Gốm Bát Tràng khởi sắc nhờ 'lên sàn' online

Câu chuyện về anh kỹ sư công nghệ thông tin từ bỏ công việc nghìn đô để về làng nghề kinh doanh đồ gốm từng khiến nhiều người bất ngờ. Ít ai làm nghề ở Bát Tràng nghĩ rằng, việc anh Trần Dương Quý đưa sản phẩm gốm sứ lên sàn online đã đánh dấu bước đi mới của một làng nghề truyền thống trong thời kỳ kinh tế số.

Làng nghề cũng phải “lên sàn”

Là người đầu tiên đưa sản phẩm gốm Bát Tràng lên Internet thông qua website Bát Tràng online vào năm 2015, khi thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là một khái niệm mới trong kinh doanh của một làng nghề truyền thống, anh Trần Dương Quý phải mất 2 năm mới cơ bản xây dựng được thương hiệu của làng gốm, để những người làm nghề hiểu được hiệu quả mà Internet mang lại, vượt qua tâm lý ngại đổi mới. Cho đến bây giờ, TMĐT đã rất phát triển tại Bát Tràng, nhiều xưởng sản xuất kinh doanh online, nhà nhà đều online.

Ngày đầu tiên website Bát Tràng online khởi động, anh Trần Dương Quý đã nhận được đơn hàng 126 triệu đồng, cho thấy "sức mạnh" của TMĐT trong việc quảng bá sản phẩm

Ngày đầu tiên website Bát Tràng online khởi động, anh Trần Dương Quý đã nhận được đơn hàng 126 triệu đồng, cho thấy "sức mạnh" của TMĐT trong việc quảng bá sản phẩm

“Trước đây chưa có truyền thông thì số lượng bán sản phẩm rất ít, sau khi truyền thông, nhiều lúc các xưởng sản xuất không kịp để bán. Vì thế ban đầu nhiều xưởng rất dè chừng việc đăng hình ảnh sản phẩm lên website, nhưng khi bắt tay vào làm họ mới thấy “không ngờ rằng bán được nhiều như thế”. Có những xưởng ban đầu hợp tác với chúng tôi có quy mô rất nhỏ, khoảng 200m2 với quân số 6 - 8 người; sau 1 năm phát triển lên 60 nhân sự” - anh Trần Dương Quý chia sẻ.

TMĐT là hình thức kinh doanh ngày càng mở rộng và phổ cập trên toàn cầu. Giới thiệu sản phẩm qua mạng điện tử, kể cả bán hàng, thanh toán, chuyển khoản qua hệ thống toàn cầu này đang dần trở thành xu thế tất yếu. Vì vậy việc ứng dụng TMĐT cho các sản phẩm làng nghề sẽ trở thành kênh quảng bá hiệu quả cao.

Sự phát triển của thế giới mạng và các thiết bị thông minh sẽ khiến cho thị trường sản phẩm làng nghề mở rộng hơn rất nhiều. Nếu như trước đây làng nghề phải trông chờ vào các hội chợ hay sự giới thiệu của các cơ quan nhà nước để gặp gỡ đối tác, thì bây giờ có thể dễ dàng tìm kiếm sản phẩm của các làng nghề bằng công cụ trên mạng Internet.

Với tính chất kết nối giúp sản phẩm đến gần hơn và rộng hơn với người tiêu dùng, anh Trần Dương Quý cho rằng, các đơn vị sản xuất chính là những đơn vị trực tiếp hưởng lợi từ công tác truyền thông qua mạng.

Với việc kinh doanh online, lượng tiêu thụ sản phẩm của cơ sở gốm sứ Hoàn Trang (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) tăng khoảng 30% mỗi năm. Chủ cơ sở - Nghệ nhân Phùng Văn Hoàn bày tỏ quan điểm mở về TMĐT trong làng nghề: “Một người sản xuất như chúng tôi cũng không thể đem từng sản phẩm đến từng nhà để giới thiệu, vậy thì thông qua TMĐT giới thiệu với người tiêu dùng là chất lượng ra sao, giá cả như thế nào và nó được làm cầu kỳ như thế nào. Người tiêu dùng hoàn toàn được hưởng lợi từ đấy”.

Thương mại điện tử phát triển làng nghề bền vững

TMĐT đưa thương hiệu của Bát Tràng đi xa hơn

Những người trực tiếp làm nghề ở Bát Tràng nhận định rằng, TMĐT có vai trò quan trọng cho sự phát triển của làng nghề trong thời kỳ kinh tế số.

Theo nghệ nhân Phùng Văn Hoàn: Trước kia khi chưa có sự phát triển của công nghệ, những sản phẩm Btas Tràng làm ra chỉ có thể để ở nhà. Nhưng bây giờ cả một làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không quảng bá, không tiếp cận với những kênh thông tin điện tử để đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi. Một khi công nghệ đã tràn vào rồi mà chúng ta không tiếp tục nắm bắt nó thì chúng ta tụt hậu.

Về lợi ích cụ thể của TMĐT, anh Trần Dương Quý cho biết thông qua con số cụ thể: Sau 4 năm kinh doanh online, chỉ tính riêng trên kênh Facebook sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã tiếp cận được 8 triệu người tiêu dùng. TMĐT đưa thương hiệu của Bát Tràng đi xa hơn. Rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội Facebook.

Anh Trần Dương Quý cho rằng, phát triển TMĐT là việc bắt buộc phải làm. Thực tế cho thấy, doanh số bán hàng hàng năm của nhiều đơn vị bán hàng truyền thống tụt giảm do cạnh tranh lượng khách hàng với các đơn vị kinh doanh online.

Bên cạnh đó, TMĐT vừa mở rộng thị trường, vừa tăng sức cạnh tranh. Điều này tạo động lực cho người làm nghề không ngừng sáng tạo để khẳng định vị thế nghề và sản phẩm.

“Điểm mấu chốt của TMĐT là gì? Là người bán hàng làm thế nào để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, chất lượng sản phẩm phải đạt như quảng cáo. Khi hai điểm đó xây dựng được, người tiêu dùng sẽ không cần đến Bát Tràng vẫn có thể mua được sản phẩm của Bát Tràng” - anh Trần Dương Quý nhận định.

TMĐT “về làng” không hề phủ nhận việc bảo lưu giá trị cũ của làng nghề, đồng thời cũng là phương thức quan trọng cho việc giao thoa với xu thế chung của thị trường, tạo điều kiện phát triển làng nghề một cách bền vững. Yếu tố tiên quyết là người làm nghề phải có tư duy mới bắt kịp với bối cảnh mới.

Ngọc Mai - Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gom-bat-trang-khoi-sac-nho-len-san-online-119565.html