Gợi ý bài giải kỳ thi Cao đẳng năm 2007

Gợi ý bài giải các môn vừa thi xong ngày 15.7: môn Toán trường CĐ Kỹ thuật Cao thắng, trường CĐ KTKT Công nghiệp 2, trường CĐ Xây dựng số 2, trường CĐ Tài chính Hải quan, trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp I, trường CĐ Kinh tế Đối ngoại (khối A,D), trường CĐ Kinh tế Công nghệ TP.HCM (khối A), trường CĐ Kinh tế TP.HCM (khối A); môn Sử hệ CĐ trường ĐH Sài Gòn (khối C), môn văn trường CĐ Kinh tế Đối ngoại (Khối D); môn Sinh; môn Toán, Văn trường CĐ Nguyễn Tất Thành; môn Lý (khối A).

Môn Toán CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 1: Tương đối khó so với trình độ CĐ

- Đề thi rải tương đối đều chương trình 3 lớp 10, 11, 12; tập trung chủ yếu ở lớp 12 (khoảng 70%). Đề thi tương đối dễ hơn so với đề thi tuyển sinh đại học.

- Đề thi có khả năng phân hóa cao. Thí sinh trung bình khá dễ đạt được điểm 4 ở các câu: I.1; II.1; IV. Thí sinh khá có thể đạt được điểm 6 ở các câu I, II, IV. Thí sinh giỏi có thể đạt được điểm tối đa.

- Ở câu III.1 giả thiết không rõ ràng (không nói a, b là cạnh đối diện với góc nào).

- Rất ít học sinh đạt được điểm 9, 10.

Tóm lại, đề thi tương đối khó so với trình độ cao đẳng.

Môn Toán CĐ Kinh tế Đối ngoại: Phù hợp với yêu cầu tuyển sinh CĐ

- Đề thi rải tương đối đều chương trình 3 lớp 10, 11, 12; tập trung chủ yếu ở lớp 12.

- Đề thi có khả năng phân loại được trình độ của thí sinh. Thí sinh trung bình khá dễ đạt được điểm 5 ở các câu: I.1; II.1; III.1; IV.2; Va.2 hoặc Vb.1. Thí sinh khá có thể đạt được điểm 7. Thí sinh giỏi có thể dễ đạt được điểm tối đa.

- Ở câu II.2 nếu thí sinh không đọc kỹ đề bài sẽ dễ nhầm lẫn với trường hợp có nghiệm trên R.

- Học sinh khá giỏi có thể làm bài dư thời gian.

Tóm lại, đề thi lần này tương đối dễ và phù hợp với yêu cầu kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng chính quy.

Lưu Nam Phát (ĐHSP TP.HCM)

Nhận xét đề thi môn Lịch sử (Khối C) hệ CĐ - Trường ĐH Sài Gòn

Đề thi Lịch sử có cơ cấu phân bố điểm số tương đối hợp lý, bám sát chương trình sách giáo khoa, phù hợp với đối tượng tuyển sinh. Thí sinh chỉ cần thuộc bài là có thể đạt điểm cao.

- Câu 1 về sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam (3đ): thí sinh cần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân làm cho cách mạng Việt Nam trở thành bộ phận của cách mạng thế giới.

- Câu 2 gồm 2 ý: điều kiện lịch sử dẫn đến chủ trương và kế hoạch của Đảng giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm (1975-1976) chủ yếu là do thắng lợi ở mặt trận đường 14 - Phước Long ngày 6/1/1975; phần tóm tắt diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cần nêu đầy đủ 3 chiến dịch Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh.

- Câu 3 (không phân ban) gồm 2 ý: mục tiêu của ASEAN được nêu trong Hội nghị cấp cao ASEAN ở Bali (Inđônêxia) tháng 2/1976 là một tổ chức liên minh chính trị – kinh tế của khu vực ĐNA; quan hệ giữa Việt Nam với ASEAN (1967-1999) phát triển trước và sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (1995) có sự biến chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác, cùng tồn tại hòa bình và phát triển.

- Câu 3 (phân ban thí điểm) về chính sách đối ngoại của Mỹ từ 1945 đến 2000, được nêu khá đầy đủ trong sách giáo khoa.

Đề thi vừa sức, cách ra đề không mới. Thí sinh khá giỏi sẽ khó đạt điểm tối đa nếu không học đầy đủ chương trình, nhưng đối với thí sinh trung bình có thể đạt được số điểm tương đối.

