'Gói trọn' Đông - Tây trong nghệ thuật tranh kính

Từ chủ đề về tâm linh đến những đề tài tượng trưng cho nét đẹp dân gian, tất cả được thể hiện sinh động và có hồn trên chất liệu kính. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những tấm kính thông thường kết hợp cùng các mảng khối, sắc màu đã tạo thành bức tranh nghệ thuật độc đáo.

Nghệ thuật độc đáo

Tranh kính nghệ thuật vốn có nguồn gốc và lịch sử ra đời cách đây hàng trăm năm ở các nước châu Âu, với mục đích ban đầu là trang trí trong các nhà thờ. Những năm gần đây, dòng tranh này đã du nhập vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, và người tiên phong trong nghề này là nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (Sơn Tây, Hà Nội) hay còn được biết đến là "Vinh Coba".

Tuy nhiên, khác với lối sáng tác ở phương Tây, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh hướng tới những ứng dụng của kính trong các công trình dân dụng. Ông tự nghiên cứu, mày mò, sáng chế ra sản phẩm tranh kính điêu khắc.

Tranh kính điêu khắc là một tấm kính nguyên, đa dạng mẫu mã và ứng dụng, có độ bền cao gấp 10 lần kính thường - nghệ nhân Phạm Hồng Vinh - cho biết. Đặc biệt, dòng tranh kính điêu khắc Việt Nam tạo dấu ấn bởi những hình ảnh mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Các nét văn hóa dân gian như: Rồng nhà Lý, đình, chùa, miếu mạo, quan họ, hát xẩm… các yếu tố của thế giới tâm linh, của đời thực đều được thể hiện sống động trên kính một cách tinh xảo, lộng lẫy, sang trọng nhưng thấm đẫm bản sắc dân tộc. Nhìn vào tranh kính điêu khắc thấy rõ sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố: Nghệ thuật thủ công và công nghiệp hiện đại.

Theo nghệ nhân, để làm một bức tranh kính không hề đơn giản, phải trải qua tám bước, từ thiết kế, tạo hình, vẽ tranh cho đến khi tôi kính trong lò nung, mỗi công đoạn tác động lên mặt kính lại khiến bức tranh có hồn hơn. Khi tạo hình, người làm phải tuân thủ những quy luật nhất định để đảm bảo tính sinh động của tác phẩm, như luật xa gần, sáng tối, điểm nghỉ của bức tranh… Công đoạn cuối cùng trong quá trình tạo nên tác phẩm – sơn hấp nhiệt qua nhiệt độ 7000C trong lò nung - là giai đoạn quan trọng và phức tạp nhất, quyết định sự thành bại của bức tranh kính nghệ thuật. Ở giai đoạn này, người thợ sơn phải am hiểu về mỹ thuật và phải làm việc bằng tư duy ngược; phải nhớ toàn bộ bố cục bức tranh đến từng chi tiết nhỏ, chỉ cần sơ ý có thể phải làm lại từ đầu.

Và ước vọng vươn xa

 Nghệ nhân Phạm Hhồng Vinh và tác phẩm tranh kính điêu khắc

Nghệ nhân Phạm Hhồng Vinh và tác phẩm tranh kính điêu khắc

Trước xu hướng xây dựng dân dụng phát triển mạnh, tranh kính điêu khắc không chỉ có tính nghệ thuật thuần túy mà còn mang tính ứng dụng cao, bởi vừa để trang trí nội thất, ngoại thất, vừa đưa vào ứng dụng phục vụ sinh hoạt đời thường như bàn, ghế, giường, tủ, vách cửa, trần, sàn, mái hoặc các tiểu cảnh.

Nắm bắt được xu hướng này, thương hiệu tranh kính Vinh Coba đã có mặt tại nhiều công trình văn hóa trên cả nước. Những tác phẩm văn hóa phương Đông thể hiện trên kính đang rất được ưa chuộng như tranh Tứ Bình, tranh Thủy Mặc… hay những tác phẩm văn hóa dân gian truyền thống như Tranh Đông Hồ, Trống Đồng Đông Sơn, Trống Đồng Ngọc Lũ… Tranh kính Việt Nam đã và đang trở thành một sản phẩm độc đáo và tinh xảo, có vị thế nhất định đối với thị trường.

"Giờ đây, khi đã có thương hiệu trong nước, tôi lại khao khát được khẳng định thương hiệu tranh kính của người Việt. Làm thế nào để khi nhắc đến tranh kính, bạn bè trong và ngoài nước sẽ nghĩ ngay đến Việt Nam" – Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chia sẻ.

Vì lẽ đó, mà tuy đã ngoài 50 tuổi nhưng nghệ nhân Phạm Hồng Vinh vẫn ngày, đêm say mê nghiên cứu nghệ thuật, không ngừng sáng tạo, mong mỏi đưa những tác phẩm mới đến người yêu nghệ thuật. Thông điệp ông muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình là: Thời đại sẽ đổi thay nhưng giá trị văn hóa luôn được trân trọng.

Theo quan niệm của nghệ nhân, tranh kính không chỉ đơn giản là một nét chấm phá, tạo điểm nhấn cho không gian sinh hoạt hay công trình kiến trúc mà còn đại diện cho sự sáng tạo, tài hoa của nghệ nhân Việt Nam, đồng thời là nơi tái hiện và lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Nguyễn Mai - Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/goi-tron-dong-tay-trong-nghe-thuat-tranh-kinh-130829.html