GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN MỘT CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO ÁO DÀI VIỆT NAM

Áo dài Việt Nam được dư luận thế giới đánh giá sự đặc trưng như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay sườn xám của Trung Quốc. Tuy nhiên, để áo dài thực sự trở thành di sản văn hóa của Việt Nam một cách chính thức và hợp pháp thì cần có một cơ sở pháp lý.

Áo dài – Trang phục truyền thống của phụ nữ Việt

Khi khoác lên mình tà áo dài duyên dáng, mỗi người phụ nữ Việt Nam đều thêm yêu và tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc mình, một trang phục mà không lẫn với bất cứ trang phục của quốc gia nào khác trên thế giới. Những năm trở lại đây, áo dài xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu như trước đây chỉ xuất hiện vào dịp lễ trọng đại thì hiện nay áo dài được chị em trưng diện thường xuyên như đi đám cưới, dự tiệc, họp lớp, đi lễ chùa, đi du lịch…

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam

Trong nhiều trường học, công sở, áo dài trở thành đồng phục. Tại một số địa phương, các nữ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện mặc áo dài các ngày trong tuần. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh các nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi người dân.

Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cho biết khi mặc trên mình bộ áo dài truyền thống của dân tộc chúng tôi rất tự hào và vào ngày đầu tuần, những ngày lễ, kỷ niệm chúng tôi thường xuyên mặc trang phục áo dài.

Khi làn sóng Châu Á ở mọi lĩnh vực đang chi phối mạnh mẽ đến xu hướng thẩm mỹ ở phương Tây, việc áo dài Việt Nam nằm trong sự lựa chọn trang phục của nhiều ngôi sao quốc tế không phải là hiếm. Thế nhưng, người dân Việt Nam không khỏi nhiều phen bất bình khi một nữ ca sỹ nhạc đồng quê từng đoạt giải Grammy 2019 diện áo dài Việt Nam một cách phản cảm trong buổi biểu diễn. Hay trước đó, một nữ Rapper cũng từng mặc áo dài không kèm quần tại lễ trao giải Billboard Music Awards 2019. Chính những điều này đã tạo ra một làn sóng bảo vệ “quốc phục” trên mạng xã hội. Nhiều người Việt thậm chí còn đòi tẩy chay những người này vì cho rằng họ làm “nhục quốc phục”. Không chỉ có vậy, ở Việt Nam, hiện có không ít người nổi tiếng cũng khai thác tính gợi cảm của tà áo dài một cách quá đà, gây ra những phản cảm không đáng có.

Tháng 11 năm 2019, tại tuần lễ thời trang Xuân – Hè diễn ra tại Bắc Kinh. Một thương hiệu thời trang cao cấp của Trung Quốc đã cho ra mắt một bộ sưu tập mà tâm điểm là hình ảnh tà áo dài Việt Nam. Sẽ không có gì để nói nếu những hình ảnh này không được đăng tải trên tờ Nhật báo Trung Quốc với tựa đề “Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân - Hè”. Bài báo này không có thêm chú thích gì về cái tên áo dài hay xuất xứ nguồn gốc từ Việt Nam. Chính việc này đã tạo ra một làn sóng bảo vệ tà áo dài Việt trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề bản quyền thì hóa ra chúng ta đang rất thiếu căn cứ pháp ý.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hiện giờ chúng ta rất là ít căn cứ pháp lý nếu không muốn nói là không có căn cứ pháp lý để cho chúng ta có thể có những biện pháp nào đó để lấy lại thương hiệu hay là khởi kiện đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng áo dài Việt. Đấy chính là một trong những lý do vô cùng quan trọng khiến cho chúng ta phải xây dựng thương hiệu áo dài, phải xác định địa vị pháp lý cho áo dài Việt Nam để từ đó chúng ta mới có thể có những biện pháp khác nhau nhằm đấu tranh với các nhà tạo mẫu, thiết kế thời trang nước ngoài khi bị vi phạm. Đây là câu chuyện hết sức quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Ngay tại Việt Nam, trong quá trình phát triển của tà áo dài cũng đã có nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa về những cách tân, sáng tạo. Do đó, hơn bao giờ hết, chung ta cần xây dựng một bộ quy chuẩn về thiết kế áo dài để làm hệ quy chiếu cho những sáng tạo, cách tân là việc làm cần thiết hiện nay.

