Gợi mở cho huyện Ứng Hòa nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng Đoàn công tác của Bộ đã thăm mô hình sản xuất lúa và làm việc với UBND huyện Ứng Hòa về tình hình phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Ứng Hòa, Đoàn công tác đã thăm mô hình trồng lúa liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh Đoàn Kết (xã Phương Tú) với các hợp tác xã nông nghiệp các xã: Quảng Phú Cầu, Liên Bạt.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn, những năm qua, huyện đã quyết liệt chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện bình quân tăng 5-6%/năm.

Trong trồng trọt, huyện đã hình thành vùng lúa, cây ăn quả hàng hóa tập trung, tỷ lệ lúa chất lượng cao hàng năm đạt từ 60-70%, chủ lực là giống lúa J02. Huyện có các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt với diện tích hơn 30.000m², áp dụng công nghệ tưới tự động, nhỏ giọt, trồng các loại rau, quả có giá trị cao như dưa vàng, dưa lưới... cung cấp cho thị trường Hà Nội. Trong nuôi trồng thủy sản, giai đoạn 2010-2020 đã chuyển đổi hơn 4.000 ha diện tích lúa trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ao nổi, lúa cá...

Trong phát triển kinh tế hợp tác, huyện đã hình thành các liên kết chuỗi, như: Chuỗi gạo J02, bưởi Diễn. Hiện nay UBND huyện tiếp tục triển khai xây dựng chuỗi thủy sản ở xã Trầm Lộng, chuỗi cá rô đầu vuông ở xã Đội Bình, chuỗi rau củ quả và lợn sạch Ứng Hòa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình liên kết trồng lúa ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).

Bên cạnh kết quả đã đạt được, nông nghiệp Ứng Hòa còn một số hạn chế, đó là: Sản xuất tập trung vào các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Một số sản phẩm là đặc sản nổi tiếng của địa phương, như: Vịt cỏ Vân Đình có nguy cơ mai một... Tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu là kinh tế hộ; hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy được vai trò hỗ trợ kinh tế hộ phát triển.

Tại buổi làm việc, huyện Ứng Hòa kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành trung ương có giải pháp giảm ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, Đáy để phục vụ sản xuất nông nghiệp; kiến nghị Chính phủ sửa đổi thời hạn cho thầu đối với quỹ đất công ích theo hướng nâng thời gian đấu thầu lên 30 đến 50 năm.

Đánh giá cao những chủ trương, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã giới thiệu, gợi mở cho huyện Ứng Hòa một số mô hình sản xuất lúa gạo tại Nhật Bản và Đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình sản xuất này ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu, giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình khác, như: Nuôi vịt không để lấy thịt, lấy trứng mà để vịt "mát xa" cho khách du lịch, mô hình thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, làm mới bao bì sản phẩm...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm của nông dân trong sản xuất nông sản sạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng để nông sản bán được giá cao; đồng thời, yêu cầu địa phương cần nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã không chỉ tổ chức sản xuất đơn thuần mà còn liên kết trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các mô hình liên kết đó...

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1001859/goi-mo-cho-huyen-ung-hoa-nhieu-mo-hinh-san-xuat-hieu-qua