Gom Huế về Sài Gòn cho ba mạ

Ba mạ nhớ Huế, sống ở Sài Gòn mà ngày nào cũng nhắc chuyện quê nhà. Nhớ sông Hương, nhớ núi Ngự, nhớ cầu Tràng Tiền và nhiều cảnh sắc của cố đô. Cho nên đứa con trai làm các mô hình thắng cảnh Huế trong vườn nhà cho ba mạ ngắm hằng ngày.

Răng giống Huế ri Tùng!

Người con hiếu thảo đó là tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, quê quán xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, thành phố Huế. Anh vào Sài Gòn từ khi 10 tuổi, học hành và thành danh với nhiều công việc khác nhau. Anh không có nhiều kỷ niệm về Huế, nhưng mạ anh thì hay kể chuyện, biết mạ nhớ quê, anh cứ thao thức chuyện này. Anh quyết định phải làm cái gì đó rất Huế tặng cho ba mạ.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng và toàn cảnh

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Viễn thông ở Úc về, anh quyết định sử dụng khu đất của gia đình ở đường Hoàng Hữu Nam quận 9, TP.HCM để xây mô hình Huế bằng đá, gồm đại nội, lăng tẩm và những thắng cảnh hai bên sông Hương làm quà cho ba mạ. Từ năm 2000 – 2002, anh nghiên cứu, phác thảo mô hình, gia đình can ngăn, anh học viễn thông, không biết gì về kiến trúc làm sao có thể làm được công trình này. Ai nói vào nói ra mặc, anh cứ kiên trì làm, đến nỗi trong gia đình thấy anh quyết tâm quá nên cứ để anh muốn làm gì thì làm. Tất nhiên, không ít người nói “thằng này khùng”.

Đến năm 2007 thì công trình hoàn thành, đó là ngày vui nhất của ba mạ anh. Huế ngay trong vườn nhà, thích thì ngắm, tuổi già được thêm phần vui tươi, vui hơn nữa là có đứa con có hiếu, đã dành thời gian 7 năm trời và tiền bạc để chỉ làm một việc là “gom Huế về Sài Gòn cho ba mạ”. Ngày ra mắt công trình, TS Nguyễn Thanh Tùng mời đoàn nhã nhạc cung đình Huế gần 30 người vào tận nơi biểu diễn cho ba mạ anh và gia đình cùng bạn bè thưởng thức. Lúc đó, mọi người mới hiểu được ý nghĩa việc làm của anh. Huế thu nhỏ đẹp, chạm trổ công phu, mạ anh bất ngờ quá nói: “Răng giống Huế ri Tùng!”.

Vui hơn là sau khi khu mô hình Huế được đặt tên Ngự Lãm Viên, học sinh đến tham quan rất đông, mỗi lần có các cháu đến, ba mạ anh rất vui. Có nhiều em chưa một lần đến Huế, được giới thiệu danh lam thắng cảnh, được nghe giảng giải thêm về địa lý, lịch sử. Theo TS Tùng, từ năm 2007 đến nay, Ngự Lãm Viên đón khoảng 2 triệu khách tham quan miễn phí, trong đó có khoảng 250.000 lượt học sinh đến tham quan, học tập. Còn ba mạ anh, mỗi lần có học sinh đến tham quan là như có người bầu bạn, có con cháu sum vầy. Tuổi già còn chi vui bằng.

Tùng hào hứng: “Học sinh đến tham quan, mạ tôi ngồi xem, nghe suốt cả giờ đồng hồ”. TS Tùng tâm sự rằng, anh làm công trình Huế thu nhỏ là giữ gìn văn hóa Huế ngay trong nhà mình, chưa nói dạy ai nhưng trước hết là cho con cháu, sau này đừng mất gốc Huế. Anh nói thêm: “Tôi còn đi dạy kỹ năng sống cho các em học sinh, và tôi quan tâm đến giáo dục về lòng hiếu thảo, con cái phải biết trả hiếu cho cha mẹ”.

