Góc nhìn lạc quan từ tiến trình đàm phán thỏa thuận Brexit

Chuyên mục bình luận của tờ Financial Times đăng bài viết của tác giả David Allen Green nhận định Anh và EU đang tiến tới thỏa thuận Brexit và đó sẽ là một cuộc 'chia tay' có trật tự.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: TTXVN phát

Brexit là một trong những vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Salzburg diễn ra trong hai ngày 19-20/9. Những tài liệu mà EU đưa ra có 3 điểm chính cần chú ý: tương lai mối quan hệ (đặc biệt là đối với "tuyên bố chính trị"), tính thực tế của giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán và những thỏa thuận đối với kế hoạch "dự phòng" đối với vấn đề đường biên giới Ireland.

Ấn tượng từ những ghi nhận trong các văn bản chính thức cho thấy Brexit đang theo đúng lộ trình, những vấn đề tồn tại chỉ là cần làm rõ hơn một số điểm, hay cách lựa chọn từ ngữ...

Bóng gió ám chỉ duy nhất đó là nguy cơ "khủng hoảng" và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết ở cuối thư mời gửi các lãnh đạo EU tham dự hội nghị là: cần hạn chế tổn thất gây ra bởi Brexit vì quyền lợi của tất cả mọi người và hành vi ứng xử có trách nhiệm sẽ tránh được thảm họa.

Trong một bài viết hồi tháng 7 vừa qua, tác giả Green đã đưa ra 6 lý do giải thích vì sao ông tin Anh và EU sẽ sớm đạt được thỏa thuận về Brexit: cả hai bên đều mong muốn có được một thỏa thuận; một thỏa thuận vì lợi ích của cả hai bên; hai bên hiện vẫn đang trong giai đoạn đàm phán, nội dung thỏa thuận Brexit đã được hai bên đồng ý tới 80% và vẫn còn khá nhiều thời gian (từ nay đến tháng 3/2019 - thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU);

Những bất đồng liên quan đến kế hoạch dự phòng đối với vấn đề đường biên giới Ireland, và nếu như không đạt được thỏa thuận (về quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai), tất cả những khác biệt này chỉ là cách thức đàm phán chứ không phải mục đích cuối cùng bởi cả hai bên đều đã chấp nhận sẽ có những vấn đề được giải quyết sau Brexit và những nguy cơ xảy ra rủi ro hai bên có thể kiểm soát được.

Những lý giải này cho đến nay vẫn đúng. Tất nhiên, thời gian hiện không còn nhiều. Một bản dự thảo về Brexit vẫn chưa tiến gần hơn đến văn bản chính thức, ít nhất là những gì đã thể hiện trên dòng thông tin chủ lưu.

Tuy nhiên, có lý do để lạc quan trước những khác biệt của hai bên về kế hoạch dự phòng đối vấn đề đường biên giới Ireland. Những khác biệt này là do tính thực tiễn đem lại hơn là dựa trên nguyên tắc của các bên và dường như đã có những bằng chứng cho thấy hai bên đang thu hẹp được bất đồng.

Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đã phát tín hiệu cho thấy lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên đang tìm kiếm các cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề kiểm tra và giám sát hoạt động xuất nhập cảnh và điều đó có nghĩa sẽ không thể có "đường biên giới cứng". Điều này tương đồng với đề xuất trong Kế hoạch Chequers của Thủ tướng May.

Hiện có 9 điểm được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề đường biên giới chung giữa Anh và Cộng hòa Ireland. Hai bên có chung cam kết là kế hoạch dự phòng đối với vấn đề đường biên giới Ireland nhằm "giảm bớt bi kịch hóa" vấn đề; và hai bên đều đã đọc kỹ những đề xuất của nhau.

Những ồn ào chính trị lúc này không phải là về những điều khoản của thỏa thuận Brexit. Một số phương diện đề xuất Chequers đã khiến nhiều người ủng hộ Brexit lo ngại về tương lai quan hệ giữa hai bên: điều gì xảy ra sau thời kỳ chuyển đổi? đó là câu hỏi mà những người ủng hộ Brexit quan tâm và có nhiều ý kiến trái ngược với Kế hoạch Chequers của bà May chứ không phải là thỏa thuận Brexit.

Dự kiến cuộc họp khẩn cấp của EU vào tháng 11 tới nhiều khả năng sẽ chốt lại lần cuối dự thảo thỏa thuận Brexit. Điểm đáng chú ý gồm: vấn đề đường biên giới Ireland, một số vấn đề như sở hữu trí tuệ, quyền hạn của tòa án của EU trong việc giám sát thỏa thuận này, những khác biệt quan điểm về các vấn đề trên là có thực nhưng không phải là không thể vượt qua những khác biệt này. Tác giả nhận định: Anh và EU vẫn sẽ tiến tới Brexit theo như hoạch định, EU sẽ ở vị thế thoải mái và được bảo vệ đúng như mục đích ban đầu.

Về phương diện chính trị, các sử gia trong tương lai khi đọc những tài liệu này sẽ không thể cảm nhận hết được sức nóng của vấn đề tại thời điểm này. Chính phủ Anh hiện nay là "hữu danh vô thực", nên dù chỉ là những thay đổi "dịch chuyển nhẹ" tại các phe phái trong Quốc hội có thể dẫn đến việc London không có được thỏa thuận Brexit. Green cho rằng kịch bản không đạt được thỏa thuận Brexit vẫn có thể xảy ra và nguyên nhân chính là sự bấp bênh của nền chính trị Anh.

Dư luận Anh xuất hiện nhiều đề nghị tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới hoặc hoãn việc Anh rời EU. Những tiếng nói kiểu này hiện còn yếu, nhưng cũng có thể trở nên mạnh mẽ hơn và nước Anh không nên xem thường.

Vậy liệu có cơ hội để không xảy ra vấn đề Brexit vào tháng 3/2019 hay ít ra là trì hoãn tiến trình này lại? Câu trả lời có lẽ là "sẽ không có đủ thời gian để Quốc hội Anh có thể phê chuẩn tiến hành thêm một cuộc trưng cầu dân ý trong giai đoạn từ nay đến trước tháng 3/2019". Cách duy nhất có thể dừng được vấn đề Brexit là Quốc hội Anh thực thi quyền lực của họ, song dường như điều này lại không có khả năng xảy ra.

Nước Anh đang trên đường tiến tới Brexit, một điều mà hầu như chẳng ai thực sự muốn, thậm chí ngay cả những người ủng hộ Anh rời khỏi EU. Thực tế cho thấy trong thỏa thuận cuối cùng, nhiều khả năng Anh sẽ ở vị thế bất lợi hơn so với EU. Nước Anh hiện bị "khóa chặt" với vấn đề Brexit kèm những điều khoản do EU đưa ra. Bởi vậy, vào ngày 29/3/2019, nước Anh sẽ rời khỏi EU và chấm dứt tư cách thành viên của Liên minh này./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/goc-nhin-lac-quan-tu-tien-trinh-dam-phan-thoa-thuan-brexit/97410.html