Góc nhìn pháp lý vụ việc cụ ông ăn xin ở TPHCM có 5 CMND, 7 thẻ căn cước

Theo luật sư, vụ việc cụ ông ăn xin bị phát hiện trong người có đến 5 chứng minh nhân dân số 020434231 và 7 căn cước công dân là điều bất thường cần phải điều tra làm rõ động cơ, mục đích sử dụng.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình (TP HCM) cho biết, sáng 17/4, UBND phường 4 khi đi tuần tra, kiểm soát người lang thang trên địa bàn phường đã phát hiện một cụ ông thường trú phường 2, quận Tân Bình đi ăn xin. Thời điểm kiểm tra, trong lưng bụng cụ ông có số tiền 54 triệu đồng, 5 chứng minh nhân dân số 020434231 và 7 căn cước công dân số 089043000003 mang tên Đỗ Văn Đệ (SN 1943), quê quán An Giang, địa chỉ tại thường trú đường Bùi Thị Xuân, phường 2, quận Tân Bình.

Đại diện UBND phường 4 cho biết, bước đầu kiểm tra 12 chứng minh thư, thẻ căn cước cho thấy đều là thật.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau: Căn cước công dân là một trong những giấy tờ tùy thân của cá nhân, căn cước công dân là hình thức mới của giấy chứng minh nhân dân, bắt đầu cấp phát và có hiệu lực từ năm 2016. Theo quy định của Luật căn cước công dân, người từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân.

Theo quy định tại Điều 23 Luật căn cước công dân, người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được làm thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân: Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân; Bị mất thẻ Căn cước công dân; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Về nguyên tắc, công dân có quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi bị mất. Mặt khác, Luật căn cước nghiêm cấm việc cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật. Vụ việc cụ ông ăn xin bị phát hiện trong người có đến 5 chứng minh nhân dân số 020434231 và 7 căn cước công dân là điều bất thường cần phải điều tra làm rõ động cơ, mục đích sử dụng.

Nếu thực hiện hành vi trái pháp luật bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác từ 02 triệu đồng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Lừa đào chiếm tài sản theo Điều 174 BLHS. Trường hợp cụ ông lợi dụng chính sách pháp luật cấp lại thẻ Căn cước dùng vào việc sinh hoạt thì đó là hành vi gian dối trong việc kê khai để cấp lại thẻ Căn cước trái quy định của pháp luật. Hành vi của cụ ông đã vi phạm điểm a, khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội,… với mức xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: "Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân".

Ngoài ra, cụ ông còn phải bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm là các chứng minh nhân dân và thẻ căn cước đã cấp.

Tuệ An

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/goc-nhin-phap-ly-vu-viec-cu-ong-an-xin-o-tphcm-co-5-cmnd-7-the-can-cuoc-292346.htm