GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TIẾP TỤC THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA

Việc chuẩn bị chương trình SGK phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội đã được toàn xã hội quan tâm, hưởng ứng. Đến nay, chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học; 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đã được biên soạn, thẩm định và ban hành về cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu nêu trong Nghị quyết, bám sát mục tiêu giáo dục.

Thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp chuẩn bị khai trường, Phương Linh lại được mẹ đưa đến nhà sách để tự tay lựa chọn những cuốn sách yêu thích phục vụ cho năm học mới. Không chỉ lựa chọn sách giáo khoa, các cuốn sách tham khảo, sách nâng cao cũng được Phương Linh tìm hiểu và chọn lựa rất kỹ lưỡng. Phương Linh chia sẻ, đi mua sách từ lâu đã trở thành một sở thích đặc biệt từ khi có chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, em cảm thấy vô cùng thích thú vì có nhiều sự lựa chọn hơn và lượng kiến thức cũng phong phú hơn.

Học sinh Phương Linh

Học sinh Phương Linh

Cũng giống như nhiều phụ huynh học sinh khác, chị Phương Lan thường dành thời gian tới nhà sách để nghiên cứu, tìm hiểu về các loại sách giáo khoa phục vụ cho việc học của con em mình. Mặc dù ủng hộ quan điểm một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tuy nhiên chị Lan vẫn băn khoăn về chất lượng của các bộ sách và việc chuẩn đầu ra cho học sinh. Đồng thời, chị mong muốn có 1 bộ sách giáo khoa được coi là chuẩn để tham chiếu với các bộ sách khác.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội đã nhấn mạnh: Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Tiếp đó, Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc cũng đã đề cập đến nội dung về việc biên soạn sách giáo khoa, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Quốc hội về những vấn đề đặt ra trong thực tế nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình thực hiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Tại Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân. Có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa đối với học sinh và thư viện trường phổ thông vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.

Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã lựa chọn xong sách giáo khoa lớp 1 trong 46 đầu sách thuộc 5 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt để áp dụng cho năm học 2020-2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, cả 46 đầu sách đều được hội đồng quốc gia thẩm định về mặt chuyên môn, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới và chuẩn đầu ra đối với từng môn học.

Như vậy, từ năm học tới, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa, tức là cho phép nhiều nhà xuất bản cùng tham gia biên soạn, làm sách giáo khoa. Việc các đơn vị xuất bản tự bỏ kinh phí huy động được đông đảo chuyên gia có uy tín tham gia biên soạn thành công các bộ sách giáo khoa lớp 1 đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và được dư luận hoan nghênh.

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Đình Hương, Đại biểu Quốc hội khóa XI, cho rằng việc biên soạn nhiều bộ sách giúp huy động được sự tham gia, trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó giáo viên, học sinh cũng sẽ có nhiều cách tiếp cận mới, nhiều sự lựa chọn hơn. Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Công bố Quyết định phê duyệt Danh mục Sách giáo khoa lớp 1

Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh và giáo viên có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất. Nhưng làm thế nào để việc lựa chọn khách quan, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội tham gia và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vẫn là bài toán khó.

Theo Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XII, chủ trương là hoàn toàn đúng đắn nhưng đây là vấn đề lớn và lần đầu tiên thay đổi toàn diện theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, thách thức đặt ra trong triển khai làm sao để cạnh tranh lành mạnh, để huy động được trí tuệ tập thể, đảm bảo chất lượng tốt nhất các bộ sách biên soạn.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng thực hiện xã hội hóa, về phía Nhà nước sẽ tiết kiệm ngân sách rất lớn. Thêm vào đó, chúng ta huy động được các nguồn lực, hàng trăm tác giả, trí tuệ nhiều nhà giáo trong xã hội tham gia viết SGK. Việc thực hiện xã hội hóa sẽ giúp hạn chế độc quyền sách giáo khoa. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì phương pháp dạy cũng phải đổi mới theo hướng hướng tập trung dạy cách học và tự học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức của người học.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu này, rất cần sự đồng hành, chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan cùng với Bộ Giáo dục và đào tạo nỗ lực triển khai thực hiện.

