Góc sân và khoảng trời mơ ước

Đọc tiêu đề bài viết này, nhiều người hẳn sẽ liên tưởng đến tập thơ của Trần Đăng Khoa mà trong ký ức một thời cắp sách, những câu thơ của anh đã theo chân bao bạn trẻ đến trường.

Thế nhưng điều mà người viết muốn nói đến ở đây là từ góc sân của hôm nay, nhìn ra và lựa chọn cho mình một khoảng trời ước mơ của nhiều bạn trẻ khi vừa "chia tay mùa hoa phượng". Đó không gì khác, chính là câu chuyện từ hiện tại nhìn vào tương lai để lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

Điều đó bắt nguồn từ câu chuyện trong một buổi tư vấn tuyển sinh diễn ra mới đây ở Hà Nội. Hội đồng tư vấn đã không khỏi bất ngờ với câu hỏi tưởng ngây thơ nhưng lại rất sâu sắc của học sinh: "Thưa thầy cô, em muốn hỏi, nếu em lựa chọn theo học ngành khí tượng thủy văn thì em có thể trở thành nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long không?". Cả hội đồng tư vấn không khỏi bất ngờ và thú vị. Để trả lời cho câu hỏi ấy, một chuyên gia tâm lý học nghề nghiệp đã vào cuộc. Vị tư vấn viên khẳng định rằng, đằng sau câu hỏi ấy có thể không phải chỉ là một tâm hồn quá đỗi lãng mạn hay một học sinh say mê với văn học, mà đó là khát khao được trở thành người có ích, được cống hiến cho xã hội một cách thầm lặng và thực hiện lý tưởng của mình để đưa hình tượng văn chương đẹp đẽ ra ngoài đời thực.

Bạn trẻ đặt ra câu hỏi ấy là một học sinh có năng lực ở các môn khoa học tự nhiên, có ý định đăng ký xét tuyển vào học ngành khí tượng thủy văn. Thế nhưng, nhìn vào chiều sâu câu hỏi của chàng trai trẻ cho thấy một suy nghĩ rất nghiêm túc về định hướng tương lai, về nghề nghiệp và những lựa chọn cho lý tưởng của mình. Chưa vội nói đến những khát khao cống hiến dù là thầm lặng của một học sinh vừa rời ghế nhà trường, ở đây, nhìn một cách khách quan thì dường như cách dạy, cách học các môn khoa học xã hội, mà cụ thể là môn Ngữ văn đã và đang có sự tác động vào tâm thức người học, khơi dậy tính nhân văn, tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ.

Trở lại với kỳ xét tuyển đại học năm nay, một bước quan trọng để các bạn trẻ lựa chọn cánh cửa đi vào tương lai của mình. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, ai cũng muốn thắp sáng cho mình những ước mơ. Và ai dám nuôi dưỡng ước mơ, dám lựa chọn, dám sống với những đam mê, lý tưởng cao đẹp đã là một thành công. Việc lựa chọn nghề cũng vậy. Không chỉ lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp, mà còn cần phải nhìn xa hơn vào bức tranh tương lai và dám chấp nhận tương lai ấy. Nơi đó sẽ có cả đặc thù của thị trường lao động, có cả những tính toán với nghề nghiệp của mình để phù hợp với bản thân.

Đã có thời, xã hội lưu truyền câu cửa miệng trong lựa chọn nghề: "Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa...", hay: "Nhất ngoại, nhì kinh, tam sư, tứ kỹ". Có nghĩa là ưu tiên số một là các ngành ngoại giao, ngoại thương, hai là các ngành kinh tế rồi mới đến sư phạm và các ngành nghề đào tạo kỹ sư khác. Giờ đây, xu thế nghề nghiệp của xã hội đang có nhiều sự thay đổi. Cách lựa chọn của người trẻ đã thực tế hơn theo nhu cầu của thị trường lao động. Tuy thế, để có một cái nhìn xa hơn vào tương lai và nhu cầu việc làm của xã hội để lựa chọn nghề nghiệp thì chưa nhiều người thực sự làm được.

Việc đặt bút ghi danh xét tuyển vào các ngành nghề khá mới mẻ như: Công nghệ vũ trụ, an toàn thông tin, quản lý đô thị... chưa được nhiều học sinh lựa chọn. Thế nhưng đây lại chính là những ngành nghề được các cơ sở giáo dục đại học đưa ra khi đã có những nghiên cứu căn bản về thị trường lao động và khảo sát về nhu cầu lao động trong tương lai. Vì vậy, đối với mỗi học sinh, khi rời "góc sân" của tuổi thơ để đi đến với khung trời mơ ước trong tương lai, cần có cái nhìn xa, toàn diện hơn để định hướng cho nghề nghiệp phù hợp của mình!

TUỆ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/goc-san-va-khoang-troi-mo-uoc-583559