Gợi ý đáp án đề thi Ngữ Văn tuyển sinh vào lớp 10 tại Hưng Yên năm học 2018 - 2019

Cho đến thời điểm hiện tại các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hưng Yên đã hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Báo Infonet xin giới thiệu Gợi ý đáp án đề thi Ngữ Văn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019:

Được biết, năm học 2018 - 2019, tại Hưng Yên có 9.400 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường Trung học phổ thông công lập; 2.500 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường Trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học hệ ngoài công lập.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 26 trường Trung học phổ thông công lập và 13 trường Trung học phổ thông ngoài công lập, trong đó có 2 trường ngoài công lập nhiều cấp là Trường Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Hồng Đức và Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm - Greenfield. Với chỉ tiêu tuyển sinh được giao năm học 2018 - 2019, các trường công lập có 239 lớp; các trường ngoài công lập có 56 lớp 10.

Đề thi Ngữ Văn tuyển sinh vào lớp 10 tại Hưng Yên năm học 2018 - 2019:

Sau đây là gợi ý đáp án đề thi Ngữ Văn tuyển sinh vào lớp 10 tại Hưng Yên năm học 2018 - 2019:

Câu I:
1) Đoạn trích trên trong tác phẩm “ Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
2) Những từ ngữ xưng hô trong đoạn trích: thiếp, chàng.
3) Chép câu văn có trạng ngữ: Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận.
4) Lời thoại trong đoạn trích trên là nhân vật Vũ Nương.
Việc nhân vật bị nghi oan có liên quan đến hình ảnh ‘ cái bóng” trong tác phẩm.
5) Qua lời bày tỏ với chồng của Vũ Nương ta thấy nhân vật là người luôn thủy chung, trong trắng, trọn tình nghĩa vợ chồng, luôn khát khao hàn gắn hạnh phúc gia đình.
6)
a) Về hình thức:
- Viết đúng đoạn văn diễn dịch.
- Viết đủ số câu theo yêu cầu.
- Diễn đạt rõ ràng, chữ viết sạch sẽ, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán. Gạch chân thành phần đó.
b) Về nội dung:
Thí sinh triển khai được câu chủ đề. Các câu triển khai lí giải: Niềm tin là điều quan trọng với con người trong cuộc sống.
(Thí sinh có thể có nhiều hướng triển khai, miễn hợp lí, đúng đắn.)
Có thể theo hướng sau:
- Trước hết, niềm tin là sự ý thức về năng lực, phẩm chất, giá trị của con người trong cuộc sống; khi con người biết đánh giá được vị trí, vai trò của chính mình trong các mối quan hệ. Niềm tin là một trạng thái tinh thần tồn tại trong ý chí của mỗi người, thường gắn liền với những cảm xúc tích cực, ước mơ, khát vọng về thành tựu tương lai.
- Niềm tin là động lực, là sức mạnh giúp con người vượt qua cuộc sống với những những gian khó, vất vả và chinh phục mọi thành công….
- Hơn nữa khi không may bị vấp ngã trong cuộc sống, niềm tin giúp bạn có thể từng bước khôi phục những gì đẹp đẽ không may đã mất và phấn đấu để trưởng thành hơn…..
- Có niềm tin giúp bạn có ý chí, nghị lực để bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Mất niềm tin, bạn sẽ không còn biết mục đích sống của mình là gì...
Câu II.
* Yêu cầu chung:
1. Về hình thức:
a. Đúng đặc trưng văn nghị luận: Phân tích thơ trữ tình.
b. Bố cục 3 phần hợp lý (Mở bài – Thân bài – Kết bài).
c. Lập luận chặt chẽ, lời văn chuẩn xác, gợi cảm.
2. Về nội dung: Phân tích các yếu tố nghệ thuật làm nổi bật các ý sau:
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, cảm nhận khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
Thân bài: Phân tích làm nổi bật hai ý sau:
a/ Khổ 1: Mùa xuân của thiên nhiên
- Bức tranh thiên nhiên được cảm nhận bằng hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của đất trời.
+ Phác họa bằng những nét đơn sơ: “Dòng sông xanh”, “Bông hoa tím biếc”, “Tiếng chim chiền chiện”.
-> Tạo nên cảnh sắc xuân đẹp rộn rã tràn ngập niềm vui.
+ Khổ thơ có nhạc điệu, âm thanh hòa quyện gợi lên một giai điệu mùa xuân êm ái. Thán từ “ơi” bộc lộ niềm vui ngây ngất khi nghe tiếng chim hót.
+ Hình ảnh : “Từng giọt long lanh rơi” “Tôi đưa tay tôi hứng”
-> Sự tưởng tượng đầy lãng mạn: tiếng chim hót đọng lại thành giọt long lanh rơi xuống. Sự chuyển đổi cảm giác: Âm thanh biến thành vật thể và nhà thơ đưa tay ra hứng thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng -> trạng thái say sưa ngây ngất trước đất trời đang vào xuân.
- Tóm lại khổ thơ thể hiện sự chan hòa của tâm hồn thi nhân với thiên nhiên.
b/ Khổ 2: Mùa xuân đất nước
- Hình ảnh mùa xuân của đất nước được phác họa bằng hai hình ảnh đẹp: Người chiến sỹ bảo vệ đất nước và người lao động xây dựng quê hương.
- Điệp ngữ mùa xuân: Người cầm súng - lộc giắt đầy trên lưng. Người ra đồng - lộc trải dài nương mạ.
Họ mang lộc cho đời. Lộc là chồi non, là sức sống, là tương lai:
+ Lộc của người nông dân, là kết quả lao động, là sức sống mùa xuân đầy hứa hẹn.
+ Lộc của người cầm súng để ngụy trang khi ra trận như mang cả sức xuân vào trận đánh, là kết quả thắng lợi.
- Hai câu thơ khép lại bằng các từ láy: “Hối hả, xôn xao” kết hợp với điệp từ “Tất cả” gợi nhịp sống hối hả, khẩn trương, âm thanh náo nức của cuộc đời, của đất nước.
* Nhận xét về cảm xúc của tác giả về mùa xuân:
+ Ra đời vào tháng 11 năm 1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, bài thơ thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện dâng hiến của tác giả. Để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc là cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước.
+ Thanh Hải cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và cả xúc giác. Nhà thơ nâng niu, trân trọng trước vẻ đẹp của mùa xuân với cảm xúc say sưa, lặng ngắm. Hình ảnh thơ lung linh, đa nghĩa, vừa là thơ, vừa là nhạc, là họa.
+ Bức tranh mùa xuân được phác họa khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh khiến người đọc trân trọng hơn, yêu hơn một tâm hồn nghệ sĩ, một tình yêu quê hương, đất nước.
Kết bài:
- Đánh giá nhận xét về đoạn thơ. Lời thơ giản dị đầy cảm xúc chân thành, sâu lắng, biểu hiện niềm khao khát cuộc sống trước mùa xuân của đất trời, của quê hương đất nước, của con người.
- Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn và tài năng của nhà thơ.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/goi-y-dap-an-de-thi-ngu-van-tuyen-sinh-vao-lop-10-tai-hung-yen-nam-hoc-2018-2019-post264314.info