GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CƯ TRÚ

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Một trong những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo luật sửa đổi lần này là quy định về thay đổi phương thức quản lý cư trú. Việc thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý theo số định danh cá nhân nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số đại biểu và cử tri.

Thay đổi phương thức quản lý cư trú

Sổ hộ khẩu, ngoài việc giúp cơ quan Nhà nước, quản lý cư trú, còn là loại giấy tờ gắn bó mật thiết với từng gia đình. Gần 70 năm, cuốn sổ hộ khẩu tồn tại với một “quyền năng” không nhỏ đối với nhiều thế hệ. Chia sẻ về cuốn sổ hộ khẩu, bà Nguyễn Thị Bích, cư trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, cuốn sổ hộ khẩu đã gắn bó suốt 30 năm với gia đình, gắn bó với bao biến động của gia đình từ kết hôn, sinh con, ...

Nếu trong thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm… thì ngày nay vẫn gắn với không ít thủ tục, giấy tờ. Theo quy định hiện hành, hàng loạt thủ tục hành chính như: khai sinh; chứng tử; đăng ký kết hôn; sổ đỏ, nhận con nuôi;.....bắt buộc người dân mang sổ hộ khẩu khi đến làm thủ tục tại Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan công an. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh, thậm chí “phiền phức” từ cuốn sổ hộ khẩu. Có mặt tại công an quận Hoàng Mai để làm thủ tục nhập khẩu, chị Đặng Thu Hiền chia sẻ, hiện tại chúng tôi làm việc, cư trú ở nhiều nơi. Nếu cần xác nhận việc gì liên quan đến cá nhân cũng phải về nơi đăng ký thường trú thì rất mất công, ví dụ xác nhận độc thân, xác nhân lý lịch tư pháp, xác nhận tạm vắng.

Chị Đặng Thu Hiền, người dân đi làm thủ tục nhập khẩu

Chị Đặng Thu Hiền, người dân đi làm thủ tục nhập khẩu

Câu chuyện bỏ quản lý dân cư bằng quyển sổ hộ khẩu giấy, tích hợp tất cả thông tin trong số định danh cá nhân đã được bàn thảo rất nhiều lần và tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đề xuất này chính thức được Luật hóa trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Quy định về thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, chuyển đổi sang phương thức quản lý hiện đại bằng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ cao của cả người dân và đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Triển, Tổ trưởng Tổ dân phố số 23, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cho biết, chủ trương bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã định danh công dân, chúng tôi rất ủng hộ, như vậy sẽ đơn giản hóa thủ tục giấy tờ; người dân đi làm thủ tục nhanh gọn hơn. Vừa qua, công an đã thực hiện việc kê khai, lấy thông tin từng hộ dân trong khu phố.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý dân cư, chỉ là thay đổi phương thức quản lý hiện đại và phù hợp hơn. Với việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, sẽ giúp bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đăng ký thường trú, tạm trú. Còn theo phân tích của các chuyên gia, bỏ hộ khẩu giấy, sẽ giảm đến hàng nghìn thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cơ bản về công dân hoặc xuất trình, nộp bản sao.

Cần lộ trình cụ thể

Việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử. Đánh giá về thay đổi này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, đây là sự thay đổi tích cực, phù hợp sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ, thông tin, đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư đến nay đã tổ chức cấp hơn 3 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân đăng ký khai sinh tại 60 tỉnh, thành phố và gần 15 triệu số định danh cho công dân thông qua cấp thẻ Căn cước công dân. Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, để bảo đảm tính khả thi của Luật thì trước thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội

Theo Bộ Công an, sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, người dân thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin chính: họ tên, mã số định danh cá nhân và chỗ ở. Các cơ quan nhà nước sẽ tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia là có đầy đủ thông tin mà công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... không phải đi chứng thực hay xác nhận của xã, phường.

Vừa qua, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách khi thảo luận về việc thay thế phương thức quản lý dân cư, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính hiện nay liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để có biện pháp xử lý, thay thế. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thay thế Sổ hộ khẩu theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an đang triển khai thực hiện.

Đại biểu Quốc hội tham gia Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại điểm cầu Hà Nội

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, Sổ hộ khẩu vẫn có giá trị sử dụng trong một thời gian nhất định đối với những trường hợp chưa được cấp mã số định danh cá nhân, đảm bảo cho các hoạt động giao dịch của người dân được diễn ra bình thường; tránh việc khi thực hiện không đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý cư trú và giao dịch của người dân.

