GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: PHƯƠNG ÁN SỬA ĐỔI CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP CHO GIÁO VIÊN PHẢI GIẢM ÁP LỰC, TỐN KÉM

Đóng góp ý kiến đối với phương án sửa đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, cho rằng phương án đưa ra phải giảm áp lực, tốn kém cũng như giảm áp lực về cuộc chạy đua bằng cấp, chứng chỉ.

Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo nội dung liên quan đến các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức. Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Nhiều giáo viên đã tỏ ra lo lắng với một số quy định trong chùm Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông (ảnh minh họa).

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2021.

Để có thêm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.

Phóng viên: Thưa đại biểu, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Chùm Thông tư đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận xã hội, đặc biệt là tâm tư của hàng triệu giáo viên. Đại biểu nhìn nhận như thế nào về chùm các Thông tư này?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông đã phần nào giải đáp được một phần những bất cập, vướng mắc trong quy định đối với các chứng chỉnh liên quan đến ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, sau khi chùm Thông tư được ban hành, tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của lực lượng giáo viên bày tỏ sự bức xúc và lo lắng với một số điểm trong các Thông tư. Đặc biệt, tại Thông tư 03 có điểm gây bất lợi cho giáo viên khối THCS như yêu cầu giáo viên muốn thăng hạng phải có bằng Thạc sĩ. Trước đó, Thông tư 22/2015 lại không có quy định này mà chỉ yêu cầu giáo viên muốn thăng hạng chỉ cần có bằng tốt nghiệp Đại học. Vào thời điểm đó, nhiều giáo viên đã tham gia cuộc thi và được thăng hạng I. Tuy nhiên, với Thông tư 03 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thì nhiều giáo viên từ hạng I sẽ bị rớt xuống hạng II. Ngoài ra, những quy định về chứng chỉ nghề nghiệp cũng tạo ra cho giáo viên những bất an khi trong thời gian ngắn họ không biết có nên tham gia các lớp học để bổ sung các chứng chỉ nghề nghiệp.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền-Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.

Phóng viên: Chùm Thông tư cũng đã khiến nhiều giáo viên lo lắng và dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy liệu trách nhiệm của từng cơ quan khi ban hành các Thông tư phải được làm rõ, điều chỉnh như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền-Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Trách nhiệm của cơ quan nào ban hành Thông tư đến đâu thì phải làm rõ đến đó, tránh trường hợp khi có những vấn đề bất cập xảy ra thì Bộ này lại đổ lỗi cho Bộ kia. Điều này sẽ tạo nên sự chồng chéo trong vấn đề quản lý Nhà nước. Về phía Bộ Nội vụ cần lắng nghe ý kiến xã hội đối với các vấn đề về bằng cấp, chứng chỉ đối với toàn thể công chức, viên chức nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Còn về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có sự rà soát kịp thời, đúng đắn, phù hợp, tránh gây tốn kém, lãng phí và tạo áp lực cho đội ngũ giáo viên.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đại biểu, các Thông tư nên được điều chỉnh như thế nào để không tạo nên áp lực, gây tốn kém cho giáo viên?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền-Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Sau khi nhận được ý kiến từ phía lực lượng giáo viên và giới truyền thông, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức; yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này. Đây là sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và điều quan trọng là từ những văn bản chỉ đạo đó, các Bộ ngành phải rà soát lại những bất cập trong các Thông tư đó được tiến hành tới đâu và sẽ được điều chỉnh, giải quyết như thế nào.

Tôi cho rằng, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan cần phải rà soát, phân loại lại các ý kiến được giáo viên và dư luận xã hội quan tâm, bày tỏ quan điểm, bức xúc nhiều nhất.

Theo Luật Công chức, viên chức quy định từ chuyên viên lên chuyên viên chính không có quy định là phải có bằng Thạc sĩ. Tuy nhiên, theo Thông tư 03 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì giáo viên khối THCS muốn thăng hạng phải có bằng Thạc sĩ. Quy định này là cao hơn so với quy định trong Luật Công chức, viên chức đưa ra. Việc điều chỉnh nên theo hướng, đối với giáo viên hạng I thì được bảo lưu kết quả mà họ đã tham dự cuộc thi thăng hạng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào năm 2018. Chỉ nên yêu cầu giáo viên phải có bằng Thạc sĩ khi Thông tư có hiệu lực sau này. Việc làm này cũng là giảm căng thẳng, áp lực cho giáo viên đã tham dự cuộc thi thăng hạng năm 2018 cũng như giảm áp lực về cuộc chạy đua bằng cấp, chứng chỉ.

Phóng viên: Theo đại biểu, về phía các trường học, đội ngũ giáo viên cần phải lưu ý gì hơn đối với việc nâng chuẩn chức danh nghề nghiệp?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Tôi cho rằng, trách nhiệm và ý tướng của mỗi giáo viên khi họ đứng trên bục giảng là phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy. Về phía nhà trường phải kịp thời có những động viên giáo viên phấn đấu trong công việc. Nếu các trường h ọc, giáo viên thấy có chương trình nào phù hợp và phục vụ hữu ích cho việc giảng dạy hiệu quả hơn thì tiếp nhận để nâng cao trình độ, kiến thức, phục vụ cho việc giảng dạy tốt hơn và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Còn lại những quy định nào chỉ mang tính hình thức, chạy theo thành tích, tạo thêm áp lực không đáng có cho giáo viên thì nhà trường nên xem xét dừng lại không thực hiện nữa hoặc có đề xuất lên cơ quan quản lý giải quyết.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!/.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=53709