Gọi vốn cho cao tốc Bắc – Nam: Không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Hội nghị có sự tham dự của 150 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có 50 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đến từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Singapore…

Gọi vốn cho 8 dự án thành phần

Theo Bộ Giao thông vận tải, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ đầu tư xây dựng 654km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố; gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BOT.

Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn: Sơ tuyển quốc tế và giai đoạn đấu thầu. Đến nay, hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế của toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP đã được phát hành rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư của toàn bộ 11 dự án và đang gấp rút triển khai công tác thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, thể hiện tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành Trung ương, địa phương có tuyến đi qua.

Bên cạnh việc công khai, minh bạch toàn bộ thông tin liên quan tới dự án, tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều được bảo đảm quyền bình đẳng theo quy định pháp luật Việt Nam và có thể đăng ký tham gia đầu tư dự án nếu có đủ năng lực và kinh nghiệm. Đối với công tác sơ tuyển, đấu thầu nhà đầu tư sẽ được bên mời thầu thực hiện theo đúng luật định trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, cạnh tranh.

Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công. Ảnh: Internet.

Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công. Ảnh: Internet.

Chính phủ cam kết gì?

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, rút kinh nghiệm từ các dự án trước đó, Chính phủ cam kết sẽ bố trí vốn thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời bố trí vốn góp của Nhà nước để để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án.

Cho biết rõ hơn về cơ chế ưu đãi và bảo đảm đầu tư cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, theo Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế hu nhập doanh nghiệp theo quuy định của pháp luật về ghuế thu nhập doanh nghiệp. Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũng được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời nhà đầu tư cũng được bảo đảm quyền sở hữu tài sản trong thời gian dự án và các ưu đãi, bảo đảm khác theo quy định của pháp luật.

Cho biết rõ hơn về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP), việc đầu tư cao tốc Bắc Nam được rút kinh nghiệm từ các dự án BOT thời gian qua. Theo đó, các địa phương phải đảm bảo giao mặt bằng sạch nên nhà đầu tư nên có thể yên tâm. Ngoài ra, mức phí cao tốc cũng được đảm bảo trong khung phí và không thay đổi trong nhiều năm.

8 dự án thành phần kêu gọi đầu tư PPP gồm:

Nghi Sơn – Diễn Châu, dài 50km, tổng mức đầu tư là 8.381 tỷ đồng (trong đó vốn tư nhân là 5.831 tỷ đồng, vốn nhà nước là 2.550 tỷ đồng); Mai Sơn – Quốc lộ 45, dài 63 km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng (vốn tư nhân là 9.745 tỷ đồng, vốn nhà nước là 3.169 tỷ đồng); Diễn Châu – Bãi Vọt, dài 49km, tổng vốn đầu tư hơn 13.338 tỷ đồng (vốn tư nhân là 5.261 tỷ đồng, vốn nhà nước là 8.077 tỷ đồng); Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, dài 43km, tổng vốn đầu tư hơn 6.333 tỷ đồng (vốn tư nhân là 4.330 tỷ đồng, vốn nhà nước là 2.003 tỷ đồng);

Nha Trang – Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng (vốn tư nhân là 2.557 tỷ đồng, vốn nhà nước là 5.058 tỷ đồng); Phan Thiết – Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng (vốn tư nhân là 11.879 tỷ đồng, vốn nhà nước là 2.480 tỷ đồng); Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng (vốn tư nhân là 4.376 tỷ đồng, vốn nhà nước là 9.311 tỷ đồng); Vĩnh Hảo – Phan Thiết, dài 101km, tổng vốn đầu tư hơn 11.603 tỷ đồng (vốn tư nhân là 7.719 tỷ đồng, vốn nhà nước là 3.884 tỷ đồng).

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/goi-von-cho-cao-toc-bac-nam-khong-phan-biet-nha-dau-tu-trong-va-ngoai-nuoc-104980.html