Gọi tên quá khứ bằng lòng biết ơn...

Hội báo Toàn quốc 2018 đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đó. Một trong những điều 'sống mãi' trong lòng người tham dự chính là những chương trình mang giá trị nhân văn sâu sắc, lan tỏa ý nghĩa tri ân, sự biết ơn của thế hệ nhà báo hôm nay tới những người đi trước - có người còn, người mất... Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của chặng đường 68 năm qua của Hội Nhà báo Việt Nam đã gìn giữ và vun đắp.

1. Có một tháng 3 đầy ân tình trong chương trình “Lễ hiến tặng hiện vật bảo tàng báo chí Việt Nam - Gặp gỡ một số nhà báo tuổi 90” do Bảo tàng báo chí Việt Nam tổ chức. Cuộc gặp gỡ ấy không dài nhưng lại rất khó quên đối với những người tham dự. Bởi đó không dừng lại chỉ là một cuộc gặp gỡ, một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc mà đúng hơn đó là một buổi “mừng thọ” giá trị dành cho các nhà báo cao tuổi, là những tấm gương đặc biệt về nghề báo, và nay tiếp tục là những cộng tác viên đặc biệt của Bảo tàng. Họ đến với chương trình ấy bằng những rưng rưng xúc động, bằng những câu chuyện của quá khứ, một thời làm báo với nhiệt huyết, đam mê cháy bỏng. Tôi không sao quên được cái cảm xúc lắng đọng của buổi gặp gỡ hôm đó, không gian như bé lại, thời gian cũng như chậm lại...

Lấp lánh niềm hạnh phúc trong đôi mắt của họ, trên mái đầu đã bạc, trong những giọng nói nghẹn ngào. Như nhà báo Minh Nguyên, người đến trong vai trò là công chúng, thú thực rằng, trong đời đã có nhiều cuộc gặp mặt, hội họp nghề nghiệp, nhưng chưa có cuộc nào khiến nhà báo xúc động, suy nghĩ mãi sau khi chia tay, ra về như buổi gặp gỡ này. Lý do đơn giản là vì các cụ đã già yếu, có cụ phải chống gậy, có cụ cần dìu đỡ nhưng tình yêu với nghề thì không hề vơi cạn. Nhà báo đã nhấn mạnh: “Giờ ai trong họ sức lực, theo luật của tự nhiên, cũng đã yếu, đã mòn, như không thể mòn hao hơn được nữa. Phải bảo trọng. Vậy mà, kỳ lạ sao, nghe tâm sự nghề nghiệp của các cụ không ai nghĩ đó là chia sẻ của những cây bút đã 90, 95: Vẫn cháy lên tình yêu nghề báo, khát vọng sáng tạo, yêu đời, yêu người! Vẫn muốn gửi thông điệp nghề nghiệp tới thế hệ trẻ! Chúng ta còn muốn gì hơn ở các cụ?

Gặp gỡ một số nhà báo tuổi 90 đã mang một giá trị nhân văn sâu sắc, vừa là một cách để tri ân, vừa là cách để giáo dục thế hệ trẻ.

Gặp gỡ một số nhà báo tuổi 90 đã mang một giá trị nhân văn sâu sắc, vừa là một cách để tri ân, vừa là cách để giáo dục thế hệ trẻ.

Cuộc gặp gỡ “Nhà báo tuổi 90” là một sáng kiến hay, thể hiện cái tâm, rất ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những người đến dự. Đó là nỗ lực của nhà thơ Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng báo chí cùng đội ngũ. Và họ đã thành công!”.

Quả thực từ ý tưởng đến việc thực hiện, chương trình ấy đã mang một giá trị nhân văn sâu sắc, vừa là một cách để tri ân, vừa là cách để giáo dục thế hệ trẻ. Để biết và trân trọng hơn một nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, sau 70 năm cầm bút có một đúc kết về nghề gồm 8 chữ: "Đọc - đi - nghĩ - viết; Đúng - trúng - nhanh- hay" với một kho tàng nghề nghiệp đáng quý. Để hiểu hơn về nhà báo Hà Đăng, người đã có mặt 5 năm liền tại Hội nghị Pari để viết văn đàm phán và viết báo cũng đầy tâm huyết khi nói về công việc của người cầm bút “người làm báo phải luyện đủ đức, tài”. Và để biết đến một nhà báo lão thành Thái Duy – người cầm bút suốt đời chỉ thích làm phóng viên, với đúc kết về nghề báo đầy tính chiến đấu: “Báo chí phải là vũ khí của dân”...

