Góc nhìn Văn hiến: An ninh bệnh viện, an toàn cho bác sĩ - Nỗi quan tâm của toàn xã hội

Quá nhiều vụ việc côn đồ hành hung bác sĩ khi đang cứu người trong bệnh viện xảy ra thời gian qua khiến người dân lo lắng cho sự an toàn của chính mình, còn bác sĩ thì không thể toàn tâm, toàn ý cho việc khám chữa bệnh.

Ảnh camera ghi hình Trương VănThanh 33 tuổi, bố bệnh nhân nhí đánh bác sĩ vào tối 13/4/2018 tại BV Xanh pôn Hà Nội.

Gần đây nhất, vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, khi một kẻ mình mẩy xăm trổ, tóc để đuôi ngựa lao vào tát, nhục mạ một bác sĩ trẻ.

Hàng loạt vụ người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ cũng đã diễn ra gần đây như tối 8/4, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cho rằng bác sĩ thăm khám cho con mình thờ ơ, bố của một bệnh nhi đã tát vào mặt bác sĩ. Anh ta cũng đánh một sinh viên thực tập đứng cạnh bác sĩ. Sau khi bị đánh, bác sĩ được chẩn đoán chấn thương sọ não. Sinh viên thực tập bị rách mí mắt, chảy nhiều máu.

Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 4 đã có 3 vụ hành hung nhân viên y tế. Làm thế nào để bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế đang điều trị cho các bệnh nhận tại các bệnh viện đang làm “nóng” dư luận, là mối quan tâm của toàn xã hội.

Trưa 19/4, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đã chính thức thông tin cho báo chí về vụ việc xảy ra đêm 13/4 khi bác sĩ Vũ Hồng Chiến đang tư vấn cho bố của một bệnh nhi bị thương, thì bị người này hành hung. Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Trần Trung Dũng cho biết, cho đến nay, tinh thần bác sỹ Chiến vẫn hoảng loạn, tạm thời bác sỹ vẫn phải nghỉ việc. Vụ việc xảy ra tại bệnh viện đã được ghi hình lại. Ngay sau khi xảy ra việc hành hung bác sỹ, bảo vệ và cơ quan công an đã có mặt. Toàn bộ bản video gốc đã được chuyển cho cơ quan công an. Liên quan đến thông tin bố bệnh nhi vứt tiền, tạo hiện trường giả, ông Dũng cho biết, phía bệnh viện đang phối hợp với công an điều tra làm rõ sự việc này

Sau vụ việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Saint Paul bị bố bệnh nhi đánh, giới thầy thuốc lan truyền thông điệp giận dữ và yêu cầu được bảo vệ, cần có biện pháp chống bạo hành y tế. Bộ trưởng Y tế kêu gọi công an, chính quyền địa phương hỗ trợ bảo vệ y bác sĩ... Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công an TP làm rõ việc bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhân đánh, báo cáo vụ việc này với lãnh đạo TP trước 25/4. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu khởi tố đúng pháp luật hành vi đánh bác sĩ trong bệnh viện gần đây. Nếu vụ việc này mà xét xử nhanh, lưu động thì có tính giáo dục rất tốt.

Với hành vi đánh, tát bác sĩ Vũ Hồng Chiến đang tư vấn hướng điều trị cho con mình, ngày 20/4, Trương Văn Thanh (33 tuổi) đã bị Công an quận Ba Đình, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Như vậy, qua các vụ xử lý những kẻ hành hung các bác sĩ, gây rối trật tự tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba tại Đồng Hới (Quảng Bình), BV Sản – Nhi Yên Bái, BV Đa khoa Bắc Kạn thời gian quan xem ra chưa phát huy tác dụng, chưa đủ mức răn đe, giáo dục chung. Đáng lưu ý, càng nói nhiều lại càng xảy ra nhiều vụ bạo hành bác sĩ hơn, tính chất nghiêm trọng hơn, đặc biệt chắc chắn có những vụ không do bác sĩ. Có thể những giải pháp thời gian qua chúng ta thực hiện chưa đúng mức.

Xã hội đang trông vào sự quyết tâm, sự vào cuộc của hệ thống hành pháp, cụ thể là lực lượng công an, tòa án, để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho các bác sĩ, người bệnh cũng yên tâm điều trị. Còn như hiện nay, báo chí lên tiếng, công luận lên tiếng, mạng xã hội phản ứng, nhưng vẫn chưa đủ mà cần một hành động mạnh tay từ những lực lượng thực thi công lý, đó phải là những bản án, hình phạt cụ thể, chứ không thể nhắc nhở, xử phạt hành chính là xong. Nếu chỉ lên án rồi mọi việc lại “chìm xuồng” thì các bác bác sĩ sẽ mãi đơn độc đấu tranh với nạn bạo hành tại chính nơi làm việc của mình.

Ai cũng thừa nhận, chỉ vì luật pháp không nghiêm nên những kẻ côn đồi mới ngang nhiên hành hung, làm nhục bác sĩ ở giữa bệnh viện như vậy. Bộ trưởng Y tế nhiều lần lên tiếng đề xuất lập chốt công an ở các bệnh viện để ngăn chặn côn đồ, bạo lực. Nhưng đó là chuyện khó có thể làm được bởi rất tốn kém, trong bối cảnh đang phải tinh giản biên chế. Việc cần làm bây giờ là phải nâng cao nhận thức xã hội, xử lý nghiêm các hành động côn đồ. Cùng với đó, ngành y cũng phải tăng cường việc giáo dục, nâng cao y đức, tác phong của người thầy thuốc. Đó là những kỹ năng mềm trong giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân. Bởi, hãy đặt mình vào vị trí người bệnh, trong lúc rất hoang mang, lo lắng, nếu nhận được sự chăm sóc, hỏi han ân cần của bác sĩ, y tá chắc chắn họ sẽ vững tâm hơn và rất biết ơn nữa.

Ngoài ra, các bệnh viện cần thuê đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, có nghiệp vụ chứ không chỉ có nhiệm vụ kiểm tra thủ tục giấy tờ người bệnh. Lực lượng bảo vệ hiện nay tại nhiều bệnh viện chưa làm tốt được nhiệm vụ của mình.

Vũ Xuân Bân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/goc-nhin-van-hien-an-ninh-benh-vien-an-toan-cho-bac-si--noi-quan-tam-cua-toan-xa-hoi-61191