Nhằm bảo vệ chiếc áo dài nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung. Thời gian qua, rất nhiều giải pháp được đề cập, nhưng cuối cùng vẫn chưa đưa ra một chiến lược hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài. Cách đây bảy năm, cùng với sự ra đời Bảo tàng Áo dài ở Tp. Hồ Chí Minh, Chi hội Di sản văn hóa đã đề xuất với Hội Di sản văn hóa thành phố xây dựng hồ sơ xin công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, để có được “danh phận” về mặt pháp lý. Tuy nhiên, không được chấp thuận vì vướng những quy định bất cập do chính cơ quan quản lý văn hóa đặt ra. Nhiều ý kiến lại đặt vấn đề cần đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho áo dài Việt như một cách tự vệ trên thị trường quốc tế. Song cách làm này gần như không khả thi vì việc bảo hộ kiểu dáng thời trang gắn liền với những mẫu thiết kế, nhà thiết kế cụ thể, không thể áp dụng với một loại áo chung chung và càng không thể áp dụng trên toàn cầu.

Không dừng lại ở đó, một giải pháp khác là công nhận “quốc phục” cho áo dài, khi năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng khởi động Dự án chọn lễ phục nhà nước. Dự án này được làm rất công phu với các hội thảo tổ chức ở ba miền, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà văn hóa, lịch sử; thi thiết kế bộ lễ phục với sự tham gia của nhiều nhà thiết kế. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi bởi trong khi mẫu lễ phục nữ được 100% ý kiến chọn là áo dài thì bộ lễ phục cho nam giới còn nhiều ý kiến khác biệt. Khi trình lên Chính phủ vào năm 2014, đề án phải dừng lại bởi chưa tìm được lễ phục nam giới và một số lý do khác. Vì vậy, mặc dù áo dài nhận được sự đồng thuận rất lớn của xã hội nhưng vẫn chưa có văn bản cụ thể nào công nhận là lễ phục. Còn trước những đề xuất làm hồ sơ trình UNESCO ghi danh áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nếu muốn được UNESCO ghi danh, trước hết áo dài phải là Di sản phi vật thể quốc gia.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; dự kiến Hội có thể là đơn vị đứng ra làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam; trong năm 2020 sẽ cố gắng làm đủ quy trình, thủ tục để công nhận.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trở nên vô cùng quan trọng, cấp thiết. Hy vọng thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tích cực hơn trong việc phối hợp các cấp, ngành cùng sự hưởng ứng của cả xã hội để sớm có những chủ trương, hành động thiết thực nhằm bảo vệ và tôn vinh giá trị áo dài, một nội dung không thể thiếu trong chiến lược xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.

Sớm công nhận quốc phục của Việt Nam

Trải qua các thời kỳ lịch sử, tà áo dài truyền thống Việt Nam với các hình thức thiết kế, màu sắc đa dạng và phong phú đã ra mắt bạn bè năm châu trong các cuộc thi sắc đẹp, sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật; được xem như quốc phục, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Áo dài chính là bản sắc văn hóa dân tộc; là đặc trưng dễ nhận thấy nhất để phân biệt người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, việc bảo vệ chiếc áo dài nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung đang còn gặp nhiều trở ngại, thách thức. Để có góc nhìn đa chiều về nội dung này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Phóng viên: Thưa Đại biểu, thời gian qua, đã có không ít người nổi tiếng trên thế giới sử dụng trang phục áo dài của Việt Nam một cách phản cảm. Thậm chí, một số hãng thời trang của nước ngoài đã ngang nhiên sao chép mẫu áo dài truyền thống Việt Nam và cho rằng đó là phong cách thời trang của nước họ. Những hành động này đã gây bất bình trong dư luận, Đại biểu có bình luận gì về vấn đề này?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Người phụ nữ Việt Nam mỗi một giai đoạn có một trang phục mà trang phục đó sẽ tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ. Phải nói rằng, cho đến nay chúng ta khẳng định áo dài Việt Nam là trang phục truyền thống mà người phụ nữ rất tự hào và mỗi khi có những công việc quan trọng, những sự kiện lớn, dịp lễ, người phụ nữ thường mặc trang phục áo dài. Thời gian gần đây, có những công ty nổi tiếng in những tập ảnh với chú thích là văn hóa của họ rồi có khi người ta khai thác áo dài dưới những khía cạnh không đúng với truyền thống, phong tục tập quán của chúng ta. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ trang phục áo dài Việt Nam.

