Gọng kìm tư pháp đủ độ cứng

Hôm 20-3 vừa qua, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã được đặc cách cho về nhà sau 1 ngày bị thẩm vấn. Tuy nhiên, ông đã phải trở lại Sở cảnh sát vào ngày 21-3 và tiếp tục bị xét hỏi về những cáo buộc nhận tiền của cố Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi để dùng vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp năm 2007. Sự kiện này hiện đang gây xôn xao chính trường cũng như dư luận nước Pháp.

Bị cáo buộc một loạt tội

Vụ tai tiếng nói trên đã bùng lên từ cuối năm 2011. Một cuộc điều tra đã được tiến hành sau đó. Việc cựu Tổng thống Sarkozy bị câu lưu để thẩm vấn cho thấy gọng kìm tư pháp đang siết chặt quanh cựu lãnh đạo nước Pháp.

Mediapart - báo mạng nắm giữ thông tin và tung ra vụ bê bối, cho biết cuộc điều tra theo sự chỉ đạo của một thẩm phán chuyên về vấn đề tài chính của Paris giờ đây nhằm trực tiếp vào cựu Tổng thống Sarkozy và những người thân cận nhất của ông. Theo báo này, “danh sách các tội trạng được điều tra tư pháp liệt kê ra trong vụ này khá dài: tham nhũng chủ động và thụ động, biển thủ công quỹ, lạm dụng tài sản xã hội, giả mạo tài liệu, rửa tiền trốn thuế, lưu trữ tài sản bất hợp pháp…”

Theo giới quan sát chính trị, quan hệ giữa cựu Tổng thống Sarkozy với cố Tổng thống Gaddafi rất phức tạp. Hồi cuối năm 2007, sự kiện ông Sarkozy, lúc đó đã lên làm Tổng thống Pháp, long trọng đón tiếp nhà lãnh đạo Gaddafi công du chính thức nước này, đã khiến mọi người sửng sốt vì vào thời điểm đó Libya đang bị cộng đồng quốc tế cô lập. Mặc dù ông Sarkozy giúp ông Gaddafi giảm nhẹ sự cô lập, song sau đó ít lâu, chính ông Sarkozy lại trở thành một trong những nhà lãnh đạo phương Tây cứng rắn nhất trong chiến dịch tấn công chế độ của Tổng thống Gaddafi, với hậu quả là đất nước Libya bị nội chiến tàn phá, chính quyền Tripoli khi đó bị sụp đổ và bản thân ông Gaddafi bị phiến quân sát hại.

Ông Sarkozy (trái) tiếp đón ông Gaddafi trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Libya tới Pháp năm 2007 . ảnh tư liệu

Lời tố cáo từ con trai ông Gaddafi

Chính trong bối cảnh đó, ông Sarkozy bị cho là đã nhận tiền từ Chính phủ Lybia để tài trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp năm 2007. Những lời tố cáo đầu tiên nhằm vào ông Sarkozy do chính con trai của cố Tổng thống Gaddafi là Saif al-Islam (hiện bị giam tại Libya sau khi ông Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011), đưa ra vào năm 2011, khi cuộc nội chiến Libya đã leo thang tới đỉnh điểm. Khi đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Euronews của Pháp, con trai cố Tổng thống Gaddafi đã không ngần ngại đòi ông Sarkozy “phải trả lại số tiền mà ông ta lấy của Libya để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông ta.” Ông Saif al-Islam thậm chí còn khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi đã tài trợ cho ông ta, chúng tôi có tất cả những chi tiết và sẵn sàng tiết lộ mọi thứ.”

Lời tố cáo của ông Saif al-Islam ít được chú ý cho đến khi trang mạng thông tin Pháp Mediapart nhập cuộc vào năm 2012 và sau đó công bố kết quả điều tra của họ về nghi án này. Theo kết quả điều tra của Mediapart, một doanh nhân người Pháp gốc Liban là Ziad Takieddine thú nhận đã chuyển 5 triệu euro của cựu lãnh đạo tình báo Libya dưới chế độ Gaddafi - ông Abdullah Senussi, cho người điều hành chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy là Claude Gueant. Mediapart khẳng định, ông Gaddafi và ông Sarkozy đã sắp xếp chi tiết về việc chuyển số tiền trên nhân dịp ông Sarkozy tới Tripoli ngay từ tháng 10-2005. Lúc đó, ông Sarkozy còn là Bộ trưởng Nội vụ Pháp.

Đến năm 2013, nhà chức trách Pháp chính thức mở cuộc điều tra những cáo buộc trên và đến tháng 9-2017, Cơ quan chống tham nhũng Pháp đã chuyển cho các thẩm phán một bản báo cáo nêu bật việc ban vận động tranh cử của ông Sarkozy đã dùng tiền mặt để chi trả mà không khai báo. Ông Eric Woerth, cựu thủ quỹ của ban vận động tranh cử này, đã thừa nhận vụ việc song giải thích rằng đó là các khoản đóng góp vô danh.

Dù vậy, chiến dịch vận động tranh cử của ông Sarkozy vẫn bị tình nghi là đã vi phạm luật pháp của nước Pháp, đặc biệt là vấn đề nhận tài trợ bất hợp pháp. Bản thân ông Sarkozy bị nghi ngờ đã nhận tiền của nhà lãnh đạo Libya, điều mà nhà cựu lãnh đạo này luôn luôn phủ nhận.

