Góc nhìn đại biểu: kiểm soát ô nhiễm bụi mịn

Cụm từ 'ô nhiễm bụi mịn', 'ô nhiễm không khí' liên tục xuất hiện trên các bản tin dự báo thời tiết và tin tức thời sự trong những ngày qua. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, ô nhiễm không khí trong đó có bụi mịn PM 2.5 đang ở mức độ rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí đã trở thành vấn đề cấp bách.

Hà Nội: Báo động về chất lượng không khí

Những ngày gần đây, thành phố Hà Nội luôn đứng trong top những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí nhất thế giới…. Sinh sống ở gần Hồ Tây, ông Bùi Mạnh Lập năm nay đã gần 90 tuổi rất lo lắng, hoang mang bởi chưa bao giờ ông thấy Hồ Tây bị bao phủ bởi một lớp bụi mịn dày đặc như những ngày gần đây. Ông Bùi Mạnh Lập cho biết, "những ngày ô nhiễm bụi mịn, chúng tôi không dám ra đường vì không khí quá ô nhiễm. Chúng tôi rất lo lắng, hoang mang và thời gian gần đây những người già như chúng tôi hay mắc các bệnh viêm phổi".

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội trong năm 2019,Hà Nội có 6 đợt ô nhiễm không khí. Mỗi đợt kéo kéo dài từ 5 đến 10 ngày, trong đó cao điểm nhất là từ ngày 08/12 đến 12/12,chất lượng không khí xấu và rất xấu, thuộc top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Đặc biệt, theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tháng 3/2020, Thủ đô Hà Nội cũng như một số đô thị khác ở khu vực miền Bắc ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5, cao nhất trong năm (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau).

Ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội đang gia tăng nhanh

Ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội đang gia tăng nhanh

Bà Trần Lệ Thùy - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang tăng rất nhanh và ngày càng cao, thường xuyên đứng ở top 4 trên thế giới, đôi khi top 2 hoặc top 1. Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội ở mức khá nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Do vậy, người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin về chất lượng không khí, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, hạn chế mở cửa sổ khi ở nhà.

Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, các hoạt động như đốt rơm rạ, đốt rác; thu gom rác thải chưa tốt; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa đã khiến ô nhiễm không khí càng gia tăng.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, cho rằng Việt Nam đang phát triển cho nên tốc độ đô thi hóa, phát triển kinh tế xã hội là một trong những nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm. Vấn đề ở đây chúng ta phát triển đô thị nhanh, xây dựng đô thị, giao thông, chung cư.. dẫn dến các hoạt động xây dựng không che chắn, các nhà máy xả khói độc, khói bụi xe vận chuyển nguyên vâtj liệu cũng như khí thải xe ô tô… chất lượng thải bụi cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, phân tích: Hiện nay, hàng ngày ở Hà Nội thường ô nhiễm vào ban đêm, có những ngày ban ngày. Đó là hiện tượng ô nhiễm nhất thời. Ngoài ra, các nguồn ô nhiễm của chúng ta chưa kiểm soát tốt. Ô nhiễm còn do yếu tố khí hậu thời tiết không thuận cho việc khuếch tán không khí nên những khối không khí không khuếch tán được cao và ra diện rộng nên cứ quanh quẩn, nồng độ luôn luôn cao, do đó khi các phản ứng hóa học lại xảy ra nên lại càng cao hơn. Như vậy nguyên nhân một số do yếu tố khí hậu, một số khác là do đốt rơm rạ, đốt rác, đã gây ra hiện tượng ô nhiễm nhiều trong thời gian qua.

Bụi mịn PM 2.5 gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe con người

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia Việt Nam đã chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất. Trong đó, bụi mịn (PM 2.5) là những hạt bụi nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy, được coi là tác nhân gây ô nhiễm không khí có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe.

Những hạt bụi siêu mịn trong không khí có kích thước rất nhỏ… Khi cơ thể hít phải bụi mịn, bụi mịn sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi. Bụi mịn đi theo không khí đi vào các túi phế nang – bộ phận nằm sâu nhất bên trong phổi. Những hạt bụi mịn có thể xâm nhập sâu qua thành phế nang đi vào mạch máu, nơi chúng được vận chuyển khắp cơ thể và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thông thường của các cơ quan trong cơ thể như phổi, hệ miễn dịch, tim và não, nhất là não của trẻ đang trong giai đoạn phát triển.