Có ý kiến đề nghị cần phải có lộ trình thực hiện việc thay đổi phương thức quản lý cư trú nhằm bảo đảm hạn chế tối đa việc xáo trộn đối với người dân, vì việc dự kiến áp dụng Luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 như Tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện được. Nếu bỏ Sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan Nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị lại toàn bộ hệ thống máy tính, trang thiết bị để có thể truy cập, sử dụng, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận, thay vì việc chỉ kiểm tra Sổ hộ khẩu như hiện nay. Bên cạnh đó, người được giao làm công tác này cũng sẽ phải được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để quản lý sử dụng. Việc thay đổi này sẽ tạo ra những chi phí xã hội không nhỏ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện Bộ Công an đã xây dựng quy trình thu thập dữ liệu dân cư phục vụ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có nội dung thực hiện việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Dự kiến đến tháng 12/2020 việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam sẽ hoàn thành.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư

Sự thay đổi phương thức quản lý dân cư mới thay thế cho cuốn sổ hộ khẩu giấy đã tồn tại gần 70 năm qua đang được cử tri, nhân dân quan tâm. Phương thức quản lý dân cư mới này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư, cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân. Tuy nhiên, để bảo đảm thuận lợi cho việc triển khai khi luật có hiệu lực thi hành, thì cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể ra sao cho phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an đang triển khai. Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề này:

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Phóng viên: Tại dự thảo Luật cư trú sửa đổi có bổ sung quy định thay thế phương thức quản lý cư dân từ sổ hộ khẩu sang mã định danh công dân. Đại biểu có đánh giá như thế nào về điểm mới này?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Một trong những sửa đổi quan trọng lần này là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu sang mã định danh cá nhân. Việc luật hóa quy định này, là bước tiến lớn trong công tác quản lý dân cư. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều tán thành điểm mới này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý như: lo ngại thời gian thực hiện, nhiều quan hệ pháp lý và giao dịch liên quan đến sổ hộ khẩu có thể không theo kịp.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu đâu là khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý cư dân hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Việc chuyển đổi phương thức quản lý cư dân sang mã định danh cá nhân đúng là phù hợp với xu thế nhưng trong điều kiện hiện nay của chúng ta cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Khi thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, mỗi người có một mã định danh cá nhân. Tuy nhiên, số định danh cá nhân là cấp cho mỗi con người cụ thể, còn sổ hộ khẩu là ghi nhận một số người trong cùng 1 gia đình tại một nơi cư trú hợp pháp.

Hiện mới có khoảng 20 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến hết tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại. Tuy nhiên, có lẽ khoảng thời gian còn lại, với tiến độ như hiện nay thì mục tiêu đặt ra là khó khả thi. Tương tự, thời gian còn lại cũng khó để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mà trong thành phần thủ tục có sử dụng đến hai loại sổ trên.

Phóng viên: Vậy việc thực hiện có cần những điều khoản mang tính chuyển tiếp để đảm bảo tính khả thi, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Để bảo đảm thuận lợi cho việc triển khai khi luật có hiệu lực thi hành, cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an đang triển khai. Việc triển khai phải bảo đảm cho các hoạt động của người dân diễn ra bình thường, tránh xáo trộn. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định, sổ hộ khẩu vẫn có giá trị sử dụng trong một thời gian nhất định đối với những trường hợp chưa được cấp mã số định danh cá nhân, tránh việc khi thực hiện không đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý cư trú.

Về bản chất của vấn đề nếu không tính kỹ thì lại bắt công dân xuất trình giấy tờ về cư trú vì vậy cần có điều khoản quy định cơ quan công quyền không được bắt công dân xuất trình giấy tờ về cư trú mà chỉ cần mã định danh công dân là đủ. Ngoài ra, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, cần tính toán cụ thể các bước triển khai, có giai đoạn chuyển tiếp để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cùng với việc phát triển của xã hội, trong thời đại thế giới phẳng, công nghệ mới, việc quản lý dân cư theo kiểu hộ khẩu giấy đã không còn phù hợp. Với Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), quy định quản lý dân cư theo phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú đã được đa số cử tri hoan nghênh, đồng tình. Việc bãi bỏ hộ khẩu đồng nghĩa với việc bãi bỏ hàng chục thủ tục hành chính, mỗi năm tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng tiền ngân sách, đảm bảo các quyền của công dân như quyền tự do cư trú, đi lại. Tuy nhiên, để quy định sau khi có hiệu lực được triển khai hiệu quả trên thực tế, thì việc cân nhắc xác định lộ trình, bước đi cụ thể trong quá trình chuyển đổi là vô cùng cần thiết./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=48434