Góc nhìn giáo dục: Giáo dục đạo đức qua hoạt động thể thao

Mới đây, khi theo dõi giải bóng đá truyền thống của Trường Trung học cơ sở (THCS) Chu Văn An (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), tôi đã nhận thấy nhiều sự đặc biệt của 'giải đấu' này.

Bên cạnh công tác tổ chức bài bản với đội ngũ trọng tài, bình luận viên, cổ động viên khá chuyên nghiệp thì điều đáng bàn là tất cả cầu thủ đá chính của mỗi đội đều đạt hạnh kiểm tốt trong năm học vừa qua. Đem thắc mắc này hỏi thầy giáo Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường thì tôi nhận được câu trả lời: Đây là một cách hữu hiệu để nhà trường giáo dục đạo đức cho học sinh.

Để chứng minh hiệu quả của cách làm trên, thầy Đặng Việt Hà cho hay: “Thông qua các giải thể thao, chúng tôi thấy nhiều học sinh từ chỗ chưa ngoan trên lớp thì sau đó đã phấn đấu đạt hạnh kiểm tốt để được tham gia cùng đội. Có những học sinh dù chơi thể thao rất hay nhưng vẫn phải ngồi ngoài sân vì trong thời gian vừa qua chưa gương mẫu. Chính thể thao-môn chơi đồng đội, đã giúp các em có ý thức phải tự thay đổi mình. Những học sinh thường ngày khá nghịch, nhưng trên sân bóng lại mang đến hình ảnh rất đáng yêu, tạo ấn tượng tốt cho các bạn bè và thầy cô. Qua các giải thể thao, chúng tôi thấy các em trong trường đoàn kết hơn và tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt tăng dần qua từng năm”. Đúng như lời thầy Hà nói, tôi thấy trên sân các em thể hiện tinh thần chơi đẹp, bạn này đỡ bạn kia dậy khi bị ngã, khi có va chạm thì rối rít xin lỗi nhau.

Bên cạnh yếu tố di truyền và dinh dưỡng, sự rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) đóng vai trò quyết định tầm vóc con người, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những hoạt động TDTT thúc đẩy tiết ra endorphin-chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng tạo nên sự thay đổi tích cực trong não, gồm phát triển các tế bào thần kinh, giảm hoạt động gây căng thẳng và đem lại sự thư giãn, khỏe khoắn. Ngoài ra, luyện tập TDTT cũng giúp chúng ta có những khoảng thời gian chất lượng cho bản thân, ngăn chặn sự xâm nhập hoặc tái diễn của những dòng suy nghĩ hay những cảm xúc tiêu cực. Khi chơi thể thao, học sinh thể hiện được tính cách, cảm xúc của mình, được vui đùa với bạn bè và thu nhận những năng lượng sống tích cực.

Thực tế đáng bàn là nhiều cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh hiện nay vẫn chưa chú trọng đến vấn đề này và vẫn xem TDTT chỉ là giải trí. TDTT trước hết là vui, nhưng đồng thời nó cũng là cách hữu hiệu để phát triển học sinh toàn diện, trở thành sợi dây gắn kết giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô và giữa nhà trường với phụ huynh. Qua trò chuyện với học sinh và phụ huynh của Trường THCS Chu Văn An, tôi thấy rõ sự hứng khởi của họ mỗi khi nhà trường tổ chức một giải thể thao. Nhiều phụ huynh tự hào khoe con của mình ngoan hơn, nghe lời hơn từ khi tham gia các hoạt động TDTT của nhà trường.

Việc giáo dục đạo đức học sinh qua hoạt động thể thao của Trường THCS Chu Văn An là một cách làm hay, sáng tạo để nhiều nơi tham khảo, nhân rộng nếu mỗi trường học có cách nhìn nhận đúng đắn và có tâm huyết thực hiện.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/goc-nhin-giao-duc-giao-duc-dao-duc-qua-hoat-dong-the-thao-652274