Liên quan đến vụ bê bối xung quanh cựu Tổng thống Sarkozy còn có Alexandre Djouhri, cựu trợ lý của ông Sarkozy. Ông Djouhri bị tình nghi chính là người chuyển tiền cho ông Sarkozy từ Libya về Pháp. Nhân vật này đã bị bắt ở thủ đô London của Vương quốc Anh hồi tháng 1 vừa qua và hiện đang chờ bị dẫn độ về Pháp để trả lời thẩm vấn về tội danh rửa tiền trong khuôn khổ vụ án.

Cựu Tổng thống vướng nhiều bê bối

Theo BBC, ông Nicolas Sarkozy sinh ra tại Paris năm 1955, trong một gia đình có bố là người Hungary, mẹ là người Pháp. Không giống hầu hết những quan chức trong giới cầm quyền Pháp, ông Sarkozy không học qua trường Hành chính quốc gia Pháp mà học luật tại ĐH Paris Nanterre. Là người từng nhiều lần đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi, ông Sarkozy cũng bị dính líu nhiều vụ bê bối liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2007.

Là người có tài hùng biện, năm 1983, ông Sarkozy bắt đầu thăng tiến trong sự nghiệp TP Neuilly-sur-Seine - một vùng ngoại ô giàu có của thủ đô Paris. Ông từng giữ các chức Bộ trưởng Ngân sách, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tài chính trước khi đắc cử Tổng thống Pháp năm 2007. Trong nhiệm kỳ 5 năm sau đó, ông thường xuyên bị vướng vào những bê bối và đồn đoán bất lợi.

Giới chỉ trích đặt cho Sarkozy biệt danh là Ngài "lấp lánh," coi ông là người có phong cách quá khoa trương, giống người nổi tiếng trong giới giải trí hơn là một chính trị gia. Không giống những người tiền nhiệm, ông Sarkozy thường chiếm vị trí nổi bật trên những tờ báo lá cải. Ông cũng thường xuyên đi nghỉ đi trên du thuyền của những người bạn giàu có, tiệc tùng tại những nhà hàng sang trọng nhất của nước Pháp và có sở thích dùng những chiếc đồng hồ xa xỉ.

Ông đã nhiều lần gây tranh cãi do những phát ngôn thiếu chín chắn của mình. Ông thậm chí cũng từng khiến giới nhà báo nổi giận khi so sánh họ với những kẻ ấu dâm. Ngoài ra, ông Sarkozy còn gọi các thanh niên ở ngoại ô Paris là "lũ tiện dân!" Tất cả những phát ngôn này của Sarkozy đều bị chỉ trích kịch liệt bởi những đối tượng bị ông này miệt thị.

Hình ảnh "người nổi tiếng trong giới giải trí" của ông Sarkozy càng được củng cố qua cuộc hôn nhân với một người nổi tiếng của làng giải trí, đó là siêu mẫu kiêm ca sĩ Carla Bruni năm 2008. Trước đó, ông Sarkozy đã 2 lần ly dị và có 3 con với những người vợ cũ.

Tháng 10-2009, ông Sarkozy bị cáo buộc "gia đình trị" vì đã giúp con trai mình là Jean Sarkozy, trong nỗ lực trở thành người đứng đầu cơ quan điều hành một quận thương mại lớn nhất nước Pháp.

Gần 3 năm sau, ngày 3-7-2012, tức là chỉ 2 tháng sau khi ông Sarkozy kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, cảnh sát Pháp đã khám nhà và văn phòng của ông để phục vụ cuộc điều tra cáo buộc chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007 nhận tài trợ bất hợp pháp từ nữ tỷ phú Liliane Bettencourt - người phụ nữ giàu nhất nước Pháp. Tuy nhiên, ông Sarkozy đã bác bỏ cáo buộc này.

Tiếp đó, năm 2014, ông Sarkozy bị cảnh sát thẩm vấn về cáo buộc ông hứa hẹn cho Thẩm phán cấp cao Gilbert Azibert ngồi vào một vị trí danh giá ở Công quốc Monaco để đổi lấy thông tin về cuộc điều tra cáo buộc tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của ông. Đây được cho là lần đầu tiên một cựu Tổng thống Pháp bị cảnh sát tạm giữ. Cựu Tổng thống Sarkozy sau đó bị điều tra các cáo buộc tham nhũng, lạm dụng ảnh hưởng và thu thập thông tin bằng biện pháp sai trái. Dù vậy, ông vẫn tuyên bố không làm gì sai trái và cho rằng mình là nạn nhân của âm mưu chính trị. Tuy không bị truy tố hay phải ra tòa trong cuộc điều tra này, nhưng đây được coi là đòn giáng mạnh chấm dứt nỗ lực của ông tái tranh cử Tổng thống năm 2017.

Hôm 20-3 vừa qua, ông Sarkozy bị tạm giữ tại đồn cảnh sát để phục vụ thẩm vấn liên quan cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông năm 2007 nhận 60 triệu USD hỗ trợ tài chính từ nhà lãnh đạo Gaddafi. Ông Sarkozy đã nhiều lần bác bỏ và gọi đây là những cáo buộc "nực cười."

Theo quy định của luật pháp nước Pháp, số tiền quyên góp tối đa cho một ứng cử viên tổng thống là 7.500 euro (tương đương 9.200 USD). Số tiền 60 triệu USD có thể đã "được rửa" thông qua các tài khoản ngân hàng ở Panama và Thụy Sĩ.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/gong-kim-tu-phap-du-do-cung-112586.html