TS. Võ Công Nguyện
(Viện KHXH vùng Nam Bộ)

Môn Sinh: Khó đạt điểm trung bình

- Cách đặt vấn đề rõ ràng không gây nhầm lẫn trong cách dùng từ, kiến thức của đề thi hay, phù hợp với sách giáo khoa.

- Đề trãi rộng trong chương trình, có mức độ đào sâu kiến thức nên thí sinh phải tư duy nhiều so với đề thi ĐH, vì vậy có sự phân hóa học sinh khá, giỏi.

- Đối với thí sinh đã thi ĐH thì đề Cao Đẳng sẽ gây hụt hẫng vì mức độ khó về kiến thức.
- Nếu hoán đổi giữa hai đề : đại học với cao đẳng thì hợp lý hơn.

* Dự đoán : Học sinh đạt điểm 5 sẽ thấp so với đề thi ĐH.

Vũ Thị Mai Hương (GV trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM)

Môn Văn Khối D (Trường CĐ Kinh tế đối ngoại): Đề thi vừa sức học sinh

Đề thi chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, vừa sức thí sinh. Đề thi quen thuộc khiến thí sinh không phải ngỡ ngàng. Câu I, mang tính chất học thuộc lòng, học sinh chỉ cần thuộc bài và không cần suy luận. Thí sinh có khả năng sa đà vào bình giảng ở câu II thay vì phân tích. Cũng như ở câu III.a, thí sinh có thể lạc đề bằng cách đi sâu vào suốt quá trình diễn biến của nhân vật Mị thay vì chỉ là tâm trạng trong đêm cởi trói.

Nói chung, thí sinh có sức học trung bình, nắm chắc đề thì làm được.Với đề thi này số học sinh đạt điểm trên trung bình sẽ có tỉ lệ cao hơn năm trước.

Trần Hồng Đương

Môn Lý: Vẫn còn một vài điều cần phải bàn thêm

Do đặc điểm của đề thi trắc nghiệm nên các câu hỏi trong đề thi này đã phủ kín toàn bộ chương trình Vật lý 12. Với 1/3 số câu hỏi thuộc dạng tính toán, trong đó các phép tính không quá phức tạp, nên so với đề thi tuyển sinh Đại học thì đề thi này là phù hợp với yêu cầu tuyển sinh hệ CĐ.

Riêng câu hỏi 23 (Mã đề 239) khi đề cập về sự bảo toàn trong phản ứng hạt nhân, có thể gây bối rối cho học sinh khi chọn câu trả lời B hoặc D (Theo ý kiến riêng của chúng tôi thì nếu học sinh chọn câu trả lời D, vẫn là chọn lựa đúng, bởi lẽ sự bảo toàn điện tích trong phản ứng hạt nhân cũng bao hàm sự bảo toàn số prôton). Câu 28 (Mã đề 239) hỏi về tần số cộng hưởng điện của mạch RLC là câu hỏi hay. Câu này chỉ có học sinh khá, giỏi mới làm nhanh chóng.

Tuy nhiên đáp án đúng (100 rad/s) lại quá quen thuộc nên học sinh trung bình vẫn có thể “đoán mò”. Như vậy cái hay của câu hỏi cũng chưa triệt để!

Cũng cần lưu ý thêm rằng các đáp án không được viết theo đúng quy tắc khoa học dễ bị loại trừ, chẳng hạn câu 22 (Mã đề 239), đáp án ghi : A. 70,00.10-19 J; B. 1,70. 10-19 J (đáp án đúng); C. 17,00. 10-19 J ; D. 0,70.10-19 J. Học sinh tinh ý có thể đoán đúng đáp án. Câu 32 (Mã đề 239) hỏi về sóng điện từ là câu đã có trong kì thi TSĐH trước đó không lâu. Câu 56 và câu 59 (Mã đề 239) - thuộc chương trình phân ban - câu dẫn, giá như được kết hợp với hình vẽ minh họa, sẽ làm cho câu hỏi trở nên rõ ràng hơn.

Nhìn chung mức độ đề thi là vừa sức với học sinh, đa số các câu hỏi đều quen thuộc với học sinh, số câu hỏi thuộc dạng suy luận còn ít, do đó khả năng phân loại học sinh khá và giỏi không cao.

Nguyễn Đức Hiệp (GV THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa,TP .HCM)

Ban Giáo dục - TNO

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/goi-y-bai-giai-ky-thi-cao-dang-nam-2007-189239.html