Gốm mỹ nghệ Đông Triều hấp dẫn khách du lịch

Gốm mỹ nghệ Đông Triều đang là sản phẩm lưu niệm hấp dẫn du khách bởi tính nhỏ gọn, nhẹ, đẹp mà bền, dễ vận chuyển.

Nghệ nhân vẽ gốm tại Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh.

Nghệ nhân vẽ gốm tại Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh.

Nghề gốm sứ Đông Triều có từ lâu đời nhưng hưng thịnh nhất vào những năm 80 của thế kỷ trước với hai HTX là Ánh Hồng và Đông Thành, chuyên sản xuất gốm sứ xuất khẩu sang thị trường Liên xô (cũ) và Đông Âu. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cùng loại, các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ vẫn tồn tại được nhờ đã biết kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại với bàn tay khéo léo của những người thợ để tạo ra dòng sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Lê Trọng Mỹ, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Gốm sứ Đông Thành (phường Đức Chính) thì dòng gốm sứ Đông Triều độc đáo ở tính chất gốm nặng lửa, nghĩa là có khả năng chịu nhiệt cao lên đến 1280 độC. Sản phẩm làm ra có độ bền cao, khả năng chịu va đập tốt, khi vận chuyển có thể chồng lên nhau không cần lót mà vẫn không vỡ. Có được điều đó là nhờ Quảng Ninh có nguồn đất sét với hàm lượng nhôm cao và nhiều nguyên liệu để chế tạo ra loại men phù hợp.

Cũng theo ông Mỹ, muốn có sản phẩm gốm sứ nặng lửa, cần phải chế ra loại men có cùng độ chịu nhiệt với đất sét, nếu không sản phẩm sẽ rạn nứt, phồng rộp. Men gốm tạo ra từ đất cao lanh loại I có hàm lượng nhôm cao, bột đá cộng với một số nguyên liệu là oxit gốc sắt để hòa phối và tạo màu. Trước kia, nghệ nhân làng gốm còn đi tìm đất bùn ở cửa sông về phơi khô để chế ra men gốm.

Hiện nay, nguyên liệu làm men bán sẵn tiện lợi hơn rất nhiều nhưng gốm mỹ nghệ Đông Triều vẫn có những bí quyết độc đáo ở màu men. Gốm Đông Triều vốn nổi tiếng có nước men sáng đẹp, nhiều màu các màu được ưa chuộng là men ngọc, men da lươn, men vàng nhẹ, men chảy. Một trong những người nắm giữ bí quyết chế men gốm là Nghệ nhân Ưu tú Đặng Đức Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Ánh Hồng (phường Mạo Khê). Kế thừa kinh nghiệm làm nghề của nhiều lão nghệ nhân đi trước, ông Thạch đã pha chế 16 bài men nghệ thuật các loại, như: Men đen, men trắng, men nâu, men xanh các loại, men rạn, men sao, men rêu, phục chế men thời Lý, men ngọc thời Lý, thời Trần và các bài men chảy tổng hợp.

Du khách chọn mua gốm Đông Thành.

Men ngọc vốn có từ xa xưa và chính ông Thạch đã cho thêm vào một số phụ gia để thành men ngọc Đông Triều có độ chịu nhiệt rất cao, xanh như màu ngọc bích, rất đẹp. Men chảy khi nung ra, bề ngoài sản phẩm tráng lớp men như chảy từng dòng từ trên xuống rất sinh động... Các mẫu sản phẩm của ông Thạch đã đạt trình độ nghệ thuật cao và có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao.

Sau khi phun men, chuốt cho sản phẩm những đường cong mềm mại người nghệ nhân như ông Thạch sẽ vẽ hình cho sản phẩm. Vì làm thủ công nên cùng một khuôn mẫu nhưng với mỗi sản phẩm người thợ tài hoa lại thể hiện những nét vẽ núi non, cảnh vật, con người, hoa văn khác nhau. Đây chính là những tác phẩm nghệ thuật đơn chiếc được tạo tác từ hòn đất sét ở vùng trầm tích Đông Triều.

Để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật này là không hề đơn giản. Một người thợ vẽ gốm phải trải qua ít nhất 6 tháng đào tạo nghề và nhiều năm kinh nghiệm mới có thể đảm nhiệm công đoạn vẽ trang trí cho sản phẩm. Tùy theo kích thước của sản phẩm, mà người thợ có thể mất hàng giờ đồng hồ để ngồi vẽ hoa văn, trang trí.

Với chiến lược sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ có tính thẩm mỹ cao, số lượng lớn, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ của Đông Triều đã đặc biệt chú trọng đến dòng gốm giả cổ, gốm mỏng... vừa có giá trị kinh tế vừa ít tiêu tốn nguyên liệu. Để phục vụ xuất khẩu, các đơn vị như: Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty cổ phần Quang mỹ nghệ xuất khẩu, Công ty TNHH Gốm Thành Đồng, Công ty CP Gốm Thái Sơn 88... đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các dòng sản phẩm, gắn kết giữa thủ công và hiện đại, giữa thủ công mỹ nghệ với nghệ thuật sơn mài. Nhờ đó, nhiều mẫu sản phẩm mới ra đời được thiết kế độc đáo về cả kiểu dáng, màu sắc, kết hợp được phong cách gốm sứ truyền thống với hiện đại. Không ít mẫu sản phẩm mang đặc trưng văn hóa Việt, như: Cô gái mặc áo dài truyền thống, chú Tễu, các con giống truyền thống.

Phát triển dòng gốm này lên một trình độ cao hơn, nghệ nhân Lê Trọng Mỹ còn chế tác thành những sản phẩm điêu khắc gốm. Đến nay, ông Mỹ đã có một số tác phẩm điêu khắc được trao giải thưởng như: “Mẹ con”, “Mũ rơm đi học”, “Sau giờ trực chiến” v.v.. Ông Mỹ cũng có 3 tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bộ bát điếu, bộ đồ đựng rượu và bộ đồ ăn men lam. Ông Mỹ đã bán được hơn 30 mẫu có chủ đề từ nhân vật trong cổ tích như nàng Bạch Tuyết, Bảy chú lùn đến nhân vật trong văn học như: Thúy Kiều đánh đàn, Chí Phèo, Thị Nở rồi thì những nhân vật không có tên cụ thể nhưng đại diện cho một lớp người hiện đại như sĩ - nông - công - thương, người mẹ ôm con sau giờ trực chiến, cô dân quân du kích, thợ mỏ vào lò, cô gái người Dao xuống chợ...

Du khách tham quan khu sản xuất gốm của HTX Đông Thành.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dòng sứ nặng lửa chẳng những được duy trì mà còn phát triển đạt đến trình độ tinh xảo, nhiều sản phẩm đủ sức xuất khẩu vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay, ngoài việc xuất khẩu sang một số quốc gia như: Anh, Pháp, Hàn Quốc v.v.. gốm sứ nặng lửa còn được bán rộng rãi cho khách du lịch đến Quảng Ninh.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201912/gom-my-nghe-dong-trieu-hap-dan-khach-du-lich-2465037/