Gối dầm metro số 1 nhẹ hơn thiết kế: Vì sao?

Gối dầm cầu metro số 1 nhẹ hơn 9,1kg so với thiết kế sẽ không đảm bảo chức năng giảm trọng lực giữa dầm và trụ cầu, dễ bị xô lệch.

Ngày 22/12/2020, BQL Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) cho biết, hồ sơ năm 2015 cho thấy, tại vị trí gối cao su dầm cầu xảy ra sự cố tại trụ P14-10 trọng lượng được duyệt theo hồ sơ là 126,1 kg nhưng trên thực tế lắp đặt tại công trình chỉ 117kg, thấp hơn 9,1kg so với thiết kế ban đầu.

Do đó chủ đầu tư nghi ngờ chất lượng thực tế tất cả gối cầu được lắp đặt tại công trình, đồng thời yêu cầu tổng thầu phải cung cấp tất cả kết quả thí nghiệm để chứng minh rằng gối cầu được lắp đặt đáp ứng chất lượng kỹ thuật theo yêu cầu.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Phạm Văn Phê - Khoa Công trình, Đại học GTVT đánh giá, những nghi vấn mà MAUR đưa ra hoàn toàn có cơ sở.

Vị trí xảy ra sự cố gối dầm cầu cao su tuyến metro số 1.

Vị trí xảy ra sự cố gối dầm cầu cao su tuyến metro số 1.

"Thông thường, một thiết bị được lắp đặt tại công trình nếu làm đúng chất liệu, kích thước thiết kế thì trọng lượng sẽ gần tương đương so với tính toán ban đầu. Dù có sai số trong thiết kế nhưng sẽ không đáng kể" - ông Phê nói.

Theo vị chuyên gia này, theo tiêu chuẩn xây dựng công trình giao thông, sai số cho phép thường không quá 1 - 2% so với thiết kế ban đầu, nhưng tại vị trí gối cao su tuyến metro số 1 đã xảy ra sự cố với sai số lên tới gần 10%. Chính vì thế, điều này không thể chấp nhận được.

"Hiện nay phía Việt Nam đang thành lập đoàn kiểm tra độc lập nguyên nhân dẫn tới sự cố rớt gối cao su tuyến metro số 1. Chính vì thế, chúng ta cần phải làm rõ vì sao lại có sai số lớn như thế ở vị trí gối cao su, ngoài ra cũng cần kiểm tra chất lượng, trọng lượng gối cao su này có đạt chuẩn hay không? Những vị trí khác thì như thế nào?" - ông Phê nếu quan điểm.

Trong khi đó, TS Trần Hữu Độ - giảng viên Đạ học Xây dựng Hà Nội cho rằng, gối cao su dầm cầu nhẹ hơn so với thiết kế sẽ làm cho chức năng của phần này bị giảm đi, khiến cho trọng lực giữa dầm và trụ cầu tăng lên, nhất là khi phải chịu tải khi có tàu chạy qua.

"Nếu nguyên nhân xô lệch gối cao su là do thiết bị lắp đặt không đúng với thiết kế thì đây được coi là sự cố nghiêm trọng. Tôi được biết vị trí này hiện đã được lắp đặt gối tạm, nhưng về lâu dài thì không an toàn, cần phải có những điều tra cụ thể về nguyên nhân và lắp đặt gối cao su đúng thiết kế vào vị trí đó thì mới đảm bảo" - ông Độ cho hay.

Ông Độ cho rằng, điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ của dự án metro số 1 trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của dự án là độ an toàn, tuyệt đối không vì sức ép tiến độ mà làm cẩu thả để rồi khi vận hành để xảy ra sự cố thì khó lường trước.

Ông Độ khẳng định, gối dầm cầu cao su nhẹ hơn so với thiết kế là lỗi của tổng thầu, đơn vị thi công. Chính vì thế, các đơn vị này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự cố này và phải đưa ra được phương án khắc phục sớm nhất trong thời gian tới.

"Việc tổng thầu chậm trễ báo cáo nguyên nhân chính thức khiến chúng ta đặt thêm nghi ngờ về nghi vấn mà MAUR đưa ra. Cơ quan chức năng TP. HCM cần phải có văn bản thúc ép, thậm chí là làm việc trực tiếp với các bên liên quan để làm rõ nguyên nhân sự cố này" - ông Độ bày tỏ.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/goi-dam-metro-so-1-nhe-hon-thiet-ke-vi-sao-3424774/