Không chỉ ảnh hưởng đến não, bụi mịn còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng khác như đột quỵ, viêm phổi, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi…

Bụi mịn PM 2.5 gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ. Hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mối nguy hại này được Tổ chức Y tế thế giới nhận diện trong một báo cáo vừa được công bố trước khi diễn ra Hội nghị Toàn cầu lần đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe vừa diễn ra.

Tại Việt Nam, theo Tổ chức Y tế thế giới, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất.

Còn chậm trễ giải quyết sự cố ô nhiễm bụi mịn

Ngay từ đầu năm 2019, tại thành phố Hà Nội liên tục ghi nhận các đợt cao điểm ô nhiễm bụi mịn, đỉnh điểm là từ tháng 9 đến tháng 12/2019. Tuy nhiên mãi đến ngày 18/12/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội mới tổ chức cuộc họp đôn đốc các sở ngành, quận, huyện về công tác bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm bụi trên địa bàn.

Còn động thái của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong cả năm 2019 chủ yếu vẫn chỉ là quan trắc, công bố kết quả, đưa ra khuyến cáo phòng tránh ô nhiễm không khí, mà chưa đề ra các giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn, kiểm soát chất lượng không khí ở các đô thị lớn.

Đến ngày 19/12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới tổ chức họp với các bộ ngành cùng lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh bàn giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: "Hội nghị phân tích các nguyên nhân, nhưng nói nguyên nhân nào là chính thì hội nghị hôm nay chưa làm được..."

Còn các giải pháp mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất cũng chỉ là tiếp tục duy trì hoạt động trạm quan trắc tự động, đảm bảo quan trắc đủ số lượng điểm, để đưa ra chính xác chất lượng môi trường không khí, cung cấp hằng ngày cho người dân biết. Nếu tình trạng, chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn, nguy hại đến sức khỏe, thì khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp của Bộ Y tế đã đưa ra.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đề xuất trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với nhau chặt chẽ hơn để đưa ra quy định xử lý và có chế tài nặng hơn để xử lý các tình huống gây ô nhiễm không khí mà đa phần là do tránh luật, lách luật, thiếu ý thức.

Theo TS.Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, "trong khi môi trường nước, chất thải – những thứ có thể nhìn thấy – đã được các cơ quan quản lý quan tâm xử lý trong thời gian qua, thì môi trường không khí vốn rất quan trọng với sức khỏe người dân lại chưa được quan tâm đúng mức. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí thì người ta phải biết nguồn ô nhiễm không khí từ đâu, chất gì. Hiện chúng ta đã biết nguyên nhân, mỗi thành phố một khác. Ở Việt Nam thì chắc chắn là từ phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng hạ tầng nhiều nên phát sinh bụi, từ các nà máy xi măng, thép, hóa chất, than, làng nghề… Chúng ta lại đốt rơm rạ, than tổ ong… Tất cả những cái đó đều là nguồn gây ra bụi mịn PM 2.5 sơ cấp là thứ cấp. Chúng ta biết nguyên nhân và nguyên nhân nào là chính để ưu tiên thực hiện".

Vẫn biết để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí cần có thời gian và giải pháp đồng bộ, nhưng người dân vẫn mong chờ sự phản ứng kịp thời cũng như những biện pháp quyết liệt hơn nữa từ phía cơ quan chức năng. Bởi nếu như hiện nay thì không biết người dân Thủ đô và người dân các thành phố lớn phải hít thở bụi mịn đến bao đến bao giờ ?

Các cơ quan chức năng đã đưa ra dự báo từ nay đến tháng 3/2020, Hà Nội và các thành phố lớn vẫn tiếp tục gánh chịu các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngoài các thông điệp khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài trong các ngày có mức độ ô nhiễm cao thì người dân vẫn trông chờ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đưa ra phương án ứng phó khẩn cấp để kiểm soát hiệu quả hơn nhằm giảm các nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn.

