Góc nhìn từ cơ sở

Thời gian qua, hải quan được đánh giá là một trong những ngành đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa để hòa nhập với xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, toàn ngành quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương, tác phong làm việc cán bộ, công chức.

Kỳ vọng nơi đất Mũi

Phó cục trưởng Cục Hải quan Cà Mau Nguyễn Minh Chiếm chia sẻ: Hải quan Cà Mau là một trong những đầu mối cấp tỉnh “nhỏ nhất” của toàn ngành. Năm 2018, hải quan Cà Mau được giao thu ngân sách Nhà nước 26 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm đã thu xấp xỉ 20 tỷ đồng, đạt 132,7% so với chỉ tiêu kế hoạch. Để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, hải quan Cà Mau đã triệt để thực hiện phân luồng hàng hóa trong quản lý rủi ro. Cụ thể, trong 5.195 tờ khai xuất nhập khẩu thì tờ khai luồng xanh lên tới 4.587 tờ (88,3%), luồng vàng là 519 tờ (9,99%), luồng đỏ chỉ có 89 tờ (1,71%). Đáng chú ý, Cục Hải quan Cà Mau đã áp dụng hiệu quả thủ tục hải quan điện tử qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS trong thực hiện nghiệp vụ, thanh toán điện tử, thu thuế qua các ngân hàng… Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai hiệu quả với 20 thủ tục hành chính, nâng số dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hải quan toàn ngành lên 170/180 thủ tục, chiếm 94,4%.

Cán bộ hải quan phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra phương tiện lưu thông qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Theo ông Nguyễn Minh Chiếm, hiện nay cơ bản các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan ở Cà Mau đều thực hiện thủ tục hải quan điện tử và hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, điều mà nhiều cán bộ, công chức hải quan Cà Mau trăn trở chính là việc hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Ví dụ, Cảng Năm Căn, mặc dù là cảng biển quốc tế được quy hoạch nhưng hoàn toàn không có hoạt động xuất nhập khẩu mà chỉ là nơi tập trung vật liệu xây dựng, cho thuê kho hàng, bến đỗ xe bus... Đất mũi Cà Mau kỳ vọng sẽ phát triển hơn.

Sức sống từ đảo ngọc Phú Quốc

Tới huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chúng tôi cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ của hòn đảo ngọc này. Theo Cục trưởng Cục Hải quan Kiên Giang Ngô Hoàng Hải: Thời gian qua, các hoạt động kinh tế, xuất nhập khẩu trên địa bàn tăng cao, tạo nguồn thu ngân sách lớn cho Nhà nước. Tổng số thu ngân sách của Cục Hải quan Kiên Giang đến hết tháng 6 là gần 357 tỷ đồng, trong đó thu từ hàng hóa tạm nhập là hơn 288 tỷ đồng, đạt 263,19% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao (136 tỷ đồng). Sự tăng đột biến này chính là nguồn thu từ Dự án Casino của Công ty CP Đầu tư và Du lịch Phú Quốc với tổng số thuế thu là 330,22 tỷ đồng, chiếm 92,25% tổng nguồn thu. Dự kiến số thu cả năm của hải quan Kiên Giang sẽ là 466 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 71 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn, với 1.092 tờ khai, tăng hơn 20%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 60 triệu USD. Ông Ngô Hoàng Hải khẳng định, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành hải quan Kiên Giang đang nỗ lực kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp tục vận hành ổn định và có hiệu quả hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS. Đáng chú ý là đã hoàn thành đề án quản trị kế hoạch, cải cách, phát triển và hiện đại hóa giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với các lực lượng chức năng, tích cực tuyên truyền, thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhận xét về hoạt động của hải quan Kiên Giang, ông Triệu Đức Thạch, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sương Hưng Long chia sẻ: "Mỗi tháng, công ty có khoảng 150 xe công-ten-nơ hàng hóa (nhu yếu phẩm) đi qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (trung bình mỗi ngày 5 xe). Nhờ hiện đại hóa thủ tục hải quan nên thời gian thông quan mỗi xe hàng qua cửa khẩu chỉ chưa đầy một phút, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều. Thái độ, tác phong làm việc của cán bộ hải quan, Bộ đội Biên phòng ở cửa khẩu là tận tình, chu đáo".

Bài và ảnh: HOÀNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-tu-co-so-546919