Ở trong vườn Huế thu nhỏ của TS Nguyễn Thanh Tùng có căn nhà rường. Hỏi ra mới biết, căn nhà này không mua từ nhà rường cũ, cũng không thuê ai làm, mà chỉ những người trong gia đình của TS Tùng làm. Bởi lẽ, ông ngoại anh là Nguyễn Ngọc Triều, nghệ nhân làm nhà rường. Ba anh, cậu anh đều là học trò của ông ngoại. Cho nên gia đình anh quyết định mua gỗ, cả nhà xắn tay vào làm, để nhớ ông ngoại và để lưu giữ lại nghề truyền thống của gia đình, con cháu sau này ghi nhớ.

Ts Nguyễn Thanh Tùng kể, hồi nhỏ ở Huế, đi học ở nhà thờ làng vì không có trường. Mỗi lần ra chơi, anh hay ôm cột nhà thờ làng tuột lên tuột xuống. Anh nhớ mãi kỷ niệm thơ ấu đó, và muốn làm cái nhà rường, có hàng cột để con cháu tuột lên tuột xuống cho vui. Rứa thôi. Chữ “Rứa thôi” của anh Tùng nghe nhẹ bưng, nhưng ý nghĩa sâu sắc, giữ nếp nhà, không bị mất gốc.

Đêm giao thừa quỳ dưới chân ba mạ.

Tranh thủ lái xe từ quận 2 về quận 9 để ăn cơm trưa với ba mạ. Bữa cơm đạm bạc, có chút vội vàng, nhưng TS Nguyễn Thanh Tùng cảm thấy vui và ngon miệng, vì mấy bữa nay đi công tác xa, không có thời gian ăn cơm với ba mạ.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng dựng lại “Cố đô Huế thu nhỏ” để báo hiếu với bố mẹ. Ảnh: T.L

Mạ anh kể: “Thằng Tùng hồi nhỏ làm đủ thứ việc. Mạ chằm nón, còn hắn dậy sớm, mở lá, ủi lá xong mới đi học. Học về thì nứt nón, chuốt vành, phụ được rất nhiều việc”.

Còn Tùng kể ngày xưa mạ chằm nón, còn anh ngồi nứt nón, nghe mạ kể chuyện đời xưa, nghe mạ hát. Mạ Tùng đoạt giải Nhất tiếng hát các tỉnh miền Trung năm 1953, được mời hát trên đài phát thanh với ca sĩ Thanh Thúy. Mạ tự hào về chuyện đó, kể nhiều lần cho anh nghe, đến mức ăn sâu vào ký ức.

Thương mạ và suy nghĩ rất nhiều về lòng hiếu thảo, nên TS Nguyễn Thanh Tùng xây một nếp nhà không chỉ là vật chất, nhà rường hay Huế thu nhỏ, mà bằng những sinh hoạt tinh thần có ý nghĩa thiêng liêng.

Cố đô Huế thu nhỏ về đêm. Ảnh: T.L

Đêm giao thừa mấy chục năm nay ở nhà ba mạ anh. Tất cả con cháu, dâu rể dù ở đâu cũng phải về đầy đủ. Ba mạ ngồi trên ghế, còn tất cả quỳ xuống mừng tuổi ba mạ, ông bà và nghe gia huấn. Đúng 11giờ 30, giờ khắc giao thừa thiêng liêng, tất cả tập trung ra ngoài trời, thắp bó nhang to, đọc lời khấn để mọi người lắng nghe Ai cũng phải soi rọi lại mình, năm qua làm được những việc gì có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Năm tới sẽ làm việc gì, hứa với gia đình sẽ làm người tốt, có ích cho xã hội.

***

Ở thành phố đô hội, TS Nguyễn Thanh Tùng có căn nhà rường do chính ta anh và những người trong gia đình làm. Anh vẫn thường ngồi làm việc trong căn nhà thân thương này, ngồi ngắm Huế thu nhỏ và nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ. Hình như có nguồn năng lượng rất lớn từ đây, giúp anh làm được nhiều việc, đi thật nhiều nơi trên thế giới này.

Lê Thanh Phong

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/gom-hue-ve-sai-gon-cho-ba-ma-847057.html