Hệ lụy do ô nhiễm bụi mịn gây ra đối với sức khỏe rất nghiêm trọng và có nhiều nguyên nhân gây ra bụi mịn. Để quản lý và cải thiện tình trạng này cần phải có cách tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể với nhiều giải pháp đồng bộ. Vậy những giải pháp đó là gì? Tổ chức, cá nhân nào tham gia vào giải quyết vấn nạn này? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội thành phối Hà Nội về nội dung này:

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng cần có giải pháp tổng thể giảm ô nhiễm bụi mịn

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa đại biểu, với tư cách một nhà khoa học, ông có thể phân tích về tác hại của bụi mịn và bụi siêu mịn đối với sức khỏe người dân?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Bụi mịn và bụi siêu mịn là loại bụi có đường kính dưới 2.5 micromet. Vì vậy cho nên nó rất nhỏ, nhỏ hơn cả tế bào máu, nhỏ hơn cả hồng cầu, bạch cầu, thậm chí nhỏ hơn cả tiểu cầu. Vì vậy cho nên nó có thể qua được thành của phế nang, vào sâu trong phổi và vì vậy nó có thể đi vào máu. Nếu thành phần của bụi càng phức tạp, chứa nhiều thành phần độc hại, nhất là thành phần ấy có thể là tác nhân gây ra ung thư thì bụi mịn là một trong những tác nhân gây ra các bệnh ung thư, bên cạnh các bệnh lý về hô hấp.

Phóng viên: Vậy nguyên nhân vì sao tình trạng bụi mịn diễn ra nghiêm trọng như vậy, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Ở Hà Nội bụi mịn đang ở trong tình trạng trầm trọng. Nhiều ngày nay bụi mịn luôn ở mức cao nhất. Tình hình chỉ được cải thiện khi trời có mưa, nhưng chỉ cần hết mưa là mức độ bụi mịn lại lên cao đến mức nghiêm trọng. Lý do là các nguyên nhân tạo ra bụi vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể, đó là xe chở nguyên vật liệu rơi vãi dọc các tuyến đường; các công trình xây dựng không được che chắn; xe chở nguyên vật liệu vào ra nội đô không được rửa và che chắn; tình trạng đốt rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong; thậm chí hoạt động được gọi là dọn vệ sinh, hút bụi dọc các tuyến phố cũng thực hiện sai cách khiến lượng bụi tăng lên.

Bên cạnh đó, mặc dù cây xanh được trồng ở nhiều nơi những vẫn còn thiếu rất nhiều, chưa kể các chung cư ngày càng phát triển, đường xá bị thu hẹp, lượng phương tiện giao thông quá nhiều… khiến ô nhiễm ngày càng tăng.

Phóng viên: Với tư cách là đại biểu Quốc hội, đại biểu có kiến nghị hay đề xuất giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Cách đây vài năm, Bắc Kinh (Trung Quốc) là thành phố được mệnh danh là ô nhiễm nhất thế giới, nhưng chỉ sau vài năm họ đã cải thiện được tình trạng này và hiện nay không còn bị xếp vào những thành phố có mức ô nhiễm nhất thế giới. Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy: nếu quyết tâm thì sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm bụi mịn. Có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Cả xã hội, cả đất nước phải vào cuộc với quyết tâm rất cao. Cụ thể:

Thứ nhất, mọi người dân cần ý thức hạn chế tối đa bụi mịn bằng cách kiên quyết ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch; hạn chế sử dụng than tổ ong… để góp phần giảm khả năng gây ô nhiễm bụi mịn.

Thứ hai về xây dựng, cần có quy định nghiêm khắc đối với các xe chở nguyên vật liệu trên đường không chở quá thành xe, được che chắn an toàn. Tất cả các xe chở vật liệu khi đi vào nội thành cần được phun, rửa sạch sẽ, đây là giải pháp quan trọng, sẽ giảm lượng lớn đất, cát bị rơi vãi trên đường.

Thứ ba, đó là tiếp tục trồng thêm cây xanh và gìn giữ cây xanh, bởi cây xanh là lá phổi của thành phố.

Thứ tư là quy hoạch thành phố tốt hơn, có vùng đất rộng hơn để trồng cây, bổ sung diện tích trồng cỏ; đồng thời di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đông dân cư. Sử dụng công nghệ tiên tiên tiến để hạn chế thấp nhất khói bụi xả ra môi trường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Dù việc gia tăng ô nhiễm bụi thường rơi vào thời điểm giao mùa, nhất là vào mùa đông hàng năm nhưng các cơ quan chức năng lại không có giải pháp ứng phó kịp thời, cũng không có động thái cảnh báo trước, để người dân bị động trước hiện tượng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Có nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng vẫn chưa phản ứng đúng mức với mức độ nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm bụi mịn hiện nay. Qua ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí cugx cho thấy, cần có sự quyết tâm cao và phối hợp đồng bộ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng như người dân thì ô nhiễm bụi mịn mới sớm được giải quyết./.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=44594