Gỏi sứa Minh Châu

Sứa biển, trong tưởng tượng của nhiều người là loài vô dụng, có thể gây hại, thế nhưng người vùng biển đã khéo léo chế biến thành món ăn hấp dẫn, nhất là gỏi sứa.

Gỏi sứa lấy từ chân và mũ sứa, khi ăn chấm với mắm và các loại rau, gia vị.

Gỏi sứa lấy từ chân và mũ sứa, khi ăn chấm với mắm và các loại rau, gia vị.

Tới Minh Châu dịp tháng 3, chúng tôi được thưởng thức món ăn ngon khó quên này. Có lẽ đây cũng là món lạ miệng mà ít nơi chế biến theo cách này.

Anh Nguyễn Văn Linh (thôn Nam Hải, xã Minh Châu) ngư dân địa phương có nhiều năm đi biển kể: Sứa biển vốn là loài thủy sinh, thân hình tán như chiếc ô, có nhiều tua, trong suốt, chứa nhiều nước, chúng sống trôi nổi trên biển. Trước đây rất ít người vớt sứa về ăn nhưng nay thì khác. Mùa sứa biển về, người dân đi vớt rất đông. Sứa trở thành "vàng trắng" - quà từ biển. Nếu không vớt, hết mùa sứa cũng chết, tan ra trong nước biển.

Ở Minh Châu, sứa nhiều, ngon nhất là vào giữa vụ, dịp tháng 3-4 dương lịch. Vào những ngày trời ấm, lặng gió là lúc sứa nổi rất nhiều, ngư dân chọn con nước đi vớt. Sứa có thể chế biến nhiều món nhưng lạ miệng và thú vị nhất có lẽ là món gỏi sứa theo cách của người dân biển.

Phần chân sứa và mũ sứa giòn, ngon được sử dụng làm gỏi sứa rất hợp.

Để chế biến món này, sứa khi bắt về vẫn còn mùi tanh, nhiều nước, cát nên quan trọng là làm sạch sứa. Cách truyền thống người dân Minh Châu hay làm là ngâm sứa với nước chè đặc hoặc lá ổi đun kỹ cùng các gia vị khác cho hết nhớt, ép cho hết nước mặn, vị nồng. Thế nhưng cách này rất tốn công, mất thời gian. Gần đây người dân áp dụng kỹ thuật mới bằng cách quay li tâm, ngâm sứa với muối từ 3-4 ngày.

"Sau khi làm sạch, sứa được mang đi ngâm cho nhạt bớt, trần bằng nước ấm, vớt để cho ráo nước rồi thái nhỏ. Sau đó tiếp tục ngâm sứa trong nước với vài củ gừng đập dập, chút rượu trắng cho tới khi miếng sứa hơi se lại. Việc này sẽ loại bỏ nốt vị tanh, đồng thời làm trắng, giòn miếng sứa. Lúc này sứa có thể ăn gỏi, gói với đa nem và các loại rau, gia vị mang vị chua, cay, chát như: Ớt, dứa, rau thơm, chuối xanh, đặc biệt không thể thiếu lá mui biển. Nước chấm có thể là mắm cá nguyên chất, mắm pha hoặc xì dầu mù tạt tùy khẩu vị mỗi người" - anh Linh chia sẻ.

Để có món gỏi sứa ngon cần sơ chế sứa thật kỹ.

Thật thú vị khi thưởng thức gỏi sứa giòn sần sật với mùi thơm của lá mui biển, vị chát của chuối, cay của ớt hòa làm một tan trong miệng. Cái ngon của món gỏi sứa là vừa có cảm giác mát, vừa có độ tươi, giòn. Gỏi sứa ăn nhiều không có cảm giác ngán, trái lại càng ăn càng thích.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202004/goi-sua-minh-chau-2478680/