Gom rác ở cửa ngõ Phong Nha - Kẻ Bàng: Đề án viết một đằng thực hiện một nẻo

Đi sâu tìm hiểu việc thu gom rác ở cửa ngõ di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Một Thế Giới nhận thấy doanh nghiệp dịch vụ công ích phải vay mượn ngân hàng, nợ nần chồng chất. Khi có chút ít kinh phí thì huyện lập ra đề án để lấy nguồn lực hỗ trợ 20%, bỏ qua góp ý của các sở ban ngành lại còn viết một đằng thực hiện một nẻo, vẫn 'tự sướng' có tính khả thi cao để ép 'đi đêm' 10%.

Cây xanh đường vào trung tâm cửa ngõ Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cây xanh đường vào trung tâm cửa ngõ Phong Nha - Kẻ Bàng.

Vay ngân hàng duy trì môi trường

Các tài liệu chúng tôi có được tại UBND huyện Bố Trạch cho thấy, từ năm 2003 đến 2008, công ty môi trường Phong Nha là một đội môi trường do UBND huyện Bố Trạch giao cho nhưng không giao kinh phí hoạt động. Từ tháng 4.2008 đến nay hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, do UBND tỉnh quyết định giao cho xã Sơn Trạch là chủ đầu tư và ký hợp đồng với đơn vị này ổn định lâu dài.

Ông Lê Xuân Bách, giám đốc đơn vị nói: “Đối với Phong Nha tuy là một khu du lịch, song đơn thuần là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nông thôn, không phải thị trấn, thị xã. Vì thế hạ tầng đường sá quy hoạch chưa có, không thể thu phí được. Thu gom rác không chỉ là rác sinh hoạt mà bao gồm các loại rác nông nghiệp, xây dựng; sinh hoạt, động vật, tạp chất trong rừng đổ ra và ở gia đình nông thôn (rơm rạ, cây cối…). Cho nên từ năm 2003 đến 2011, công ty không có kinh phí hoạt động, phải huy động nhiều nguồn và chủ yếu lấy kinh phí từ các sản xuất khác và vay ngân hàng để chi phí và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho môi trường”.

Để có môi trường xanh thoáng phải vay mượn tốn kém rất nhiều.

Theo tài liệu sổ sách nộp lên UBND xã Sơn Trạch, chủ đầu tư ký hợp đồng thu gom rác, điện chiếu sáng, trồng cây xanh ở trung tâm xã Sơn Trạch nên vay mượn vì môi trường đã lên hơn 22 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa, bỏ ra một lượng tiền lớn như thế phải là người có tâm vì môi trường mới chấp nhận vay ngân hàng mà không sinh lợi.

15 năm thu gom rác công ty môi trường Phong Nha đã lỗ 22 tỷ đồng.

Một tờ trình ngày 1.11.2003 của UBND xã Sơn Trạch, do Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hòa gửi UBND huyện giao cho đội vệ sinh môi trường của ông Lê Xuân Bách thời đó để thấy rõ địa phương khó khăn kinh phí như thế nào: “Công ty đóng trên địa bàn xã Sơn Trạch là công ty có đầy đủ tư cách pháp nhân và nguồn lực để tiếp nhận quản lý, vận hành dự án rác thải Phong Nha đảm bảo đúng quy định của Nhà nước”.

Lúc đó, Chủ tịch UBND huyện ông Trần Thanh Văn (hiện chuyển công tác là anh trai của ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch bây giờ) đã ký quyết định số 68/CV-UB ngày 27.2.2004 giao cho đội môi trường thuộc công ty Tràng An do ông Lê Xuân Bách làm giám đốc và sau này do nhu cầu môi trường triển khai rộng phải thành lập công ty môi trường Phong Nha. Chỉ hai trong số nhiều văn bản đang lưu tại UBND huyện Bố Trạch cho thấy địa phương lúc đó không mặn mà với thu gom rác ở cửa ngõ di sản vì không có kinh phí mà phải dựa vào xã hội hóa.

Đề án một đằng thực hiện một nẻo

Tại mục 2 trang 20 của đề án vệ sinh môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2021 do ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện ký có đoạn: “Khi đề án được thẩm định và phê duyệt, UBND huyện Bố Trạch chỉ đạo, lãnh đạo các phòng ban, các tổ chức, địa phương, các đơn vị có liên quan thực hiện đề án”. Chính Chủ tịch huyện Bố Trạch đã đặt bút ký là muốn thực hiện thì đề án “được thẩm định và phê duyệt”, việc thẩm định này không ai khác là Sở Tài chính chủ trì báo cáo UBND tỉnh như các chỉ đạo của Phó Chủ tịch tỉnh Trần Văn Tuân qua văn bản 931 và Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Quang tại văn bản 2514. Nhưng huyện đã quyết định không báo cáo, không thẩm định, không cần phê duyệt từ tỉnh dẫn đến các số liệu trong đề án sai lệch so với thực tế.

