Gói hỗ trợ lần thứ 2: Không 'đong đếm' doanh nghiệp yếu hay mạnh

Trước tác động của Covid-19, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) lần 2 cần đồng đều và công bằng, bởi ngoài vấn đề kinh doanh của DN còn liên quan đến lao động, việc làm. Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam – đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời triển khai gói hỗ trợ “cứu” DN và người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá thì gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Gói hỗ trợ lần 1 được hình thành trong bối cảnh có tính bất ngờ cao, đó là Việt Nam chưa gặp bao giờ và thế giới cũng không có kinh nghiệm để học hỏi. Tuy nhiên, với sự chủ động, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ kịp thời, với nhiều Nghị quyết, Thông tư, Quy định nhanh chóng được ban hành, giúp DN sản xuất bị đình trệ hay DN phải đóng cửa do dịch Covid-19 vượt khó khăn; đặc biệt những lao động bị mất việc tại các DN ngành dịch vụ, vận chuyển đều được hưởng lời từ chính sách an sinh. Theo tôi, việc triển khai gói chính sách hỗ trợ đợt 1 của Chính phủ rất tích cực, ý nghĩa.

Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam

Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam

Tuy nhiên, vẫn có những chính sách chưa như kỳ vọng từ góc độ tiếp cận của DN, như: Chính sách giãn, hoãn nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ cho DN vay trả lương với lãi suất 0% chưa phù hợp. Còn chính sách về tín dụng, Nghị quyết của Chính phủ mang tính chủ trương nhiều hơn và chủ yếu giao về các Bộ, ngành triển khai thực hiện, từ đó “đẻ” ra nhiều quy định hướng dẫn mới. Đơn cử như Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước quy định giao các ngân hàng hàng thương mại triển khai chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên ngân hàng là tổ chức, DN có pháp nhân độc lập, mức đánh giá tín nhiệm khác nhau, quy trình kinh doanh khác nên việc áp dụng Thông tư cũng khác nhau. Vì thế, có ngân hàng thực hiện tốt chính sách, chủ trương của Chính phủ, ngược lại có ngân hàng lại không thực hiện được.

Hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ cho đúng

Nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm gói hỗ trợ mạnh tay và thiết thực hơn để “cứu” DN và người dân. Theo ông, gói hỗ trợ đợt 2 nên xây dựng như nào để đạt hiệu quả cao và trúng đối tượng?

Từ tính hiệu quả và những bất cập của gói hỗ trợ lần 1, việc xây dựng gói hỗ trợ đợt 2 cần tính toán lại. Các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ cho DN phải hình dung được DN cần hỗ trợ gì, tức là dựa trên cơ sở nhu cầu của DN. Bởi hơn 6 tháng chống chọi với dịch, nhiều DN đã có sự thay đổi lớn về định hướng, chiến lược kinh doanh.

Cụ thể, với DN lớn và vừa đang tính toán thay đổi nhà cung cấp nguyên vật liệu, tức là bắt đầu chuyển dịch, tìm kiếm kênh cung ứng, hay xuất khẩu mới từ nhiều quốc gia khác nhau để giảm độ rủi ro, do đó, chính sách cần tập trung hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, cách thức tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin nhà sản xuất, dự kiến chính sách thuế, đáp ứng nhu cầu của DN. Còn DN nhỏ và siêu nhỏ có xu thế thu gọn mặt hàng kinh doanh chủ lực, quy mô thị trường và dần chuyển sang khai thác, bán hàng qua kênh thương mại điện tử, nên các gói hỗ trợ cần nghiên cứu chính sách thuận lợi hơn về thương mại điện tử, đào tạo mô hình kinh doanh, cách thức giao dịch trực tuyến và nguồn nhân lực. Đặc biệt, Chính phủ nên cân nhắc, xem xét có quyết sách mạnh mẽ hơn về miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT một cách thiết thực.

Theo ông, gói hỗ trợ đợt 2 này nên ưu tiên “cứu” DN mạnh trước hay DN yếu trước?

Trong hoàn cảnh hiện nay, việc “đong đếm” cứu DN yếu hay mạnh là không nên. Bởi mỗi DN đều có vai trò khác nhau đối với nền kinh tế. Hiện, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có mục tiêu là hỗ trợ tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm, tạo thế cạnh tranh ổn định, bền vững cho nền kinh tế, và trong chuỗi liên kết này phải có DN nhỏ và DN lớn. Vì vậy, gói hỗ trợ cần ưu tiên hình thành chuỗi khác nhau để tạo hệ giá trị sinh thái chung cho nền kinh tế.

Ngoài ra, hỗ trợ DN cần sự công bằng, bởi ngoài vấn đề kinh doanh của DN còn liên quan đến lao động, việc làm. Vì nếu không cứu DN này thì lao động thất nghiệp gia tăng, gây bất an cho xã hội và khi đó, kinh tế cũng sẽ không hoạt động được. Do đó, gói hỗ trợ lần 2 cần tính kỹ và triển khai theo cách thức khác nhau, phù hợp với thực tiễn của sức khỏe DN và nền kinh tế; ưu tiên gắn kết tạo chuỗi để tương thích với văn bản pháp luật sẵn có và có tính hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thêm các quy định, hỗ trợ tập trung cho ngành sản xuất có tính mũi nhọn, mang lại nguồn thu quốc gia lâu dài, ổn định.

Về phía Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ DN nâng cao năng suất; triển khai phối hợp với các bộ ngành về thông tin, pháp lý, đào tạo nguồn lực cho DN, trong đó tập trung hỗ trợ DN các thông tin về cơ hội tiếp cận thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

Xin cám ơn ông!

Thu Phương - Hoa Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/goi-ho-tro-lan-thu-2-khong-dong-dem-doanh-nghiep-yeu-hay-manh-143791.html