GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NGƯỜI DÂN KHÔNG THỰC HIỆN PHÂN LOẠI RÁC THẢI SẼ PHẢI TRẢ PHÍ CAO HƠN

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận cho ý kiến. Một trong những điểm mới của Dự thảo được quan tâm cho ý kiến là quy định người dân không thực hiện phân loại rác thải sẽ phải trả phí cao hơn trong bối cảnh môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép.

Hoạt động xử lý rác tại một trong những nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội - bãi rác Nam Sơn. Công tác xử lý rác sinh hoạt ở đây còn lạc hậu, chủ yếu theo phương pháp chôn lấp thông thường. Nguyên nhân chính do không được phân loại từ nguồn nên khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng lớn tới môi trường. Hiện bãi rác này đã và đang nằm trong tình trạng quá tải. Với diện tích hơn 80 ha, nhưng hàng ngày phải tiếp nhận tới 5.000 tấn rác thải nên nhiều năm trở lại đây, các hố chôn lấp rác này luôn phải hoạt động quá công suất.

 Bãi rác Nam Sơn - nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội

Bãi rác Nam Sơn - nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội

Còn khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Theo quy hoạch công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm, tuy nhiên bãi rác này cũng phải tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt trên 1.000 tấn mỗi ngày. Phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp thủ công, lạc hậu. Điều này dẫn đến khối lượng chất thải phát sinh ngày một nhiều và chưa tận dụng được các thành phần có ích trong chất thải, chưa theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Ông Hoàng Văn Vân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội chia sẻ: Xử lý rác hiện nay chủ yếu là bằng phương pháp chôn lấp thủ công. Ngoài ra có hai nhà máy đốt rác thì công suất nhỏ, khói mùi rất khó chịu ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực tế thời gian qua vẫn còn có sự bất cập trong quản lý chất thải rắn, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ Trung ương tới địa phương. Cụ thể, hiện Luật bảo vệ môi trường quy định chức năng quản lý được giao cho nhiều Bộ cùng chịu trách nhiệm như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…Do vậy, ở địa phương, một số tỉnh, cơ quan quản lý chất thải rắn sinh hoạt là Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng một số tỉnh khác lại là Sở Xây dựng. Vì vậy, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thậm chí có địa phương chất thải rắn sinh hoạt trở thành điểm nóng, hiệu quả quản lý chưa cao.

Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó Phòng Điều hành sản xuất, Công Ty Môi Trường - Đô thị Hà Nội nhấn mạnh: Do quỹ đất của thành phố còn hạn chế do vậy việc quy hoach điểm tập kết cũng như điểm truyền tải chưa đáp ứng về mặt số lượng cũng như quy mô cho mỗi điểm nên khó khăn trong công tác quản lý. Một điểm nữa là cơ chế quản lý rác thải cồng kềnh, đó là những vận dụng sinh hoạt như giường tủ bàn ghế của người dân sau khi thải bỏ ra thì nó cũng chưa có cơ chế quản lý. Người dân hiện nay thường xuyên có tình trạng đục trộm và mang đi đốt cũng ảnh hưởng rất lớn tới môi trường .

Những năm qua, môi trường nước ta không chỉ chịu áp lực lớn từ các bãi chôn lấp rác thải mà còn chịu áp lực lớn từ ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước thải và nhiều sự cố môi trường khác do các cá nhân, doanh nghiệp gây ra…để lại hậu quả nặng nề đời sống sức khỏe và sản xuất của người dân. Việc bổ sung quy định người dân không thực hiện phân loại rác thải sẽ phải trả phí cao hơn, nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện phân loại rác từ nguồn, giảm áp lực cho nơi thu gom và xử lý được người dân ủng hộ và đánh giá cao.

Rác thải nhựa được phân loại, đóng gói riêng, góp phần bảo vệ môi trường

Bà Vũ Phương Liên, cử tri phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội nêu ý kiến: Thời gian tới, chúng ta sẽ có sự thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại rác tại nhà. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vì điều đầu tiên, mỗi người dân phải thấy rằng điều đó có ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của bản thân, đẹp hơn thủ đô và đặc biệt xã hội ta ngày càng phát triển văn minh. Trong đó, việc bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Chúng tôi ủng hộ và tin tưởng rằng việc này hoàn toàn làm được để người dân ngày càng có trách nhiệm hơn. Những cá nhân và tập thể chưa thực hiện được phân loại rác tại nhà thì có thể xử phạt và nâng phí dịch vụ của họ lên. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Khiên, cử tri phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội bày tỏ: Đây là yêu cầu chung của xã hội và đất nước. Nếu những ai còn vi phạm, ngay cả trên đường phố, đã có những xử lý người vứt rác ra ngoài đường không đúng quy định, không đúng thời gian. Sau này, nếu chúng ta thực hiện tốt hơn thì những ai cứ vi phạm là phải có xử lý triệt để để cho môi trường được thực hiện tốt hơn.