Phóng viên: Trước việc áo dài Việt Nam bị xâm phạm, nhiều ý kiến đề cập đến việc xem xét chuyện bản quyền thì hóa ra chúng ta đang rất thiếu căn cứ pháp ý để có thể bảo vệ. Quan điểm của Đại biểu như thế nào trước sự việc này?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Câu chuyện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm cho chủ trương, còn đối với Quốc hội, đã ban hành Luật Di sản và luật đã quy định rất rõ, nếu như chúng ta công nhận di sản văn hóa phi vật thể thì vấn đề ở đây, ai là người làm hồ sơ trình? Tư vấn chung cho Chính phủ vẫn là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng phối hợp với cơ quan, ban ngành nào của trung ương với những địa phương nào thì đây là những câu hỏi đặt ra đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có tư vấn, hướng dẫn, định hình và nghiên cứu để làm thế nào xây dựng bộ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa. Tôi cho rằng, đây là những nhiệm vụ quan trọng cần khẩn trương thực hiện.

Phóng viên: Theo Đại biểu, thời gian tới chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp gì để có thể định vị “áo dài là của người Việt”để có thể giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như bảo vệ áo dài trước mọi xâm lấn văn hóa từ nước ngoài?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Sau nhiều năm chúng tôi theo dõi về văn hóa thì có tổng hợp rất nhiều ý kiến đề nghị bây giờ phải công nhận quốc phục của Việt Nam. Theo các ý kiến đề xuất về quốc phục Việt Nam thì đối với nữ giới chọn trang phục áo dài và nam giới chọn trang phục comple. Vậy vấn đề đặt ra là cần chính thức công nhận trang phục, lễ phục quốc gia của Việt Nam. Đây là việc cần làm và trong phạm vi đất nước có thể thực hiện được. Chỉ có công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam thì mới đủ cơ sở, căn cứ để gửi hồ sơ đi UNESCO công nhận áo dài Việt Nam là di sản.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Dù chưa có gì chính thức nhưng lâu nay trang phục áo dài rất quen thuộc với phụ nữ Việt Nam và được xem như quốc phục của Việt Nam. Câu chuyện bảo vệ áo dài của người Việt không phải của riêng ai, mỗi người dân, mỗi cơ quan ai cũng cần phải làm tốt việc của mình. Các nhà thiết kế cần đầu tư thời gian và tâm sức để làm chiếc áo dài đẹp hơn, hiện đại, gần gũi hơn với đời sống. Còn từng người dân cần dấy lên niềm tự hào dân tộc với chiếc áo dài. Từ phía các cơ quan văn hóa, ngoại giao, có thể tổ chức nhiều hơn các lễ hội quảng bá hình ảnh áo dài, mời đại sứ các nước đến để trực tiếp trải nghiệm, mặc áo dài. Như vậy vừa giúp quảng bá áo dài Việt Nam tới các đại sứ, vừa là cách quảng bá áo dài ra thế giới thông qua các đại sứ, đại biểu quốc tế. Nhưng những việc kể trên có thể là dã tràng xe cát nếu chúng ta không có giấy tờ hành chính từ Nhà nước để công nhận áo dài là của người Việt. Dù người dân trong nước, cộng đồng kiều bào hay quốc tế có thừa nhận áo dài của người Việt cũng chỉ là tự suy tôn. Vì vậy, điều quan trọng là cần có văn bản mang tính pháp lý để làm cơ sở bảo vệ chủ quyền văn hóa với áo dài tại đất nước mình và trên toàn thế giới./.

Lê Anh - Trần Tiến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=48428