Huy động nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác giáo dục

Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã quyết nghị cho thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa. Nếu mỗi môn học đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó. Vậy cần làm gì để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa? Và làm thế nào để việc lựa chọn khách quan, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội tham gia và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về nội dung này:

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về tiến độ triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại các cấp học theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã tạo nên thay đổi căn bản trong giáo dục phổ thông.

Trước đây, chúng ta chỉ có 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa và tiếp cận theo hướng chương trình là định hướng còn sách giáo khoa là pháp lệnh thì với sự ra đời của Nghị quyết 88/2014/QH13 đã quy định chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là cách thức thể hiện và một điểm có thể nói là rất nổi bật của Nghị quyết này là xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ có một bộ sách giáo khoa do nhà nước biên soạn và phát hành thì với quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 đã mở ra cơ chế xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa và phát hành sách giáo khoa là do xã hội. Chính vì thế, đến nay đã có 5 bộ sách giáo khoa được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa nhà nước thẩm định và đủ điều kiện vận hành, đưa vào thực tế.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng đã thực hiện 1 bước nữa của Nghị quyết 88/2014/QH13 đó là các trường tiểu học đã bắt đầu chọn sách giáo khoa để đưa vào dùng cho lớp 1 trong năm học 2020-2021 này. Kết quả này là tác động rất tích cực của việc thực hiện Nghị quyết và chúng ta đã thay đổi căn bản việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa từ việc nhà nước biên soạn sang việc xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông.

Cần phải nhấn mạnh thêm, Nghị quyết 88/2014/QH13 có nêu là giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn 1 bộ sách giáo khoa mang tính chất nền tảng để đảm bảo trong trường hợp nếu mà việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa có khó khăn thì trong bất cứ trường hợp nào cũng có sách giáo khoa để đảm bảo việc học tập bình thường của học sinh. Tuy nhiên, từ thực tế việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã thực hiện tốt nên tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội để không thực hiện việc Bộ chủ trì biên soạn 1 bộ sách giáo khoa nữa mà hoàn toàn phát huy vai trò xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phóng viên: Theo đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn khó khăn, vướng mắc gì trong thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Đến thời điểm này, về cơ bản việc xã hội hóa không còn vướng mắc căn bản nữa. Lần đầu tiên chúng ta thực hiện xã hội hóa nhưng đã có kết quả rất là khả quan. Qua việc thực hiện xã hội hóa thì các nhà xuất bản, các nhóm tác giả đã cho ra đời được 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 và hoàn toàn đảm bảo việc tổ chức triển khai trong năm học 2020 -2021. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở trước mắt bởi vì:

Thứ nhất, chúng ta thực hiện việc biên soạn sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu. Tức là, đầu tiên cho ra đời bộ sách lớp 1 sau đó năm tới chúng ta tiếp tục ban hành lớp 2 và lớp 6 rồi cứ tiếp tục thực hiện như vậy cho đến hết toàn bộ bậc học phổ thông. Như vậy, thì kết quả năm đầu là khá tốt những năm sau còn là việc ở trong tương lai, chưa thể biết chắc được kết quả sẽ thực hiện đến đâu và liệu kết quả của việc biên soạn sách giáo khoa lớp 1 có được tiếp tục phát huy ở trong việc biên soạn sách giáo khoa ở những năm tiếp theo hay không?

Thứ hai, trước đây khi chúng ta giao cho 1 đơn vị là Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn và phát hành toàn bộ sách giáo khoa thì có một ưu điểm là đảm bảo sự tính đồng bộ giữa sách giáo khoa của các lớp học, cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục phổ thông nhưng khi tổ chức biên soạn dưới hình thức cuốn chiếu với sự tham gia của nhiều nhóm tác giả, nhà xuất bản khác nhau thì có thể có sự không đồng nhất nhất định giữa sách giáo khoa của các năm học khác nhau mặc dù là chương trình của chúng ta là thống nhất, Sách giáo khoa thể hiện chương trình nhưng mà cách thức thể hiện khác nhau cùng với 1 bậc học ở trên 1 địa phương thì cũng có những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận sách giáo khoa của giáo viên và học sinh.