Liên quan tới vấn đề ô nhiễm không khí, nhiều đại biểu tán thành với quy định “ai gây ra ô nhiễm phải có trách nhiệm xử lý” tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung các quy định phối hợp giữa các địa phương trong vấn đề xử lý giảm thiểu ô nhiễm không khí ra môi trường, đồng thời quy định cụ thể nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Bà Đàng Thị Mỹ Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, bày tỏ: Các nguồn nguyên liệu khí thải từ việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, không khí và các nguồn ô nhiễm môi trường, không khí xuyên biên giới, liên tỉnh thì phải được quan trắc, đánh giá kiểm soát. Tôi tán thành với quy định này. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định rõ về cơ chế để tổ chức thực hiện, cần quy đinh ai, đối tượng nào chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện việc quan trắc, đánh giá, kiểm soát, xử lý các nguồn ô nhiễm môi trường, các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới theo quy định như đã nêu. Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý môi trường. Việc quy định Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo là đúng, tuy nhiên có trường hợp nguồn ô nhiễm phát ra địa bàn khác nhưng bị ảnh hưởng liên vùng nên theo tôi cần bổ sung cụ thể Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà máy.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phương thức địa táng người chết đã trở nên lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, Luật cần quy định làm sao hạn chế thấp nhất hình thức địa táng, khuyến khích hỏa táng và hình thức xử lý tro cốt sau hỏa táng phù hợp đạo lý, đảm bảo vệ sinh nhưng không tốn nhiều đất. Điều này sẽ nâng cao ý thức của doanh nghiệp và cộng đồng, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi làng xã và toàn xã hội. Luật sửa đổi lần này làm sao để động viên, để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người chung tay bảo vệ môi trường. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa về bảo vệ môi trường, kêu gọi cho được đầu tư theo phương thức PPP vào hoạt động này.

Trước thực tế công tác thanh kiểm tra về môi trường thời gian qua còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị xem xét kỹ quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo. Đồng thời, cần nâng cao công nghệ xử lý rác thải, thực hiện phân loại rác, giảm chi phí sản xuất, tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra và giám sát.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nhấn mạnh: Với chức năng của cảnh sát môi trường là cơ quan có nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật về môi trường thì chỉ nên giao cho cơ quan này kiểm tra đối với doanh nghiệp trong những trường hợp mà cơ quan này trực tiếp phát hiện các hành vi vi phạm hoặc khi có tin báo tố giác về tội phạm. Còn đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra có tính chất đột xuất hoặc thường xuyên đối với doanh nghiệp khi trực tiếp phát hiện, khi có tố giác. Đối với kiểm tra đột xuất và định kỳ thì nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan thanh tra. Tôi cho rằng quy định này của dự thảo có tính hợp lý.

Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật quy định việc thực hiện phân loại đối với chất thải rắn sẽ khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn thành năm loại: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại chất thải theo quy định. Chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, lưu ý: Nếu chúng ta phát sinh ra chất thải nhiều, chúng ta thực hiện việc phân loại chất thải ra các thành phần chứa chất thải, tận dụng thành phần chất thải đó chuyển cho các cơ quan, tổ chức cá nhân có chức năng tái sử dụng tái chế, xử lý. Còn chất thải không tái sử dụng, không tái chế được, thì khi đó chúng ta mới xử lý tiêu hủy sẽ giảm khối lượng chất thải phát sinh. Nếu không phân loại ra, thu cả đống thì đương nhiên phải trả nhiều tiền hơn. Phân loai rồi thì đương nhiên giảm tỷ lệ xử lý, thúc đẩy công tác tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm lượng chất thải phải xử lý

Cùng với đó dự thảo Luật đề xuất, xả ra nhiều rác thì phải trả nhiều tiền. Số tiền này do địa phương quyết định tùy vào điều kiện kinh tế và điều kiện của người dân. Điều này có nghĩa là kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính dựa trên khối lượng phát sinh, việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn. Việc này sẽ thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh hàng ngày.