2. Có một tháng 3 đầy ấm áp với buổi tọa đàm “Nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam” do Ban Nghiệp vụ tổ chức, để tưởng nhớ về một nhà báo tài năng, đức độ trong làng báo Việt Nam, một cây bút chính luận mẫu mực mà mỗi bài viết của ông đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Điều đáng quý trong buổi tọa đàm hôm ấy chính là tình cảm của người còn sống dành cho người đã khuất. Với gia đình nhà báo Trần Công Mân, chương trình có ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn, như bà Hồ Thị Xuân Mùi – vợ nhà báo tâm sự: “Điều này để thấy được tình cảm, nghĩa tình của các nhà báo đồng nghiệp đối với ông, đối với cả gia đình chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn”. Sự nguyên vẹn trong lòng người hôm nay để thấy tình đời thật đáng quý.

Với các thế hệ làm báo Quân đội Nhân dân, Thiếu tướng Trần Công Mân không chỉ là một lãnh đạo, một Tổng biên tập, ông còn là một người thầy, người anh, người bạn rất nguyên tắc nhưng cũng rất tình người. Họ đã dành cho Tổng Biên tập một thời của mình sự trân trọng và biết ơn mà trong khuôn khổ của một chương trình có lẽ vẫn còn chưa đủ. Ở đó còn là sự xúc động của người con nhà báo trước tấm gương người cha dù đã khuất núi mà sự sống dường như vẫn còn đâu đó. Chị Trần Thị Liên, con gái thứ hai của nhà báo Trần Công Mân bày tỏ: Một lần nữa, mẹ tôi ngồi đọc lại những cuốn hồi ký, những cuốn sách viết về cuộc đời của hai ông bà; bà mân mê, cầm lên, đặt xuống từng kỷ vật nhỏ của ông. Đó chính là động lực để mẹ tôi sống lạc quan đến nay...

Gia đình nhà báo Trần Công Mân đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân về việc tổ chức Tọa đàm đầy ý nghĩa này.

Bên cạnh đó, cũng có một tháng 3 đong đầy sự biết ơn với những món quà dù không lớn nhưng lại ăm áp tình người trong buổi giao lưu “Gặp gỡ các nữ Tổng biên tập và trao quà cho thân nhân gia đình nữ nhà báo - liệt sỹ” do Ban Công tác Hội tổ chức. Mang ý nghĩa như một lời tri ân sâu sắc của những nữ nhà báo hôm nay gửi đến các nữ nhà báo - liệt sỹ với niềm tự hào, lòng biết ơn. Với những người làm báo hôm nay, những nhà báo – liệt sỹ đã trở thành những tấm gương sáng để thế hệ hôm nay phấn đấu và tiếp bước. Trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã có gần 600 nhà báo - liệt sỹ ngã xuống ở các chiến trường, trong đó có khoảng 66 nhà báo nữ - liệt sỹ. Các nữ nhà báo liệt sỹ đã hy sinh cuộc đời mình để có những thông tin, những hình ảnh quý giá từ chiến trường đến với bạn đọc. Tấm lòng của thế hệ hôm nay dành cho họ là cách để “nối dài” sự cống hiến ấy, để tình người còn đọng mãi trong cuộc sống thời bình.

3. Cả ba chương trình này đều là lần đầu tiên được tổ chức trong Hội báo Toàn quốc 2018 và đều được đánh giá rất cao từ giới báo chí và công chúng báo chí. Theo Ban tổ chức, những chương trình này sẽ là sự mở đầu cho nhiều chương trình tiếp sau nữa mang giá trị tri ân, trở thành một truyền thống tốt đẹp mà thế hệ làm báo hôm nay vun đắp. Có thể, với những người trẻ, câu chuyện quá khứ luôn mang vóc dáng của “rêu phong”, của sự phai mờ theo thời gian nhưng những chương trình này đã giúp chúng ta nhìn lại, tưởng nhớ và biết ơn. Để quá khứ mãi sáng trong, để những giá trị hun đúc bằng mồ hôi, bằng lao động đích thực mãi bền vững... là cách mà Hội Nhà báo Việt Nam – “mái nhà chung” của giới báo chí cả nước mong muốn lan tỏa.

Và trong khi có những nỗi buồn nghề nghiệp khiến biết bao ngòi bút trĩu nặng, khi những dòng tin sôi nổi đôi lúc bị chùng xuống bởi những lo toan đời thường... thì những chương trình này là cách để chúng ta lắng lại với nghề, để thêm tự hào, thêm động lực giữ “bút sắc, lòng trong”. Sẽ là không đủ trong những dòng ngắn ngủi khi nhắc đến những con người mang dáng dấp của một thời, được ngợi ca, được tôn vinh trong các chương trình của Hội Nhà báo Việt Nam nhưng sự trân quý này sẽ được những người thực hiện “thắp lửa” cho thế hệ nhà báo hôm nay. Gọi tên quá khứ bằng lòng biết ơn, bằng giá trị tinh thần vô giá, giàu tính nhân văn và tính giáo dục không gì hay hơn là những cách làm thiết thực, gần gũi như thế.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/goi-ten-qua-khu-bang-long-biet-on-35333