Thứ ba, đó là khi đã tổ chức xã hội hóa, chúng ta tổ chức cho các nhóm tác giả, nhà xuất bản dược tham gia việc biên soạn phát hành sách giáo khoa và theo hình thức cuốn chiếu tức là năm nay xong được bộ sách lớp 1 thì ngay lập tức lại phải chuẩn bị cho bộ sách giáo khoa lớp 2. Như vậy, việc thí điểm thực nghiệm sách giáo khoa trên thực tế là có khó khăn bởi nếu đảm bảo thì việc biên soạn phải được kết thúc sớm và sau đó phải thực hiện thí điểm 1 năm học đối với 1 bộ sách giáo khoa của 1 lớp nào đó trong hệ thống giáo dục phổ thông và trên cơ sở đó mới có điều chỉnh ban hành trong năm học tiếp theo. Với cách thức tổ chức biên soạn như hiện nay thì dường như điều kiện thực nghiệm trên diện rộng ở các đối tượng khác nhau đặc biệt là các vùng kinh tế xã hội khác nhau và thời gian để thực nghiệm tổ chức thí điểm dạy thử sách giáo khoa mới là gần như không dảm bảo. Do vậy, đây vẫn là vẫn đề còn băn khoăn trong thực tế.

Phóng viên: Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh để học sinh và giáo viên có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất. Nhưng làm thế nào để việc lựa chọn khách quan, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội tham gia và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 thì việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 do các trường trực tiếp lựa chọn trên cơ sở có ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở đi khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thì việc lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai. Đương nhiên mỗi phương thức sẽ có những ưu thế riêng. Việc thực hiện bất cứ chủ trương nào lần đầu tiên cũng có những khó khăn, bỡ ngỡ nhưng với quan điểm đổi mới trong Nghị quyết 88 cũng như trong Luật Giáo dục (sửa đổi) thì việc huy động nguồn lực xã hội để biên soạn sách giáo khoa rồi việc giao cho các nhà trường, địa phương lựa chọn sách giáo khoa chắc chắn là 1 xu thế tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sách giáo khoa và sẽ tạo điều kiện cho các địa phương, các nhà trường có thể có lựa chọn phù hợp nhất với địa phương và trên cơ sở đó cũng là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Việc lựa chọn biên soạn hiện nay cũng không có khó khăn vướng mắc gì nhiều trong huy động xã hội hóa nhưng thực tế nhìn lại thì dường như vẫn tập trung vào những nhà xuất bản, những tác giả truyền thống, kinh nghiệm; có thế mạnh trong biên soạn sách giáo khoa từ trước đến nay. Trong khi đó, các lực lượng mới, các nhà xuất bản khác, các tổ chức, cá nhân chưa xuất hiện nhiều. Chúng ta hy vọng trong thời gian tới khi mà bắt đầu làm quen với việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thì sẽ có thêm nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia.

Việc xã hội hóa được đẩy mạnh tốt hơn có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân thì hy vọng sẽ kéo giảm được giá thành sách giáo khoa xuống bởi vì hiện nay so với giá sách giáo khoa cũ thì sách giáo khoa mới giá thành cao hơn nhiều và có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận sách giáo khoa của đại bộ phận người dân đặc biệt là người dân ở những vùng kinh tế xã hội khó khăn. Nếu xã hội hóa đẩy mạnh hơn giá thành giảm thì tăng khả năng tiếp cận của người dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Sách giáo khoa là một tài liệu giáo dục quan trọng, cho nên việc xã hội hóa cần hết sức thận trọng, minh bạch, để sách giáo khoa khi đến tay học sinh là những sản phẩm thật sự có chất lượng tốt nhất. Tới đây, việc xã hội hóa sách giáo khoa sẽ được thực hiện triệt để từ lớp 2 đến lớp 12. Vì vậy, theo quan điểm của đại biểu Phạm Tất Thắng cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mới, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội tham gia và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời sớm hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn, thẩm định sách giáo khoa phổ thông để bảo đảm chất lượng sách, không tiêu cực trong việc lựa chọn sách giáo khoa./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=47624