Để triển khai thành công, theo ý kiến chuyên gia phụ thuộc rất nhiều ý thức của người dân. Ý thức của người dân nâng cao thì việc phân loại rác thải sẽ dễ đi vào cuộc sống. Và việc này cần có lộ trình. Dự thảo luật đề xuất đưa ra quy định về sự giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhấn mạnh: Đây không phải là cân rác mà khi đó sẽ giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, các địa phương căn cứ vào lộ trình của Hội đồng nhân dân, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Chúng ta thấy rằng việc phân loại chất thải thành công hay không thành công còn phụ thuộc nhiều vào hạ tầng của địa phương. Hạ tầng chúng ta không có, ví dụ chúng ta chỉ có một cái thùng thì rõ ràng không thành công hoặc chúng ta có hai thùng thùng vàng, thùng xanh là hữu cơ, thùng vàng là vô cơ hoặc có thể có thêm một thùng nữa là chất thải có thể tái chế được. Nhưng phương tiện thu gom, vận chuyển chuyên dụng thì chỉ có một xe, vô hình chung là phân ra xong lại trộn vào. Và như vậy rõ ràng là không thành công và lãng phí.

Dự kiến, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được thông qua tại 3 kỳ họp một cách thận trọng và hoàn chỉnh trước khi hoàn thiện. Theo đó, việc đề xuất tăng giá thu gom rác thải, giảm dần ngân sách bao cấp trong bối cảnh môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải….là nội dung được quan tâm cho ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đặt ra yêu cầu cấp thiết làm thế nào để giảm ô nhiễm, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong sạch, an toàn.

Thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường đảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết. Việc dự thảo quy định người dân không thực hiện phân loại rác thải sẽ phải trả phí cao hơn sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, chủ động khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng cuộc sống. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân về nội dung này.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân

Phóng viên: Theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), người dân không thực hiện phân loại rác thải sẽ phải trả chi phí cao hơn so với người thực hiện việc phân loại. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này?

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, việc bảo vệ môi trường không phải là vấn đề của bất cứ tổ chức, cá nhân nào của Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu. Tôi nghĩ rằng tổ chức cá nhân không thực hiện tốt thì phải trả một chi phí cao hơn là đương nhiên. Chính vì vậy, Dự thảo luật quy định người dân không thực hiện phân loại rác sẽ phải trả phí cao hơn so với người thực hiện phân loại sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tố chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường hiện nay.

Phóng viên: ý kiến đề nghị quy định quyền trực tiếp tham gia giám sát thực thi bảo vệ môi trường của người dân để bảo đảm tính khách quan, phát huy vai trò, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Quan đểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Tôi nghĩ rằng quyền của công dân, có nhiều năm rồi. Có chủ trương phát động là phải công khai, dân chủ, minh bạch; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì người dân phải là người trực tiếp tham gia để giám sát việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, người dân cũng phải có trách nhiệm ngoài giám sát thì cần chủ động tuyên truyền, vận động để cùng nhau tham gia bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.

Phóng viên: Dự thảo Luật đề xuất, xả ra nhiều rác thì phải trả nhiều tiền. Số tiền này do địa phương quyết định tùy vào điều kiện kinh tế và điều kiện của người dân. Theo đại biểu quy định này có ý nghĩa thực tế như thế nào? Tính khả thi của quy định?

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét quy định việc thu phí, cũng như xem xét trong quá trình xử lý, thu đó như thế nào phải rõ ràng và việc thu phí trong bảo vệ môi trường đó cũng phải được ưu tiên đầu tư lại cho công tác bảo vệ môi trường ở từng địa phương. Tùy tình hình của từng địa phương và điều kiện của từng đô thị của một địa phương khác nhau nhưng mục đích là phục vụ lại cho công tác bảo vệ môi trường, phục vụ lại cho điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương đó.

Phóng viên: Dự thảo Luật quy định, giao Ủy ban nhân dân tỉnh đồng bộ về cơ sở hạ tầng bởi nếu phân loại rác ra rồi mà không đồng bộ về cơ sở hạ tầng sẽ gây ra sự không phù hợp và tốn kém nguồn lực của nhà nước cũng như người dân. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này?

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Từ thu gom, vận chuyển, bãi chứa, cho đến nhà máy xử lý phải là một sự đồng bộ cho nên yêu cầu các cấp, cá ngành cũng như chính quyền địa phương phải có sự đầu tư thì mới giải quyết được. Nếu chúng ta chỉ giải quyết được việc phân loại của tổ chức cá nhân, sau đó không có nơi thu gom hoặc nơi xử lý đồng bộ với việc phân loại đó thì lại không hiệu quả, không tiếc kiệm, dẫn tới lãng phí và không thực thi được quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng tất cả các địa phương phải thực hiện cho đồng bộ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Trước những áp lực lớn đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện cùng sự tham gia của toàn xã hội đảm bảo công tác bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Các đại biểu cho rằng để tạo sức răn đe, dự thảo Luật cần phải quy định cụ thể và nâng mức xử phạt với các hành vi vi phạm về môi trường. Theo đó, dự thảo Luật hướng tới đạt mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế một cách bền vững./.

Kim Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=47387