Gọi xe thất thủ, giao đồ ăn lên ngôi trong dịch Covid-19

Các ông lớn trong lĩnh vực gọi xe đang chứng kiến sự chuyển biến trái chiều với hai phân khúc dịch vụ chính: gọi xe chật vật bám trụ trong khi giao đồ ăn thắng đậm.

Lệnh hạn chế di chuyển để chống dịch Covid-19 của các chính phủ là cú đòn nặng giáng vào nhiều công ty dịch vụ gọi xe. Theo Straits Times, tại thị trường Singapore, Grab cắt giảm 20% lương của các quản lý cao cấp và khuyến khích nhân viên nghỉ không lương vì ảnh hưởng của đại dịch.

Ông Andrew Chan, người đứng đầu mảng vận chuyển của Grab nói hôm 29/4: "Chúng tôi có thể không còn khả năng hỗ trợ tài chính cho các tài xế nếu chính phủ Singapore kéo dài lệnh giãn cách đến sau ngày 1/6".

Mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long quyết định nới rộng lệnh giãn cách tại đảo quốc sư tử đến ngày 1/6. Lệnh giãn cách được đưa ra vào đầu tháng tư, vốn dĩ kết thúc vào ngày 4/5.

 Mảng gọi xe của Grab bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Mảng gọi xe của Grab bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Ảnh: AFP.

Thu nhập giảm 70%

Thống kê của Statqo Analytics cho thấy vì lệnh hạn chế đi lại, nhu cầu gọi xe Grab tại thị trường Indonesia giảm 24% trong tuần 20 đến 26/3 so với tuần 22 đến 28/2. Con số của Gojek cũng giảm 11% trong cùng giai đoạn này.

Theo Nikkei Asian Review, hai đại gia dịch gọi xe Đông Nam Á là Grab và Gojek đã chi hàng triệu USD để hỗ trợ các tài xế do nhu cầu gọi xe giảm mạnh trong dịch Covid-19, đẩy cuộc sống của người lao động vào cảnh vô cùng khó khăn. Amir - một tài xế Gojek tại Indonesia - cho biết số tiền anh kiếm được hàng ngày hiện tại chỉ bằng 1/3 so với trước đại dịch, tức khoảng 30.000 rupiah (1,9 USD/ngày).

Ở thị trường Đông Nam Á, Grab phải chi hơn 40 triệu USD để hỗ trợ nhóm tài xế nhiễm Covid-19 hoặc bị buộc cách ly, cùng như giảm 30% phí thuê xe cho đối tác tại Singapore.

Cũng theo Asian Nikkei Review, Gojek trong tháng 3/2020 thành lập quỹ hỗ trợ trị giá 6,38 triệu USD để trợ cấp cho tài xế trong lĩnh vực sức khỏe và vật tư. Công ty còn tặng miễn phí 1 triệu phiếu ăn (trị giá 5000 rupiah/phiếu) để tài xế dùng cơm tại các nhà hàng.

Tài xế Gojek chỉ kiếm được 1/3 thu nhập so với thời trước đại dịch. Ảnh: Unsplash.

CEO Gojek Andre Soelistyo cho biết dịch bệnh khiến công ty khó gọi vốn hơn. Các nhà đầu tư trở nên thận trọng với các quyết định đầu tư mạo hiểm. Năm ngoái, Grab huy động được 2,1 tỷ USD tài trợ từ Tập đoàn Nhật Bản SoftBank, trong khi Gojek thu hút 1,6 tỷ USD từ Alphabet, công ty mẹ của Google.

Trái ngược với sự chật vật của mảng gọi xe, mảng giao hàng - đặc biệt là giao thức ăn - chứng kiến nhu cầu tăng vọt tại Đông Nam Á. TheoThe Asian Post, một số dịch vụ giao hàng tại Malaysia báo cáo doanh thu tăng trưởng hơn 30% kể từ khi lệnh cấm di chuyển được ban hành từ ngày 18/3.

Theo ước tính của UBS, thị trường giao thực phẩm trực tuyến toàn cầu có quy mô hơn 35 tỷ USD năm nay và được dự báo có thể đạt 365 tỷ USD vào năm 2030.

Sống nhờ giao đồ ăn

Báo cáo của Google và Singapore Temasek cho biết thị trường giao thực phẩm Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng từ 2 tỷ USD (2018) lên 8 tỷ USD (2025). Các công ty lớn như Gojek và Grab đang kiểm soát thị trường này, bên cạnh những cái tên truyền thống như Deliveroo và FoodPanda.

Grab ghi nhận đơn đặt hàng GrabFood tăng 20% khi dịch bắt đầu tại Singapore và tăng thêm 20% nữa khi chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Dịch vụ giao thức ăn của Gojek đóng góp 2,5 tỷ USD doanh thu hàng năm chỉ riêng tại thị trường Indonesia. Giao thực phẩm cũng là dịch vụ có thị phần lớn hơn gọi xe của Gojek.

Theo CNA, số nhân viên giao hàng của Deliveroo - công ty giao thực phẩm trực tuyến tại Singapore - tăng thêm 80% trong tháng 4, tương đương hơn 1.000 tài xế mới. Đại diện công ty dự kiến thuê thêm 2.000 tài xế vào cuối quý II để đáp ứng nhu cầu giao thực phẩm ngày càng tăng.

Nhân viên giao hàng Grab tại Bangkok. Ảnh: AFP.

Foodpanda cũng ghi nhận nhu cầu tăng tương tự và sở hữu 8.000 tài xế hoạt động thường xuyên.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ giao thức ăn đã bùng nổ tại thị trường Đông Nam Á ngay trước cả khi đại dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) rồi lan rộng trên toàn cầu.

Theo khảo sát của các công ty này, nhân viên văn phòng và người quá bận rộn để nấu nướng là những đối tượng sử dụng dịch vụ thường xuyên nhất bởi tiện ích và chi phí phù hợp.

Tuy nhiên, một bất lợi với các nhà cung cấp dịch vụ tại Đông Nam Á là sự phân cực giá cả rộng. Chi phí giao đồ ăn online ở Singapore có thể cao hơn từ 5-10 lần so với các nước như Indonesia và Việt Nam, nơi chi phí rơi vào khoảng 2 USD.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goi-xe-that-thu-giao-do-an-len-ngoi-trong-dich-covid-19-post1083702.html