĩ rằng mình sẽ chết ở đây. Thế rồi, có tiếng phát cây rừng, tiếng nói, gọi. Hai đồng chí mặc quần áo cứu hỏa vừa phát cây vừa đu dây xuống. Trong tôi như vỡ òa "mình được cứu rồi".

Tìm kiếm nạn nhân dưới lòng suối Chu Va.

Đại úy Vũ Văn Hùng chia sẻ, khi nhận tin báo, Phòng đã cử 15 CBCS tham gia cứu nạn, cứu hộ cùng các thiết bị chuyên dụng đến hiện trường. Lúc đó tại hiện trường có các lực lượng khác nhưng không có thiết bị chuyên dụng nên việc cứu nạn vô cùng khó khăn.

21h nhóm cứu hộ tiếp cận điểm sạt lở, dùng đèn chiếu sáng công suất cao trên xe cứu nạn cứu hộ để chiếu sáng và phát hiện nạn nhân đang nằm bất động trên một tảng đá ở dưới vực sâu.

Ngay lập tức hai chiến sỹ được thắt đai an toàn và dây cứu nạn, cầm dao, vừa đu dây xuống vừa phát cây mở lối để đưa nạn nhân lên. Đại úy Vũ Văn Hùng đã trực tiếp cùng đồng đội tiếp cận nạn nhân, thắt đai cõng nạn nhân trên lưng để đồng đội bên trên kéo dây đưa lên.

Hạ sỹ Lầu A Páo, Vừ A Lử, Mùa A Xá cùng ròng dây từ bên trên kéo đồng đội và nạn nhân ra khỏi vực. Páo chia sẻ, công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn do đường trơn trượt, nguy hiểm, đất đá bên trên có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Sau khi cứu anh Sáng thành công, đoàn lại di chuyển vào bản Sáng Tùng. Tới nơi các anh thấy khung cảnh tang thương, dân bản đang òa khóc khi nhìn nhà cửa, ruộng nương, tài sản bị xóa sổ.

Nhiệm vụ của các anh là cùng Công an huyện ổn định tình hình, lần lượt đưa bà con đang ở trên đồi đối diện hiện trường di chuyển ra 2 nhà lán cách đó 1km. Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Lai Châu với 38 CBCS phải căng hàng rào để ngăn không cho người dân đi vào vùng nguy hiểm.

Dù hiện trường sạt lở kinh hoàng, đất đá vùi chôn những xác nhà xuống vực sâu hàng trăm mét, mưa rơi quất vào mặt, ướt đẫm quần áo, nhưng các anh vẫn băng rừng vào vùng nguy hiểm để khuân vác đồ đạc cho dân ra khỏi đống đổ nát. Đây là hình ảnh mà có lẽ dân bản Sáng Tùng không bao giờ quên. Bởi hiện trường nham nhở có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, nhưng các chiến sĩ vẫn không quản ngại nguy hiểm, cận kề giữa sự sống và cái chết, xông pha vào cứu tài sản giúp dân.

Những phút nghỉ ngơi hiếm hoi, mồ hôi hòa lẫn nước mưa, họ chia sẻ cho nhau từng bát mì tôm nóng. Những chiến sĩ Cảnh sát cơ động 3 ngày không nghỉ, có người mệt quá ngả lưng ngay dưới gầm nhà sàn. Nhiều chiến sĩ điện thoại hết pin không liên lạc được với gia đình.

Một cán bộ của Phòng Công tác chính trị đã vận động được doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Sìn Hồ tài trợ hơn 10 cục sạc pin dự phòng đem vào cho anh em để liên lạc về cho người thân.

Bản Sáng Tùng bị xóa sổ, người dân đối diện với cảnh "màn trời chiếu đất".

Ngâm mình trong bùn sâu tìm kiếm nạn nhân

Không thể kể hết nỗi vất vả của lực lượng cứu nạn khi cơn "đại hồng thủy" quét qua Lai Châu lần này, bởi trong suốt 1 tuần lễ tìm kiếm cực nhọc, họ chỉ tìm thấy thi thể 1 nạn nhân là cháu Lò Văn Kiếm (15 tuổi, bản Nậm Há, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ) bị chôn vùi dưới tầng đất sâu cách hiện trường đá rơi 200m. 9 người còn lại vẫn đang nằm ở đâu đó trong đất lạnh hay khe suối mà lực lượng cứu nạn chưa tìm được.

Trong cuộc đời tìm kiếm cứu nạn của nhiều chiến sĩ thì trận lũ lịch sử này là khó khăn nhất. Ngay như nạn nhân Dương Ngọc Hưng bị cuốn tại trang trại cá tầm của mình ở bản Chu Va 12 (huyện Tam Đường) đến nay đã hơn 1 tuần vẫn chưa thấy đâu.

