Gốm cổ chờ hồi sinh

Một làng nghề gốm truyền thống độc nhất của người M'Nông trên cao nguyên Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ mai một vì không cạnh tranh nổi với đồ… 'nhôm nhựa'.

Các nghệ nhân buôn Dơng Bắk với các sản phẩm gốm của mình - Ảnh: Ngọc Quyền

Một thời vang bóng

Bà Mei Kim bê từ bếp ra đặt giữa nhà một loạt ché ủ rượu, chõ hong xôi, nồi, bát ăn… bằng gốm đen bóng được làm từ mấy tuần trước. Nghe Mei Kim gọi, bà Yo Khoanh, chị Mei Xíu ở nhà gần đó chạy sang; 3 phụ nữ này được giới thiệu là những người cần mẫn làm đồ gốm nhất ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, H.Lắk (Đắk Lắk). Ông Y Khương H’long, Phó chủ tịch UBND xã Yang Tao, nói bóng bẩy: “Có lẽ đây là những nghệ nhân cuối cùng của làng gốm một thời nổi tiếng bên bờ hồ Lắk mênh mông này”.

Theo bà Mei Kim, đồ gốm Dơng Bắk được làm đơn giản nhưng do đất sét trong vùng khá tốt nên chỉ cần nung trong lửa rơm, củi là bảo đảm độ cứng, lớp men màu đen bóng bên ngoài là do vùi trong tro của vỏ trấu, tạo thêm độ bền của vật dụng; còn hoa văn đẹp hay không thì tùy theo độ tài hoa của đôi tay nặn vẽ của mỗi người. Bà Mei Kim cho biết hiện người làm đồ gốm trong buôn đang ngày càng ít đi, đàn ông không tham gia mà chỉ có một số phụ nữ gắn bó với công việc này. “Giờ đây, bà con trong vùng chỉ thỉnh thoảng mua ghè làm rượu cần, những thứ khác ít mua lắm. Đem đồ gốm ra chợ gần như không ai hỏi đến, người ta chỉ mua đồ nhôm, nhựa vì tiện dụng, khó vỡ hơn”, bà Mei Kim giãi bày.

Lay lắt chờ cơ hội

Giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, Viện Khảo cổ học VN đã khai quật tại cánh đồng Buôn Triết, H.Lắk, phát hiện nhiều di chỉ gốm có niên đại cách nay hàng trăm năm. Qua so sánh chất liệu, các di chỉ gốm này cho thấy cùng nguồn gốc với gốm ở vùng Yang Tao bây giờ. Trên cơ sở đó, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, nghề gốm của người M’Nông trên địa bàn này đã có truyền thống lâu đời và gần như là nơi duy nhất đồng bào dân tộc biết làm đồ gốm trên cao nguyên Đắk Lắk.

Từ phát hiện trên, những hiện vật gốm M’Nông đã được đưa về trưng bày khá trang trọng tại Bảo tàng Đắk Lắk như một minh chứng sinh động về đời sống văn hóa của các tộc người bản địa. Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, là một trong những người tâm huyết muốn hồi sinh mạnh mẽ nghề gốm ở buôn Dơng Bắk. Chính bà đã nhiệt tình đặt làm các sản phẩm gốm, xin kinh phí tổ chức nghệ nhân truyền dạy nghề gốm cho người trẻ, liên hệ các cơ sở du lịch đặt mua đồ gốm… Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực đó, nghề gốm vùng Yang Tao vẫn rất khó khăn để “hội nhập”, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ và cạnh tranh với các vật dụng bằng chất liệu công nghiệp khác. Những nghệ nhân thành thạo như Yo Khoanh, Mei Kim cho biết thời gian gần đây có vài trường học đến đặt làm các mô hình đồ dùng, động vật rừng bé xíu để minh họa giảng dạy; còn các loại vật dụng gốm truyền thống thì rất ít người hỏi mua. Vì vậy, những người làm gốm hằng ngày phải đi làm rẫy, trồng lúa, hoặc làm thuê đủ loại công việc ở trong vùng.

Việc hỗ trợ duy trì, phát triển nghề gốm dường như vượt quá khả năng của địa phương. Ông Y Khương H’long trăn trở: “Chính quyền xã cũng muốn khôi phục nghề làm gốm nhưng cái quan trọng là “đầu ra” cho sản phẩm thì xã lại không có điều kiện để xúc tiến thương mại, quảng bá rộng rãi. Chỉ mong được các đơn vị ngành du lịch ở Đắk Lắk kết nối, đặt hàng sản phẩm; đồng thời các ngành chức năng của tỉnh đưa nghề gốm ở Yang Tao vào chương trình phát triển làng nghề để hỗ trợ bà con tiếp tục duy trì nghề truyền thống của mình”.

Ngọc Quyền

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/gom-co-cho-hoi-sinh-85686.html