Gợi ý chính sách khi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế

Ngày 18-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo 'Định hướng chính sách về sửa đổi Luật BHYT', nhằm đánh giá những vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT và đề xuất các nội dung liên quan đến định hướng sửa đổi Luật BHYT.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, sau bốn năm thực hiện Luật BHYT, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật khác, tạo ra những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề: Phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT; tổ chức và quản lý Nhà nước về BHYT… Việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, để BHYT là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.

Góp ý tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị định hướng sửa đổi Luật BHYT.

TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội gợi ý chính sách khi sửa đổi Luật BHYT, đó là nên sửa đổi toàn diện Luật BHYT; tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; cân bằng mức đóng và mức hưởng, kiểm soát quỹ hợp lý.

Ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) kiến nghị, tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi chậm, trốn đóng, bảo đảm công bằng giữa mức đóng và mức hưởng BHYT; quy định phù hợp hơn về chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định chi phí khám,chữa bệnh BHYT; quy định chặt chẽ về điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; thực hiện kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở y tế.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị, sửa đổi Luật BHYT phải bảo đảm nguồn quỹ BHYT đáp ứng yêu cầu KCB; phát huy vai trò y tế cơ sở; cân bằng mức đóng - hưởng, hướng tới việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và BHYT toàn dân bền vững.

Dự kiến, quý I-2019, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ về chương trình sửa đổi Luật BHYT trình Chính phủ.

THANH QUÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37964702-goi-y-chinh-sach-khi-sua-doi-luat-bao-hiem-y-te.html