Khi đến bản Chu Va 12, chứng kiến hình ảnh hàng triệu tấn đá khổng lồ vùi lấp dòng suối và nằm ngổn ngang ở ven đường đi, chúng tôi không thể tưởng tượng thiên tai lại khủng khiếp đến vậy. Quả núi sừng sững bị lũ ống tách ra làm đôi. Nước lũ như một con quái vật khổng lồ kéo theo đất đá ập xuống bản Chu Va 12, nuốt chửng nhà cửa, 3 trang trại cá tầm và anh Hưng chôn vùi trong đó.

Công an tỉnh Lai Châu đã dùng bơm áp lực cao phun bùn ở các bể cá tầm ra ngoài cho lực lượng vào tìm nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Họ tìm dọc suối Chu Va qua xã Nậm Tăm và điểm tập kết là lòng hồ thủy điện Bản Chát nhưng cũng không phát hiện ra manh mối.

"Suối chảy siết, tìm hết rồi vẫn chưa thấy, khả năng nạn nhân trôi ra sông là rất khó bởi cách hiện trường 2km là đập ngăn nước thủy điện" - Đại úy Vũ Văn Hùng chia sẻ. Nhìn những hộc đá hàng tấn nằm kín lòng suối Chu Va, nếu anh Hưng không bị vùi lấp trong bể cá mà trôi ra suối mắc kẹt trong các tảng đá thì khả năng tìm thấy thi thể là rất khó.

Lực lượng cứu hộ Công an tỉnh Lai Châu khuân đồ giúp dân từ hiện trường sạt lở ra ngoài.

Sạt lở kinh hoàng ở bản Nậm Há 2, xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) đã cuốn phăng 3 lán nương, làm 5 người bị vùi lấp, cả bản bị cô lập hoàn toàn. Không có đường đi, lực lượng cứu hộ của quân đội, Công an phải trèo rừng đi vắt từ quả đồi nọ sang đồi kia mới xuống được bản.

Khối lượng đất đá sạt lở xuống khe sâu 30m, rộng 200m, các chiến sĩ Cảnh sát cơ động và Trung đoàn 880 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu) ngâm mình trong bùn đất suốt cả tuần qua trong tiết trời mưa rét tìm kiếm nhưng đến nay vẫn còn 4 người chưa tìm thấy.

Vì bị cô lập nên họ không mang máy móc vào được, chỉ đào bằng tay nên vô cùng vất vả và khó khăn. Khối lượng đất đá quá lớn trên diện rộng, nếu không có phương tiện thì việc tìm kiếm gần như là vô vọng. Chiều 29-6, tỉnh Lai Châu đã rút lực lượng tìm kiếm, dự tính khi thời tiết ổn định đưa được phương tiện vào thì sẽ tiếp tục.

Hà Nội đang nắng nóng đỉnh điểm nhưng tại Lai Châu mưa vẫn không ngừng. Thời tiết bất lợi nên các điểm có nguy cơ sạt lở vẫn đang trong diện "báo động đỏ". Còn nhiều huyện của Lai Châu vẫn đang bị cô lập, chia cắt với bên ngoài, đời sống của bà con nguy nạn từng ngày, từng giờ.

Chiều 1-7, Đại úy Vũ Văn Hùng chia sẻ với chúng tôi, sau khi dựng xong 21 lán trại cách bản Sáng Tùng 5km cho dân vào ở, CBCS của Công an tỉnh đã rút về và chuẩn bị lên đường đến xã Tủa Sín Chải của huyện Sín Hồ.

Đây là xã bị thiệt hại nặng nề nhất với 6 người chết, trong đó có 4 người trong 1 gia đình (đã tìm thấy xác), còn 2 người chưa tìm thấy. Tủa Sín Chải bị cô lập suốt những ngày qua, Công an tỉnh Lai Châu đang huy động lực lượng vào đây tiếp tục tìm kiếm hai nạn nhân còn lại.

Khó khăn, gian nguy và cả thử thách vẫn còn phía trước, nhưng hình ảnh của các anh đã in đậm trong lòng nhân dân cả nước.

* Chia sẻ với những đau thương và mất mát của người dân vùng lũ, ngày 28-6, đoàn công tác của Báo CAND và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tới Lai Châu trao 300 triệu đồng cho thân nhân những người thiệt mạng, mất tích, bị thương, bị mất nhà trong trận lũ quét nhằm động viên họ khắc phục khó khăn, vượt lên trong cuộc sống.

Trần Hằng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/gong-minh-trong-lu-tim-nguoi-mat-tich-498839/