Góc nhìn từ những địa phương ngoại thành

Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là quy luật phát triển tất yếu của Đảng. Tại Hà Nội, đặc biệt là ở những khu vực ngoại thành công tác này được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Dễ thấy, nhiều địa phương như Ba Vì, Sơn Tây... việc rà soát, sàng lọc và đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng thực hiện kịp thời, kiên quyết, bằng các hình thức thích hợp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26/4/2016 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh”… là minh chứng cho sự quyết liệt trong nỗ lực xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh.

Nhờ nội dung này, công tác đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng… được các cơ sở Đảng tổ chức thường xuyên, từ đó cơ bản khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Việc phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là đặc biệt cấp thiết. Ảnh: Giang Nam

Việc phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là đặc biệt cấp thiết. Ảnh: Giang Nam

Thị xã Sơn Tây là ví dụ. Tại đây, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được triển khai, thực hiện bài bản. Nhờ vậy, tổ chức cơ sở Đảng luôn hoạt động hiệu quả. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Sơn Tây lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sơn Tây lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015-2020), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện.

Theo đó, Thị ủy xây dựng thực hiện nghiêm túc Chương trình chuyên đề số 01-CTr/TU của Thị ủy, gắn với Chương trình số 01- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát được thị xã thực hiện thường xuyên. Cụ thể, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát. Cấp ủy các cấp tiến hành kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng đối với 758 lượt tổ chức Đảng và 890 đảng viên. Ủy ban kiểm tra Thị ủy và cơ sở kiểm tra được 03 tổ chức Đảng và 10 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra đối với 970 tổ chức Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, 115 tổ chức Đảng trong việc thi hành kỷ luật, 930 tổ chức Đảng về công tác tài chính. Thực hiện giám sát đối với 780 tổ chức Đảng và 895 đảng viên, duy trì tốt công tác giám sát thường xuyên. Toàn Đảng bộ thị xã đã thi hành kỷ luật 192 đảng viên, trong đó khiển trách 143 đồng chí, cảnh cáo 29 đồng chí, cách chức 7 đồng chí và khai trừ 13 đồng chí.

Tương tự, tại huyện Ba Vì, theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2015-2020, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được huyện Ba Vì tăng cường đẩy mạnh. Cụ thể, Huyện ủy Ba Vì tổ chức 13 cuộc kiểm tra chuyên đề với 27 tổ chức Đảng và 26 đảng viên. Tổ chức 9 cuộc giám sát chuyên đề với 31 tổ chức Đảng và 19 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Ba Vì tổ chức kiểm tra 37 đảng viên và 16 tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra đã kết luận 36/37 đảng viên được kiểm tra có vi phạm, thi hành kỷ luật 20 đảng viên; 16/16 tổ chức Đảng được kiểm tra có vi phạm, đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức bằng hình thức khiển trách, kiểm điểm rút kinh nghiệm 14 tổ chức Đảng; kiểm tra thu chi ngân sách với 29 Đảng ủy xã, thị trấn; kiểm tra thu nộp, quản lý, sử dụng đảng phí với 39 tổ chức Đảng…

Phát huy yếu tố nêu gương

Thực tế cho thấy, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là quá xa vời mà bắt đầu ngay từ đảng viên. Ở cấp cơ sở, việc đảng viên gương mẫu được thể hiện qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau song hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, luôn gương mẫu đi đầu… từ đó góp phần củng cố lòng tin, tinh thần đoàn kết trong tổ chức, tập hợp lực lượng thực hiện nhiệm vụ tốt nhất.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Theo đó, một trong những định hướng lớn của Đảng bộ là tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ.

Qua học tập, quán triệt Nghị quyết, văn bản của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng; thấy rõ hơn tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng.

Được biết, ở các tổ chức cơ sở Đảng, mỗi đảng viên đều xây dựng bản cam kết khắc phục những biểu hiện suy thoái, hằng tháng trong sinh hoạt Chi bộ đều đánh giá kết quả khắc phục và cuối năm từng đảng viên tự kiểm điểm lại kết quả đăng ký để chi bộ đóng góp, đánh giá, xếp loại. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên nhận diện rõ hơn những biểu hiện cụ thể của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Quanh vấn đề này, ông Trần Quang Huy - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ), cho rằng, việc tự phê bình thẳng thắn, nghiêm túc trước tập thể những ưu, khuyết điểm của bản thân nhằm mục đích phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm là việc làm thường xuyên và nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Thực tiễn cho thấy, nói thì dễ, nhưng làm thì khó.

Tại cơ sở, ông Trần Quang Huy cho biết, hàng tháng trong nội dung sinh hoạt Chi bộ bao giờ cũng triển khai 2 việc. Thứ nhất là tự đánh giá, kiểm điểm xem việc phê và tự phê thực hiện tới đâu, việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thực hiện như thế nào.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng cũng cho rằng, cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, nêu gương trong đạo đức, lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Ở bất kỳ nơi nào, thủ trưởng đơn vị, bí thư gương mẫu, tiên phong, trung thực, thẳng thắn thì chắc chắn nơi đó phê bình và tự phê bình trở thành vũ khí hiệu quả nhất để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Suy đến cùng thì những vấn đề đặt ra nêu trên được giải quyết tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Bác Hồ từng căn dặn “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Do vậy, công tác quản lý, phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên đang công tác để họ phát huy được hết vai trò trong hệ thống chính trị cơ sở đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp.

Hơn hết, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Ðể đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, Ðảng phải thường xuyên được xây dựng và chỉnh đốn, chỉ có như vậy mới có thể đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời gian tới./.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/goc-nhin-tu-nhung-dia-phuong-ngoai-thanh-115455.html