Góc nhìn khác từ con số mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 32.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Thông tin đầy tích cực này khiến không ít nhà đầu tư hào hứng, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi từ đầu năm đến nay.

Mua đột biến tại một số ít doanh nghiệp

Cụ thể, trên hai sàn niêm yết, khối ngoại mua vào 4,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 217,6 nghìn tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 3,87 tỷ cổ phiếu, trị giá 186,7 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 301 triệu cổ phiếu, trị giá 30.880 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng lưu ý là dòng tiền của khối ngoại có sự phân hóa khi mua ròng trên HOSE và bán ròng trên HNX.

Quỹ ETF có xu hướng bán ròng trong 2 đợt tái cơ cấu danh mục gần đây

Cụ thể, tại sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 31.680 tỷ đồng, gấp 2,26 lần so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng khối lượng mua ròng 343 triệu cổ phiếu. Dù vậy, phía sau con số mua ròng này có nhiều điều cần bàn.

Đầu tiên phải kể đến phiên mua ròng lịch sử 28.548 tỷ đồng tại mã cổ phiếu Vinhomes (HOSE;VHM) ngày 18/5, tức chỉ sau 1 ngày cổ phiếu này chào sàn. Như vậy, nếu loại trừ giao dịch đột biến này thì giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HOSE chỉ còn 3.132 tỷ đồng. Một cổ phiếu “cùng họ” với VHM là VRE cũng được khối ngoại mua ròng mạnh 4.187 tỷ đồng chỉ riêng trong phiên ngày 6/2, và theo đó tính chung 9 tháng qua vẫn đang được mua ròng 3.890 tỷ đồng.

Thứ hai, những phiên mua ròng lớn cũng chỉ tập trung tại những cổ phiếu mới niêm yết. Như trường hợp của HDBank (HOSE:HDB), sau khi lên sàn vào cuối năm 2017, những phiên đầu năm 2018 chứng kiến khối ngoại liên tiếp mua ròng ở mã cổ phiếu này. Cụ thể, ngày 5/1 mua ròng 190 tỷ, 8/1 là 506 tỷ, 10/1 là 161 tỷ, 11/1 là 166 tỷ, 12/1 là 328 tỷ, 25/1 là 163 tỷ. Theo đó, kể từ khi lên sàn, HDBank đã được khối ngoại mua ròng gần 55 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.435 tỷ đồng.

Hay như tại CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) ngay sau khi lên sàn cũng đã có phiên mua ròng lịch sử đến 2.356 tỷ đồng hôm 27/6, giúp tổng giá trị mua ròng của khối ngoại từ đó cho đến cuối tháng 9 đạt 2.502 tỷ đồng...

Thứ ba là nhờ vào những phiên mua để tăng tỷ lệ sở hữu hoặc thâu tóm. Ngày 20/4, khối ngoại mua ròng đột biến 3.391 tỷ đồng tại Novaland (HOSE: NVL), trong đó họ mua 5,25 triệu cổ phiếu này (3.415 tỷ đồng) thông qua phương thức thỏa thuận. Tiếp đến ngày 10/5, cổ đông chiến lược nước ngoài của thép Việt Ý (HOSE:VIS) là Kyoei Steel mua ròng 1.148 tỷ đồng tại mã này để nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%.

Tín hiệu tích cực xuất hiện trở lại

Thực tế nếu tính theo số phiên giao dịch, thì từ đầu năm đến nay khối ngoại đang có đến 104/183 phiên bán ròng trên sàn HOSE, trong đó miệt mài bán trong quý 2 và đầu quý 3, trải đều ở tất cả các mã vốn hóa lớn và trung bình. Đặc biệt, trong những phiên mà các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục, thì cũng chứng kiến giá trị bán ròng của khối ngoại là khá lớn.

Gần đây nhất trong phiên đảo danh mục quý 3 hôm 21/9, khối ngoại đã bán ròng gần 782 tỷ đồng riêng trên sàn HOSE. Hay như trong đợt tái cơ cấu quý 2 diễn ra trong tuần 11-15/6, khối ngoại cũng đã bán ròng đến 1,573 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Rõ ràng nếu phân tích sâu hơn, chúng ta có thể thấy phía sau những phiên mua ròng với khối lượng lớn tại một số ít doanh nghiệp mới niêm yết, là động thái liên tục bán ra trong suốt một thời gian dài. Điều này cũng không có gì lạ, khi có những thời điểm các nhà đầu tư phải đối diện với rủi ro tỷ giá khi đồng USD liên tục tăng cao trên thị trường quốc tế, trong khi tiền đồng cũng đứng trước thách thức mất giá không chỉ vì ảnh hưởng từ đồng USD mà còn là động thái phá giá nhân dân tệ của nước láng giềng.

Ngoài ra, những rủi ro của chiến tranh thương mại hay khủng hoảng tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi liên tiếp xuất hiện cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy dòng vốn bị rút ra và tập trung vào một số ít doanh nghiệp với những mục đích đặc thù như nâng tỷ lệ sở hữu hoặc đánh giá tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là tính từ ngày 7/9 đến nay, dòng vốn của khối ngoại đã quay trở lại thị trường một cách tích cực, khi mua đều ở nhiều mã khác nhau trước kỳ vọng phục hồi trở lại của chứng khoán trong nước cho giai đoạn tới, nhất là khi Việt Nam vừa được FTSE Russel đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2.

Thống kê từ ngày 7 đến 28/9, khối ngoại đã mua ròng 775 tỷ đồng trên HOSE, nếu như không tính phiên bán ròng 782 tỷ đồng do tái cơ cấu danh mục hôm 21/9, thì tổng giá trị mua ròng là 1.557 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong phiên 2/10 vừa qua, khối ngoại mua ròng đến 10.339 tỷ đồng trên HOSE, nhờ vào thương vụ SK Group mua lượng cổ phiếu quỹ do Masan (HOSE: MSN) bán ra lên đến 10.121 tỷ đồng.

ĐỒNG AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/goc-nhin-khac-tu-con-so-mua-rong-cua-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-14216.html