Năm 2011 huyện Bố Trạch không có kinh phí vận hành hệ thống điện ở Phong Nha, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang lại phải giao xã hội hóa cho công ty môi trường Phong Nha, nay huyện lại vẽ đề án lấy về.

Đề án đánh giá lượng rác ở cửa ngõ di sản một ngày 13,4 tấn, 3 ngày công ty môi trường Phong Nha vận chuyển một lần. Tuy nhiên nhật trình vận chuyển rác tại đơn vị lại khác là một ngày từ 35-40 tấn có nộp sổ sách lên UBND xã. Công ty môi trường Phong Nha bác bỏ quan điểm của huyện 3 ngày vận chuyển rác một lần mà là vận chuyển rác từng ngày một. Đề án cũng đưa ra cách tính nhân công chỉ 31 người được cho là thiếu 20 nhân công chăm sóc cây xanh, điện nước, ươm cây giống, bảo vệ, quản lý. Ở hạng mục cống rãnh không thuộc đề án môi trường vẫn đưa vào, nó được xếp vào kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Công ty quản lý đường bộ sở GTVT Quảng Bình quản lý.

Hợp đồng kinh tế số 89 nói thu gom rác là “lâu dài vĩnh viễn”.

Cách thức thu phí UBND tỉnh quy định mỗi hộ 19.000 đồng/tháng, nhưng công ty Phong Nha không thu được phải hạ xuống 5.000-10.000 đồng/tháng/hộ nhưng cũng chỉ thu được 60-70 triệu đồng/năm. Tuy nhiên đề án lại vẽ ra viễn cảnh thu hơn 1,4 tỷ đồng.

Ép “đi đêm” 10%?

Tại hợp đồng kinh tế số 89/HĐKT giữa môi trường Phong Nha với UBND xã Sơn Trạch ký ngày 10.12.2008, ở điều 4, UBND xã thương thảo thu gom rác như sau: “Riêng công tác vệ sinh thu gom, xử lý rác thải được tính từ tháng 1 năm 2008, thời gian thực hiện lâu dài vĩnh viễn”. Thế nhưng bằng thông báo số 800/TB-UBND ngày 12.5.2017 do Chánh văn phòng UBND huyện Bố Trạch, Nguyễn Văn Tứ ký truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Tuấn ôm hết các công việc đã thỏa thuận ký “lâu dài vĩnh viễn”. Kỳ lạ hơn, trong thông báo này lại nêu: “Căn cứ dự toán kinh phí tại khoản 13 đề án, thực hiện giảm giá 10% để tiến hành hợp đồng công việc cụ thể đối với các đơn vị có đủ năng lực thực hiện”.

Đề án không chỉnh sửa theo góp ý các sở ban ngành, nhưng Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, Trần Quang Vũ vẫn ký và tự đánh giá “sát thực” khi không trình UBND tỉnh.

Ông Lê Xuân Bách, giám đốc công ty môi trường Phong Nha cho biết, việc gảm giá xuống 10% như cách “ép buộc” doanh nghiệp xử lý rác phải “đi đêm”, bởi thực hiện công ích thu gom xử lý rác 15 năm qua chúng tôi không có lãi, vay mượn ngân hàng, lao động phải thanh toán đầy đủ lương vì hoàn cảnh khó khăn cả, nếu ép giảm 10% thì lại phải tiếp tục vay mượn thêm nhiều hơn bình thường. Vì lợi ích chung, chúng tôi hy sinh nhiều nguồn lực, nay lại phải “đi đêm” như thế liệu có vì xanh sạch đẹp ở cửa ngõ di sản Phong Nha - Kẻ Bàng? Ngay như năm 2016, UBND xã còn nợ 130 triệu tiền thu gom rác, thì huyện lại yêu cầu không thanh toán để khoản phí môi trường đó cho mục đích thanh toán thầu xây dựng đã là sai rồi, nay lại thêm ép buộc khoản này thì làm công ích không thể bù đắp được. “Mà dọn rác thì phải đi đêm để làm gì?”, ông Bách nói.

Với đề án môi trường xã Sơn Trạch ở cửa ngõ di sản nhiều vấn đề, bỏ ngoài tai ý kiến các sở, ban ngành, viết một đằng, thực hiện một nẻo, không trình Sở Tài chính và UBND tỉnh phê duyệt nhưng ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện vẫn ký, đóng dấu vào đề án và tự khen rất chủ quan: “Đề án đã được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến tham gia góp ý của các ban, ngành đoàn thể và các địa phương nên nội dung đề cán có tính khả thi rất cao và sát thực”.

Sơn Nguyên

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/gom-rac-o-cua-ngo-phong-nha-ke-bang-de-an-viet-mot-dang-thuc-hien-mot-neo-65254.html