Góc tư vấn: Có thể mổ mắt chữa cận thị khi được chẩn đoán giác mạc mỏng không?

Em là sinh viên năm thứ 4, Khoa quay phim, trường Sân khấu Điện ảnh. Em bị cận thị 5 đi - ốp, sắp ra trường, sẽ đi quay nhiều nhưng đeo kính rất bất tiện trong công việc. Xin bác sĩ tư vấn cho em về phương pháp mổ chữa cận thị. Em từng đi khám nhưng bác sĩ tuyến trung ương nói giác mạc em mỏng nên có nhiều hạn chế nếu mổ mắt ạ (Hoàng Minh, sinh viên).

Trả lời:

Hiện nay tỷ lệ người bị tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Có rất nhiều phương pháp để điều trị tật khúc xạ. Hiện có các phương pháp mổ cận phổ biến là phương pháp can thiệp độ cong giác mạc gồm Smile, Lasik, SmartSurFace... hoặc phương pháp can thiệp kính nội nhãn như Phakic ICL.

Các phương pháp này đều cải thiện thị lực, người bệnh cần kiểm tra mắt để lựa chọn phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, do bác sĩ chẩn đoán bạn có giác mạc mỏng thì nên sử dụng kỹ thuật Phakic ICL. Đây là phương pháp phẫu thuật đưa một thấu kính rất mỏng, nhỏ vào bên trong mắt của người có tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) qua một đường mổ rất nhỏ khoảng 2,2-2,8 ly, phẫu thuật nhanh khoảng 5 phút, không đau, không chảy máu, chỉ cần thuốc rỏ gây tê tề mặt.

Vì không can thiệp trên độ cong giác mạc (bào mỏng lớp giác mạc) như các phương pháp Lasik, SmartSurface, Smile... nên sẽ ít gây chói, lóa sau mổ, không khô mắt, thị lực hồi phục nhanh.

Thấu kính ICL thế hệ mới được làm bằng vật liệu sinh học Collagen tinh khiết với đặc tính sinh học cao không bị lắng đọng cặn tế bào, không gây phản ứng đào thải bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Với các thiết kế được cải tiến đặc biệt về thủy động học làm cho kính cố định tốt trong mắt, không gây tăng nhãn áp, không gây đục thủy tinh thể, không làm tổn hại tế bào nội mô.

Điểm đặc biệt nữa của thấu kính này là hoàn toàn có thể sửa chữa, thay kính mới khi cần nâng cấp nếu muốn. Ngày nay chỉ định phẫu thuật đã được mở rộng rất nhiều dựa trên các ưu điểm và kết quả ưu việt của thấu kính thế hệ mới, hoàn toàn đáp ứng được sự kỳ vọng được cho là cao nhất của người được đặt kính (điều mà các phẫu thuật viên vốn sợ trong các phẫu thuật thường gặp).

Kỹ thuật này thích hợp với những bệnh nhân từ 21 tuổi chưa có dấu hiệu của đục thủy tinh thể mà không muốn dùng kính gọng; độ cận ổn định 1 năm; độ cận từ - 0,5 D đến – 20 D, độ loạn từ 0,5 D đến 6 D, độ viễn từ + 0,5 D đến + 10 D; không mắc các bệnh toàn thân cấp tính…

Bác sĩ Nguyễn Văn Sanh (Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội)

Bác sĩ Nguyễn Văn Sanh (Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/goc-tu-van-co-the-mo-mat-chua-can-thi-khi-duoc-chan-doan-giac-mac-mong-khong-1689705.tpo