Góc nhìn đại biểu: sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vì một nền nông sạch

Là nước nông nghiệp, nhưng do không đủ năng lực, trình độ để sản xuất nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần như 100%, với khoảng 100 nghìn tấn/năm. Và Việt Nam cũng được coi là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát nhất. Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, muốn hình thành một nền nông nghiệp phát triển bền vững thì cần chủ động sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn sinh học.

Để tránh sâu bệnh hại cây trồng, cử tri Đào Văn Toàn, ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thường xuyên phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các giai đoạn sinh trưởng của cây cam. Mặc dù biết là độc hại nhưng anh vẫn phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng trừ sâu bệnh cho vườn cam của gia đình.

Cũng như gia đình cử tri Đào Văn Toàn, nhiều hộ nông dân, các hợp tác xã hay các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hóa học để phòng trừ sâu bệnh, giúp tăng năng suất cây trồng và giảm công lao động cho người sản xuất. Ông Hoàng Trung -- Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định, thuốc bảo vệ thực vật là loại vật tư quan trọng và đóng góp nâng cao sản lượng cây trồng. Nhiều năm qua, vai trò của thuốc bảo vệ thực vật đã được minh chứng, các loại dịch bệnh xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật sẽ dẫn đến mất mùa. Không riêng ở Việt Nam mà ở các nước tiên tiến trên thế giới họ vẫn phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Không thể phủ nhận những thành quả mà thuốc bảo vệ thực vật đã mang lại cho ngành nông nghiệp, tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ đang có xu hương tăng và đã gây ra nhiều hệ lụy, tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Vì vậy, tăng cường quản lý nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc trừ cỏ là một yêu cầu đặc biệt, cấp bách hiện nay.

Thống kê trong năm 2017 cho thấy, Việt Nam chi tới 989 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 36,4% so với năm 2016. Trong 9 tháng năm 2018, tuy lượng nhập thuốc bảo vệ thực vật có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng Việt Nam vẫn chi tới 681 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này. Tính trung bình mỗi ngày, Việt Nam chi khoảng 2,15 triệu USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu, trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc, Anh, Malaysia và Ấn Độ. Hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng là trong số khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành trên thị trường chỉ có khoảng 20% là thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và thảo mộc, 80% còn lại là thuốc bảo vệ thực vật có thành phần chính là các chất hóa học độc hại cho môi sinh, cũng như sức khỏe của con người.

Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được Quốc hội thông qua năm 2013 là một trong những tiền đề quan trọng giúp công tác quản lí thuốc bảo vệ thực vật được bài bản, quy củ, chặt chẽ, từ đó giúp chất lượng nông sản Việt Nam ngày một an toàn hơn để tiếp cận những thị trường xuất khẩu mang lại giá trị cao. Luật đã có nhiều quy định hạn chế nhập khẩu và sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật hóa học như:

- Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại.

- Phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học,

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật…

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông - thôn cho biết: “Theo quy định của Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật, chúng tôi đang loại bỏ các thuốc, hoạt chất cũ và độ độc cao ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật quốc gia. Nâng và tăng tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đây là chủ trương chug của bộ. Khi cần sử dụng cũng phải có, nhưng chủ trương giai đoạn hiện nay là tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30%, giảm danh mục thuốc bảo vệ thực vật hóa học xuống 30%. Đang làm đồng thời cái này và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong lúc cần thiết. Khi sử dụng thì phải ưu tiên lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật sinh học, trong trường hợp thuốc bảo vệ thực vật không phải là lựa chọn tối ưu thì mới nhắm tới thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng là thế hệ mới”.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bên cạnh đặt mục tiêu tiếp tục giảm 30% tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật hóa học được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và thảo mộc được đăng ký, sử dụng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thống kê trong những năm qua, cơ quan này đã loại bỏ trên 1.024 tên thương phẩm ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra, nếu chỉ hạn chế nhập khẩu và loại bỏ danh mục thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại liệu có giải quyết tận gốc vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt đối với một đất nước mà nông nghiệp vẫn tỷ trọng lớn như Việt Nam? Điều này đòi hỏi những giải pháp tổng thể, đồng bộ từ phía Chính phủ để đề ra chiến lược phát triển ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nói riêng theo hướng bền vững.

Hiệu quả từ việc khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong phòng, chống sinh vật gây hại ở Việt Nam vẫn chưa cao.

Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát. Với 2kg/ha/năm, khối lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên 1 ha cây trồng/năm ở Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Bangladesh, Senegan. Đáng lo ngại, không chỉ có những người trực tiếp tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp mà ngay cả người dân ở thành phố không tiếp xúc với thuốc thuốc bảo vệ thực cũng bị phơi nhiễm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Trong khi đó hiệu quả từ việc khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong phòng, chống sinh vật gây hại ở Việt Nam vẫn chưa cao. Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp sạch. Nhưng để thực hiện mục tiêu này bên cạnh quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, đầu tư tự sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở trong nước, thì tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người nông dân – những người trực tiếp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có vai trò rất quan trọng.

Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về thực trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Những năm gần đây, lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng trong sản xuất có xu hướng ngày càng tăng. Nhưng chúng ta đang đứng trước thách thức cơ bản là nhập khẩu, không riêng lĩnh vực nông nghiệp mà cả trong lĩnh vực y tế cũng phải nhập khẩu thuốc và những sản phẩm thuốc chất lượng cao. Nguyên nhân là về mặt khoa học kỹ thuật Việt Nam vẫn đi sau và điều kiện để đầu tư cho nhà máy kỹ thuật cao để sản xuất sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chúng ta chưa có đủ điều kiện do ngân sách hạn hẹp. Đó chính là vấn đề cơ bản. Thứ hai là Việt Nam vẫn chưa tập trung để nghiên cứu và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Thời gian gần đây, vấn đề môi trường đã đang và tiếp tục được quan tâm chặt chẽ hơn. Đây cũng là những vấn đề được đại biểu Quốc hội các khóa cho ý kiến và đề nghị giữ môi trường thông qua việc nhập thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại đến môi trường đất, sức khỏe con người. Thực tế thời gian qua đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số công ty, doanh nghiệp vẫn nhập hoạt chất hóa học độc hại, gây thoái hóa môi trường đất.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Thực tế, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua bán tràn lan tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính. Việc kiểm soát, kiểm định, thanh tra, kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật lưu hành trên thị trường ở một số nơi đã bị buông lỏng, cho nên chất lượng không đảm bảo về chất lượng, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là báo động mà chúng ta cần chú ý tập trung giải quyết.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững theo hướng an toàn sinh học thì cần có giải pháp gì để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Theo tôi, đây là một vấn đề chúng ta cần tính toán, dành ngân sách để có giải pháp tích cực để đi trước, đón đầu chuẩn bị cho sự phát triển mới. Nếu cứ lệ thuộc vào nguồn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ nước ngoài thì sẽ dẫn tới tình trạng lúc khó khăn trong việc nhập khẩu thì xảy ra khan khiếm, khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ Quốc hội phải quan tâm đến lĩnh vực này để phân bổ ngân sách phù hợp để từng bước thực hiên để nhiều năm sau đạt được mục tiêu tự túc, tự sản xuất các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn sinh học, tránh sự lệ thuộc vào nước ngoài.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý thuốc theo hướng chặt chẽ, đủ sức răn đe, có thể áp dụng kỹ thuật camera giám sát việc sử dụng thuốc trên đồng ruộng để phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cùng với loại bỏ các thuốc độc hại cần bố trí kinh phí và thực hiện việc đánh giá, phát hiện các thuôc kém chất lượng, hiệu lực thấp để có cơ sở khoa học và thực tiễn loại bỏ khỏi Danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam. Trên cơ sở Luật Bảo vệ thực vật và kinh doanh thực vật sẽ được ban hành, cần có nghị định và thông tư mới riêng về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó cần có quy định cụ thể về xây dựng, ban hành và sử dụng danh mục thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế số lượng hoạt chất trong Danh mục; hạn chế các loại hoạt chất hỗn hợp, hạn chế số tên sản phẩm cho một hoạt chất; tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30-40% trong 5-7 năm tới.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Những biện pháp cần lưu ý là phải chuyển nhanh sản xuất và nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang thuốc bảo vệ thực vật thực vật, an toàn sinh học để phát triển sản xuất kinh doanh lâu dài. Đây là giải pháp cơ bản, tích cực và phải có kế hoạch dài hạn, đầu tư nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, tránh việc nhập khẩu những thuốc bảo vệ hóa học độc hại. Đồng thời, tuyên truyền người dân không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; quản lý chặt chẽ những tác động tiêu cực thì thuốc bảo vệ thực vật, như rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật hay những hệ lụy mà thuốc bảo vệ thực vật gây ra với môi trường không khí, môi trường đất và sức khỏe người dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=38762