Gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, Mỹ làm được gì?

Việc chính thức xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ có thể giúp chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm một số công cụ chưa được sử dụng trong hai năm đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Đây là lần đầu tiên Washington chính thức gọi Bắc Kinh là nước "thao túng tiền tệ" kể từ năm 1994.

Theo một đạo luật tiền tệ Mỹ năm 1988, mục đích của bước đi trên là buộc Washington tiến hành thương thảo với các nước bị xem là vi phạm về chính sách tỉ giá hối đoái của họ.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán thương mại trong hơn 2 năm, trong đó có các vấn đề tiền tệ nhưng không đạt kết quả nào.

Theo một số chuyên gia, rất khó dự báo về tác động của động thái mới nhất của Mỹ đối với tiến trình đàm phán với Trung Quốc hiện nay. Điều dễ thấy hơn là căng thẳng thương mại và tiền tệ giữa hai bên chỉ có tăng chứ không giảm.

Mỹ vừa chính thức xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters

Mỹ vừa chính thức xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters

Ông Mark Sobel, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, không đánh giá cao hành động mới nhất của Mỹ, trong lúc chỉ ra rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang đánh giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được định giá hợp lý.

Nếu một quốc gia bị cho là thao túng tiền tệ để mang lại lợi thế thương mại, Bộ Tài chính Mỹ phải đàm phán với nước đó hoặc làm việc thông qua IMF để điều chỉnh. Mục tiêu là loại bỏ bất kỳ lợi thế không công bằng nào do việc định giá thấp tiền tệ mang lại.

Nếu không có giải pháp nào đạt được, Tổng thống Mỹ có thể áp đặt những biện pháp trừng phạt như cấm Cơ quan đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) tài trợ, đầu tư cho các dự án tại quốc gia bị cáo buộc hoặc không cho nước này tham gia các hợp đồng thu mua của chính phủ Mỹ.

Vấn đề là Trung Quốc không phải là nước nhận nhiều tiền tài trợ, đầu tư từ OPIC hoặc các hợp của Washington. Không những thế, OPIC hiện còn được cấp thêm 60 tỉ USD để cạnh tranh tốt hơn với sáng kiến phát triển hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump hứa sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm sau đó, Bộ Tài chính Mỹ không làm thế trong các báo cáo tiền tệ được công bố nửa năm một lần.

Bộ Tài chính Mỹ hồi năm 1988 gọi Đài Loan và Hàn Quốc thao túng tiền tệ trước khi có bước đi tương tự với Trung Quốc năm 1994.

Một báo cáo của quốc hội Mỹ ghi nhận cả 3 nền kinh tế này đều có những cải cách đáng kể về chính sách hối đoái sau khi thương thảo với Washington nên không còn bị gán mác thao túng tiền tệ.

P.Võ (Theo Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/goi-trung-quoc-la-nuoc-thao-tung-tien-te-my-lam-duoc-gi-20190806095620492.htm